Nhớ tết thời bao cấp

11:02 | 26/01/2019

2,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bây giờ ở các vùng quê, đường làng ngõ xóm đã được lát bê tông phẳng lỳ, phong quang sạch đẹp đến tận từng nhà. Thế hệ trẻ hôm nay không thể hình dung nổi cảnh bùn lầy, nước đọng hai, ba chục năm về trước. Hễ bước ra khỏi nhà là chân lội bùn, đầu đội mưa phùn, gió bấc. Vậy mà, ngày tết thì việc bắt buộc vẫn phải đi. Đó là đi chúc tết người thân, chúc tết thầy cô giáo và bạn bè.

Những ngày trước tết

Ngày ấy, bà con nông dân chưa có giống lúa ngắn ngày nên phải tranh thủ cấy cày xong trước dịp xuân về. Thời ấy, đồng ruộng còn nhiều chứ chưa phải cảnh đất chật, người đông như bây giờ. Ai cũng mong thời tiết thuận lợi để cấy cho xong rồi mới yên tâm đón tết. Vì vậy, tết đã cận kề nhưng nhà nào cũng lo việc đồng áng là chính chứ chưa thể dành thời gian lo chuyện tết nhất trước hàng tuần lễ như bây giờ.

nho tet thoi bao cap 373246

Nhà nào cũng có vườn tược, ao thả cá. Vườn rộng đấy nhưng chẳng có mấy nhà quy hoạch được nên chủ yếu là vườn tạp. Nghĩa là thích trồng cây gì là trồng. Kinh nghiệm chăm bón cũng đơn giản. Thế là cuối năm, cam, bưởi, chuối, thanh yên… trở thành những món thờ cúng tổ tiên phổ biến. Nhà khá giả thì có gà trong vườn, lợn trong chuồng và cá dưới ao. Nhà nghèo túng phải mang những sản vật nuôi trồng được đi bán để mua cho con bộ quần áo mới.

Nhà ai có con cháu đi “thoát ly” (làm cán bộ hoặc công nhân, viên chức) ở xa về thì tự hào lắm. Các ông bố, bà mẹ thường khoe với hàng xóm: “Các cháu nhà tôi tết này sẽ về cả”. Và những nhà ấy vui hơn bởi con cháu mang về những món đặc sản so với nhà khác. Nhìn các anh, chị từ xe khách xuống, xách chiếc túi du lịch căng phồng, ai cũng ngưỡng mộ.

Nhà nông lắm việc không tên. Quanh năm đầu tắt mặt tối nên chỉ có dịp tết mới có điều kiện dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Nào là “đánh” lại cây rơm, đống rạ; nào là quét lại lớp vôi mới; ngoài ra còn sửa lại chuồng gà, chuồng lợn, cắt tỉa cây cối trong vườn. Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà ai cũng có căn hầm kèo chữ A để tránh bom nên lại phải tu sửa, dọn dẹp cho sạch sẽ, cảnh giác đề phòng máy bay đánh bom. Nhiều nhà phải đến 30 tết mới có thời gian đi chợ mua sắm và chuẩn bị chế biến món ăn. Họ tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tất niên rồi lại hối hả lo mâm cỗ cúng giao thừa.

“Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày tết”, muốn chế biến mấy món ăn cho 3 ngày tết không phải dễ. Vì một năm chỉ có mấy lần được ăn cỗ vào dịp giỗ, tết nên việc lo mấy mâm cơm cho chu tất cũng không thuận lợi bởi “trăm hay không bằng tay quen”. Rồi gia vị để chế biến rất thiếu. Tiêu chuẩn hàng tết mua bằng sổ gia đình chỉ có chai nước mắm, mấy gam mì chính, cân đường cát màu vàng sẫm, hộp mứt. Mà nước mắm thời ấy cứ mở nút chai là thấy nặng mùi khó chịu; như bây giờ thì chẳng ai dám ăn. Thế là người lớn làm bếp thì bọn trẻ phục vụ, phải luôn chân chạy đi bổ sung gia vị. Vườn nhà không có thì phải sang hàng xóm xin. Nhà này có mấy cây rau húng, quả ớt thì đổi cho nhà kia có đám lá mùi tàu hoặc lá chanh, quả quất; nhà có mẻ đổi cho nhà có tương. Đám trẻ con cứ thế chạy ngược, chạy xuôi khắp xóm.

Đun nấu cũng vất vả bởi chất đốt. Nhà nào chuẩn bị được ít củi còn đỡ; đa số đun bếp rạ và rơm. Lại vào mùa mưa phùn ẩm ướt, gian bếp thấp lè tè nên khói bụi cứ tỏa ra mù mịt, ai nấy cay xè đôi mắt, tay bẩn cũng đưa lên dụi liên hồi. Vì vậy, có thể nói những ngày chuẩn bị cho tết là bận bịu nhất trong năm. Do đó, lúc ngồi xuống ăn cỗ tết thì người đã mệt rã rời. Dù là những món ngon nhất trong năm thì cái mệt cũng làm giảm đi một phần hứng thú ẩm thực.

Góp phần đắc lực vào không khí tết là hệ thống loa truyền thanh công cộng. Đó là phương tiện truyền thông duy nhất phát Chương trình đón giao thừa của Đài tiếng nói Việt Nam được mở từ 21 giờ tối đến 1 giờ đêm giao thừa.

Ðánh vật trên những nẻo đường quê

Thời tiết, khí hậu bây giờ biến đổi nhiều, ngày tết ít khi mưa gió chứ ngày xưa, chẳng mấy năm mà ngày tết không có mưa phùn, gió bấc. Cho nên, việc đi chúc tết cũng là bắt buộc bởi khá phiền hà.

Mưa dầm dề hàng chục ngày, số lượt người đi lại tăng lên nên đường làng ngõ xóm cứ lầy lội bùn đất, trơn như đổ mỡ. Mà ngày ấy làm gì có áo mưa. Mỗi nhà chỉ có vài tấm nilon, rộng chừng 1,2m, dài 1,5m dành cho người lớn. Gặp trời mưa gió, người đi đường phải dùng 2 tay giữ 2 góc nilon rồi trùm lên đầu mà đi. Gió to cứ thổi tốc lên thì tấm nilon cũng chỉ che được từ đầu đến lưng khỏi ướt. Bùn lầy trơn trượt như thế nên phải bỏ dép xách tay rồi đi chân trần. Đến nhà nào chúc tết thì rẽ ra cầu ao rửa chân tay xong rồi mới đi dép vào nhà. Chân tay lạnh cóng, tê buốt; mặt tím tái. Mặc dù hồ hởi bắt tay, chúc tết, mừng tuổi nhau nhưng hai hàm răng cứ va cầm cập, giọng nói méo đi. Có người sức yếu, ngồi co ro, run rẩy như lên cơn sốt rét.

Quý mến nhau nên cứ khách đến chúc tết là chủ nhà bưng mâm ra. Mà cỗ nhà nào cũng ná ná giống nhau. Trời lạnh, cỗ bàn cũng nguội lạnh. Người đang bị rét, ăn vào càng lạnh thêm. Nhà cửa thưa thớt lại thiếu áo ấm nên gió ngoài đồng lùa vào hun hút, khiến cái rét từ trong ruột rét ra, từ ngoài rét vào.

Ai có xe đạp cũng chẳng sung sướng gì. Cứ ra đường thì bùn bám đầy bánh xe, không thể đạp nổi. Cứ đi vài trăm mét lại phải xuống lấy cái que đào bùn ra. Và cuối cùng thì người dắt xe, người đẩy chứ cố đạp đi thì nhiều trường hợp ngã chỏng chơ giữa bùn lầy; ai nấy được trận cười khoái chí.

Hầu như nhà nào cũng sân đất, nền nhà đất chứ ít nhà có sân gạch, nền gạch. Trời mưa, người ra vào càng làm cho nền nhà ẩm ướt. Mùi hôi mốc bốc lên quyện với mùi thức ăn và hương khói. Nhà nào đốt nhiều pháo thì cứ để xác pháo ngập đỏ sân, lẫn với bùn đất, coi đó cũng là niềm hãnh diện.

Mặc dù đều nghèo khó như nhau từ mấy đời nhưng ai gặp nhau cũng ríu rít chúc nhau năm mới “Làm ăn tấn tới, bằng 5, bằng 10 năm ngoái”. Và mặc dù đã đông con, nhiều cháu nhưng ai cũng chúc nhau “sinh thêm con, thêm cháu” để có “con đàn, cháu đống”. Trên khắp nẻo đường làng, ngõ xóm, ai gặp nhau cũng chào hỏi rất to: “Năm sớm, chúc mạnh khỏe, tiền vào như nước…”. Nét mặt ai cũng hồ hởi vui tươi, quên hết mọi sự khó khăn, vất vả trên đời. Không khí cởi mở, vô tư khiến ai nấy đều như lâu ngày gặp lại, dù trước đó có mâu thuẫn, xích mích điều gì. Trước phút chia tay, đàn ông chúc nhau thêm chén rượu, đàn bà mời nhau ăn miếng trầu cho ấm bụng, ra đường đỡ rét.

Suốt 3 ngày tết, hầu như ai cũng chỉ đóng một bộ quần áo mới nhất, lịch sự nhất mà họ có được chứ hiếm thấy người nào thay bộ khác vì làm gì có bộ khác đẹp hơn mà thay. Thế là mồ hôi thấm ra, nước mưa thấm vào khiến cho mùi đặc trưng cũng vô tư lan tỏa.

Đến chiều mồng Hai tết là mọi người đã bảo nhau: “Thế là hết tết rồi đấy. Tất bật chuẩn bị mấy ngày… thế là xong”. Và từ mồng Ba, họ lại cơm độn sắn khoai cùng rau mắm rồi vội vã ra đồng lo mùa vụ.

Tết ở vùng nông thôn Bắc Bộ đã có một thời kỳ dài mấy chục năm diễn ra như thế đấy!

Bùi Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc