Phim tài liệu Việt

Nhọc nhằn tìm khán giả

15:27 | 01/06/2018

424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một trong những thể loại ra đời sớm và mang lại nhiều giải thưởng danh giá cho điện ảnh Việt Nam, song phim tài liệu đang phải đứng trước những thách thức do khán giả Việt Nam thờ ơ.

Vang bóng một thời”

Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống. Nhiều bộ phim tài liệu đã góp phần phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước. Đã có một thời, những bộ phim tài liệu gây nức lòng công chúng như: “Nước về Bắc Hưng Hải” (đạo diễn Bùi Đình Hạc), “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (đạo diễn Trần Văn Thủy)… Kể cả sau này, những giá trị vĩnh hằng của đề tài chiến tranh vẫn là nguồn sống dồi dào nhất cho phim tài liệu.

nhoc nhan tim khan gia
Một cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"

Tuy nhiên, kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, phim tài liệu Việt Nam dần mất đi vị thế quan trọng của mình và rơi vào tình trạng “khủng hoảng” do khán giả ít quan tâm. Đánh giá về thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, “căn bệnh mạn tính” của phim tài liệu là sự lạc hậu so với thời đại. Nội dung phim ôm đồm, áp đặt, nặng triết lý, lời bình át hình ảnh… Trong khi đó, những vấn đề nóng của xã hội như tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống… lại chưa được đề cập đến trong phim tài liệu.

Đồng quan điểm, đạo diễn Trần Văn Thủy - “cha đẻ” của phim “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” cho rằng: “Về cơ bản phim của ta vẫn nặng tính phụ họa đường lối chính sách, cổ vũ lòng tin, để trình bày giải thích chuyện A, chuyện B thay vì đặt vấn đề về cốt cách con người và phản ánh hiện thực đời sống. Một sản phẩm văn hóa nếu không có tư tưởng thì chỉ dừng lại ở sản phẩm, có tư tưởng mới thành tác phẩm. Một tác phẩm đụng vào đời sống xã hội sẽ thành kiệt tác. Nếu không, nó chẳng ích lợi gì cho đời sống”.

Nhà làm phim tài liệu Chile nổi tiếng Patricio Guzman từng nói: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”. Thế nhưng, việc không có khán giả khiến phim tài liệu Việt khó phát huy được chức năng tuyên truyền, phản ánh của mình.

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khó khăn vì thiếu vắng khán giả xem phim tài liệu không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở cả các nước có nền điện ảnh tiên tiến, khán giả xem phim tài liệu cũng không nhiều như phim truyện. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức của người làm phim và của người quản lý văn hóa nghệ thuật. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, chúng ta không thể kêu gọi khán giả hoặc bắt khán giả đến xem phim tài liệu, mà chúng ta phải tạo dựng sự đam mê cho khán giả.

Công chúng đã thay đổi

Với sự chân thật, đầy nhân văn, xúc động lòng người của phim tài liệu, những năm gần đây, khán giả đã dần thay đổi nhận thức nhờ sự xuất hiện của những người làm phim độc lập.

Năm 2015, bộ phim tài liệu độc lập “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm do Công ty Blue Production phát hành đã trở thành một hiện tượng tại các phòng vé với 30 ngàn lượt người xem. Tiếp sau đó, bộ phim “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng ra rạp, giá vé 70 nghìn đồng/vé tại 3 thành phố lớn với 15 nghìn lượt người xem. Có thể nói, vì không bị gò bó về đề tài, cách nhìn hay cách thể hiện, nên các nhà làm phim tài liệu độc lập có cơ hội tiếp cận với nhiều dạng nhân vật, nhiều câu chuyện… để cho ra đời những sản phẩm “đời” hơn và nghệ thuật hơn.

Bên cạnh đó, có một thực tế các nhà làm phim đều thừa nhận, đó là khi cuộc sống có quá nhiều thay đổi, khán giả cũng có sự thay đổi. Trong khi đó, tư duy và cách làm phim tài liệu của nhiều hãng phim vẫn không có sự đổi mới. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ: “Tôi mong muốn kêu gọi các nhà làm phim độc lập gửi phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam; trao giải cho những bộ phim đầy tính sáng tạo trong thể hiện, mới mẻ trong cách nhìn; vinh danh sự can đảm, tiên phong và dấn thân… có như vậy phim tài liệu của Việt Nam mới tìm lại được chỗ đứng trong lòng công chúng”.

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, cách làm phim có thể thay đổi từ chính những người trẻ, điển hình như việc tổ chức các lớp đào tạo cho những nhà làm phim tài liệu trẻ như Doclab, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD… Đây là mô hình cần nhân rộng, bởi không chỉ đào tạo đội ngũ làm phim trẻ, mà còn là đào tạo đội ngũ khán giả cho phim tài liệu trong tương lai. Có thể bắt đầu từ việc tạo điều kiện để các em học sinh phổ thông biết đến phim tài liệu, học cách làm phim tài liệu, hướng dẫn các em cách thức làm phim tài liệu như thế nào, phong cách, trường phái để các em có sự lựa chọn…

Có thể nói, để phim tài liệu Việt sống được trong lòng công chúng, điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng phim. Tuy nhiên, để làm được điều này, phim tài liệu Việt Nam cần một cuộc cách mạng về đề tài. Những nhà làm phim tài liệu cần khai thác những vấn đề gần gũi, nhạy cảm trong đời sống thường ngày, rồi bằng con mắt nghệ thuật, bằng niềm đam mê của người làm phim, đưa những vấn đề đó lên phim tài liệu… như vậy thì phim tài liệu Việt sẽ dần đến được với công chúng.

Làm bộ phim “đến bờ đến bến” không đơn giản. Đáng ngại nhất là trong đầu không có gì, trong tim không có gì, không có gì để mà vui mà buồn. Chỉ khi đạo diễn đắm đuối với cuộc đời thì mới nảy ra ý tứ, sản sinh tác phẩm lớn. (Đạo diễn Trần Văn Thủy)

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.