Nhớ thời làm báo ở chiến trường

06:00 | 21/06/2017

476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tốt nghiệp Khoa ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được cử đi học sĩ quan dự bị rồi vào phục vụ quân đội, làm phóng viên. Cơ hội may mắn đến với tôi là nhiều lần làm phóng viên chiến trường ở biên giới phía Bắc. Chính những ngày tháng gian khổ, vất vả và nguy hiểm ấy đã tôi luyện cho tôi sớm trưởng thành và có bản lĩnh nghề nghiệp để gắn bó và thêm yêu nghề báo.  

Đầu năm 1980, về nhận công tác ở Ban Biên tập chương trình Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân được mấy ngày, tôi đã lên mặt trận Lạng Sơn, sống cùng bộ đội trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn và ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, tôi nhanh chóng hòa nhập và làm quen với cuộc sống chiến sĩ ở mặt trận. Vài hôm sau, tôi và anh Mai Thế Chính cuốc bộ về Sở Chỉ huy Trung đoàn 42 đóng ở Đồng Đăng làm việc với Trung đoàn trưởng, Anh hùng Quân đội Nguyễn Như Hoạt. Đến bữa ăn, không có canh rau, anh Hoạt rót nước sôi ra cái bát to rồi bỏ tí mì chính và vài hạt muối vào. Khi chúng tôi rời trung đoàn, anh Hoạt cho một chiến sĩ dẫn đường để tránh dẫm phải mìn trên các lối mòn.

Chuyến đi đầu tiên ấy, tôi đã viết được 2 bài báo chứ không chỉ “đi xem các anh làm việc”. Trung tá Cao Nham, Trưởng đoàn công tác, khi duyệt xong 2 bài viết của tôi đã nói: “Cậu viết như thế này là được rồi, nhưng còn thời gian cậu viết lại theo cách khác xem sao. Vì một vấn đề có nhiều cách thể hiện khác nhau”. Thế là tôi suy nghĩ và viết lại theo đúng yêu cầu của vị chỉ huy.

Lần khác, tôi lên một điểm tựa ở Văn Lãng (Lạng Sơn). Hôm ấy đúng ngày Rằm tháng Giêng, nhưng bữa cơm của chiến sĩ khẩu đội cối 82 chỉ có nồi cơm gạo hẩm với đĩa thịt muối và mấy con cá khô. Thịt muối, cá khô và mắm kem là món ăn chủ yếu của bộ đội thời đó, được chế biến từ phía sau đưa lên.

Pháo địch khiến các sườn núi đá nham nhở, lộ ra màu trắng toát nên bộ đội gọi mặt trận Vị Xuyên là “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”. Vì ở trong hầm và hang núi ẩm thấp, nhiều chiến sĩ bị ghẻ lở, hắc lào. Buổi chiều, các đơn vị thay nhau ra suối Thanh Thủy “tắm tiên” đến nhá nhem tối mới về. Chị em dân tộc thiểu số đi làm nương cứ chờ bộ đội về hết mới qua được suối. Biết được chuyện này, khi lên thăm bộ đội, bà Nguyễn Thị Hằng, lúc đó là Bí thư Trung ương Đoàn đã nói: “Tôi chúc các đồng chí khỏe, không ghẻ và tắm thì phải mặc quần đùi”.

Những chuyến lên biên giới Hà Giang năm 1984 để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Có đợt mấy ngày liền, địch nã pháo dồn dập sang Vị Xuyên. Tiểu đoàn 10 pháo binh của Quân khu 2 đặt trận địa ngay cạnh đường Thanh Thủy. Sau những trận đấu pháo quyết liệt, tôi thấy những đống vỏ đạn pháo 85 ly chất đống, vàng rực giữa nắng hè. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong. Đặc biệt, vì mật độ pháo địch bắn sang dày đặc nên có khẩu pháo của ta bị phá vỡ nòng. Tôi ở trong hang đá với bộ đội đặc công. Có hôm đến bữa ăn, vì thiếu rau xanh nên cán bộ chỉ huy bảo một chiến sĩ lấy khẩu AK bắn rụng buồng quả cọ rồi luộc, chấm muối ăn.

Một hôm đến làm việc tại Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 2, tôi được biết, sáng sớm mai sẽ có một đợt pháo kích của ta từ trận địa đặt ở sân bay Phong Quang, phía bờ bắc suối Thanh Thủy, bắn sang điểm cao 1509 mà địch đang chiếm giữ. Tôi được giao nhiệm vụ đến đó để tường thuật trận đánh. Cơm tối xong, xe đưa tôi đến Phong Quang. Xe ôtô phải chạy vào ban đêm để tránh bị pháo địch bắn.

Sân bay Phong Quang là sân bay dã chiến do Pháp xây dựng nhưng đã bỏ hoang mấy chục năm, cỏ cây mọc um tùm. Trận địa pháo đặt gần cuối sân bay, còn trận địa pháo giả đặt giữa sân bay. Pháo giả là những ống tre to, dài gần 3m. Xen kẽ các khẩu pháo giả là hầm hào để bộ đội trú ẩn. Tôi được bố trí ở cùng tốp chiến sĩ trong một căn hầm. Chỉ huy trận địa quy định, sáng sớm mai, khi pháo thật khai hỏa thì trận địa pháo giả sẽ cho nổ bộc phá, tạo khói lửa đánh lừa địch. Cứ nghe tiếng nổ đầu nòng của pháo ta thì lại nổ một lượng bộc phá. Tôi mang theo chiếc máy ghi âm chạy băng cối, nặng 6kg để tường thuật trận đấu pháo. Tình huống được dự kiến trước là địch sẽ bắn vào cả hai trận địa thật và giả, thương vong là điều không tránh khỏi.

Đêm hôm ấy, đã gần đến Rằm nên trăng sáng, chỉ có tiếng côn trùng và tắc kè buồn tẻ. Gần sáng, sương mù kéo về mỗi lúc một nhiều. Và tình huống bất ngờ xảy ra, đài quan sát báo về, sương quá dày đặc, không nhìn thấy mục tiêu. Thế là trận đánh phải hủy bỏ.

Hôm sau chúng tôi chuyển hướng đi Yên Minh vì chiến sự đang diễn ra tại xã Bạch Đích. Đường từ Quản Bạ lên Yên Minh bám theo vách núi hiểm trở, rất xấu. Vì thế, chưa đi tới nơi thì xe bị gãy một số thanh nhíp, chúng tôi đành bỏ xe xuống đi bộ, khoảng 17 giờ mới tới xã Bạch Đích. Quang cảnh vắng lặng, đồn biên phòng và kho thóc của xã đang cháy nghi ngút. Một bác nông dân hớt hải chạy đi tìm trâu. Bác nói với chúng tôi là dân sơ tán hết rồi, bộ đội cũng đã rút lên dãy núi phía sau. Thế là chúng tôi lại cuốc bộ đến lúc trời tối hẳn mới leo lên đỉnh dãy núi đá và ở cùng cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Minh. Anh em vét nốt ít cơm nguội và lấy mấy con cá khô ra mời chúng tôi ăn, không có rau, không nước canh. Anh chỉ huy trưởng bị thương do mảnh pháo găm vào bắp chân, sưng tấy, đang nhăn nhó kêu đau. Anh bảo chúng tôi bẻ lấy mấy cành thông rải ra mặt đất mà nằm. Thế là đêm đó, chúng tôi nằm trên đỉnh núi, ngắm sao trời và sương lạnh. Mặc dù leo núi suốt nửa ngày, rất mệt nhưng cũng không ngủ được…

Một thời làm báo ở chiến trường gian khổ, khó khăn ấy còn đọng lại bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc và những kinh nghiệm quý giá trong tôi.

Tôi cứ đi, ghi chép rồi viết nhưng mỗi tuần chỉ gửi tin, bài về được một lần vì phải ra phố huyện hoặc thị xã mới có bưu điện. Mà làm việc nhiều khi không có bàn ghế, cứ kê cuốn sổ tay lên đùi mà viết. Có tin chiến sự nóng hổi thì thuê điện thoại bưu điện, đọc trực tiếp cho biên tập viên ở tòa soạn chép lại.

Đức Toàn