Nhân 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô (23/7/1980 - 23/7/2015)

Nhớ những ngày Phạm Tuân bay vào vũ trụ

07:00 | 01/08/2015

5,571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây 35 năm, ngày 23/7/1980, từ Baikonur, con tàu Liên hợp 37 đã được phóng lên vũ trụ cùng với đội bay quốc tế gồm nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko và nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân. Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và cũng là của châu Á vào vũ trụ, trở thành một sự kiện quan trọng; là biểu tượng về quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô. Đó cũng là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Tướng Phạm Tuân bật mí kế hoạch đánh úp B52

Tướng Phạm Tuân bật mí kế hoạch đánh úp B52

“Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả”, Trung tướng Phạm Tuân kể.

Những tháng ngày mong mỏi

Thông tin về hai phi công lái máy bay chiến đấu của nước ta được cử sang Liên Xô (cũ) để đào tạo thành nhà du hành vũ trụ đã có từ 1 năm trước (1979). Người đầu tiên được cấp trên tuyển chọn là Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Nhưng qua vòng kiểm tra thể lực thì anh Cốc không đạt yêu cầu nên hai phi công khác đã được đề cử. Đó là Trung tá Phạm Tuân và Thiếu tá Bùi Thanh Liêm, đều là những phi công lái máy bay tiêm kích MiG-21 dày dạn kinh nghiệm và chiến công trong cuộc chiến tranh chống Mỹ thuộc Trung đoàn không quân Sao Đỏ. Lại có thông tin là sau khi đào tạo, chỉ có một người sẽ bay lên vũ trụ. Nhưng bao giờ bay và ai bay thì chưa thể khẳng định được.

Nhớ những ngày Phạm Tuân bay vào vũ trụ
Phạm Tuân và Gorbatko năm 1980

Càng về sau, dư luận càng háo hức chờ đợi và cũng không ít những ý kiến bàn luận về sự kiện sắp tới này. Có người băn khoăn: “Liệu phi công của ta có đủ trình độ bay vào vũ trụ không?”. Bởi đối với phi công được đào tạo lái máy bay, có khi học đến cuối khóa vẫn bị thải loại là chuyện bình thường. Rồi lại có người bán tín bán nghi: “Việt Nam ta có tàu vũ trụ đâu mà đào tạo phi công vũ trụ. Mà người Việt Nam thì lên vũ trụ để làm gì?”.

Thế rồi ngày con tàu vũ trụ đưa các nhà du hành lên vũ trụ có người Việt Nam cũng đã đến. Tuy nhiên, cuối tháng 6/1980, các bạn Liên Xô mới thông báo cho Việt Nam rằng, người sẽ được bay vào vũ trụ là ai và dự kiến ngày bay. Những thông tin ấy thời bấy giờ được giữ tuyệt mật, chỉ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng được biết. Người được chỉ định bay là anh hùng Phạm Tuân, từng bắn rơi B52 trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 lịch sử. Số người biết được tin này rất ít mà có biết thì cũng chỉ thì thầm với nhau chứ không bàn tán ồn ào thoải mái như bây giờ. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh mấy vị thủ trưởng lớn tuổi, tóc bạc, đầu hói cứ tròn mắt trao đổi to nhỏ với nhau như người buôn bạc giả.

Khi ấy tôi mới về nhận công tác ở Bộ Quốc phòng được 6 tháng, làm phóng viên chương trình Phát thanh QĐND, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Còn 20 ngày nữa sẽ diễn ra chuyến bay thì chúng tôi mới được thông báo. Một tổ phóng viên được cử về Thái Bình, quê hương của Phạm Tuân. Tôi được đi cùng nhóm phóng viên ấy với các anh Cao Nham, Ngọc Bảo. Cao Nham là bình luận viên quân sự nổi tiếng trên Đài TNVN thời chống Mỹ với mục “Sổ tay chiến sự” mà thính giả nghe đài đều mến mộ. Chúng tôi đi viết bài chuẩn bị tuyên truyền nhưng cũng không được phổ biến rộng rãi. Tin bài về chuyến bay cũng phải chờ kết quả tàu vũ trụ đã phóng thành công lên vũ trụ mới được phát, tức là tàu phóng đêm 23 thì sáng 24 mới được đưa tin. Bởi vì sự cố về phóng tàu vũ trụ của một số nước trên thế giới vẫn thường xảy ra. Có những con tàu vừa rời khỏi bệ phóng đã nổ tung, hoặc chưa bay lên đến quỹ đạo trái đất thì gặp trục trặc rơi xuống. Tất nhiên các nhà du hành không còn cơ hội sống sót trở về. Cả Liên Xô và Mỹ đều đã có những vụ như thế.

Quê hương người 3 lần anh hùng

Quê Anh hùng Phạm Tuân ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đây là vùng đất thuần nông, còn nghèo khó. Phạm Tuân sinh năm 1947. Anh vào bộ đội năm 1965, đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô và tốt nghiệp năm 1967.

Đến năm 1980, Phạm Tuân là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô).

Nhớ những ngày Phạm Tuân bay vào vũ trụ
Máy bay MiG-21 của Anh hùng Phạm Tuân nay là bảo vật quốc gia

Đón chúng tôi ở trụ sở đảng ủy và UBND xã Quốc Tuấn là ông Bí thư Đảng ủy xã. Sau cái bắt tay và lời chào, ông bí thư nói luôn với anh lái xe: “Đề nghị anh đánh xe ra đầu làng, tìm chỗ đất cao mà đỗ chứ tý nữa mưa to là ngập hết đường đi, không thể đẩy xe ra được đâu”. Một cơn mưa giông lớn ập tới rất nhanh. Và chừng 20 phút sau, đường làng ngõ xóm ngập nước cả.

Làm việc chừng 2 giờ đồng hồ, ông bí thư đảng ủy dẫn các nhà báo về thăm gia đình Phạm Tuân. Căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cây tạp, cũng giống như đa số các ngôi nhà khác xung quanh. Bố mẹ anh Tuân nghe tin con trai sắp bay vào vũ trụ thì ngạc nhiên lắm, chỉ biết nhìn mọi người rồi cười tươi. Em trai anh Tuân là công an tỉnh nói: “Thế này thì vinh dự cho gia đình và quê hương em lắm!”.

Chiều hôm ấy, ông bí thư đảng ủy xã nhiệt tình mời khách về nhà đãi bữa cơm với thịt ba ba. Ông không giấu nổi nỗi vui mừng vì quê hương mình sắp có người bay vào vũ trụ. Tin vui ấy lan nhanh ra khắp làng. Người nọ chạy sang nhà người kia loan tin và bình luận. Không khí như ngày giáp tết. Nhưng cũng chỉ ở quê Phạm Tuân chứ hầu như các nơi khác phải đến ngày 24/7 mới biết.

Ngày 24/7/1980

Cả nước cùng đón chờ sự kiện quan trọng. Các ban, ngành, đoàn thể đều chuẩn bị cho cuộc mít tinh chào mừng tàu vũ trụ bay vào không gian, mang theo công dân Việt Nam đầu tiên. Nhưng từ đêm 23/7, một cơn bão kèm theo mưa to đã đổ vào miền Bắc, tràn qua cả thủ đô Hà Nội. Vì vậy, những cuộc mít tinh dự kiến làm ngoài trời đã phải thay đổi, tất cả làm trong hội trường. Các đoàn xe cổ động trên đường phố phải hủy bỏ chương trình và chuyển lực lượng sang khắc phục hậu quả của bão.

Nhớ những ngày Phạm Tuân bay vào vũ trụ
Trung tướng Phạm Tuân hiện đã nghỉ hưu

Sáng 24/7, tôi được phân công xuống Trung đoàn 47, Quân khu Thủ đô đóng gần khu phát sóng Đài TNVN ở Mễ Trì. Nhưng vì mưa gió nên tôi phải nhảy tàu điện đi từ tối hôm trước và nghỉ nhờ ở ký túc xá Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội với mấy anh cán bộ giảng dạy. Sáng hôm sau tôi cuốc bộ gần 1km vào Trung đoàn 47. Một dãy nhà tranh là doanh trại của bộ đội bị bão quật đổ xiêu vẹo. Các chiến sĩ đang khẩn trương dọn dẹp. Trời tiếp tục mưa. Cuộc mít tinh tại hội trường trung đoàn vẫn được tổ chức theo kế hoạch. Sau khi tôi phỏng vấn và thu thanh cuộc mít tinh xong thì xe ôtô của Ban Biên tập vào đón về dự tiếp cuộc mít tinh của Bộ tư lệnh pháo binh ở đường Đội Cấn, có một số cố vấn quân sự Liên Xô tham gia. Và ngày hôm đó, tôi đã quên cả ăn uống, đi tác nghiệp ở một số đơn vị nữa, đến chiều về viết bài để kịp cho chương trình phát thanh 21 giờ tối…

Vài ngày sau, khi tàu vũ trụ vẫn đang bay vòng quanh trái đất thì ở Việt Nam, một số bài hát ca ngợi chuyến bay đã ra đời và phát kịp thời trên sóng Đài Phát thanh và Đài Truyền hình. Tiêu biểu là bài hát “Những mùa bay đôi” của Hoàng Tạo. Mặc dù vừa trải qua cơn bão, trời vẫn còn mưa rơi rả rích nhưng không khí vui tươi chào mừng chuyến bay vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân thu hút mọi tầng lớp xã hội chú ý. Ngày ấy đang ở giữa thời kỳ bao cấp, đời sống nhân dân rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Tiêu chuẩn lương thực của những người “ăn sổ gạo” phải độn 60% bột mỳ, bo bo hoặc ngô. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phải mua phân phối bằng tem phiếu nhưng tem phiếu chờ hết hạn cũng chưa có hàng để mua. Chính nỗi khốn khó ấy khiến một số người không háo hức, hâm mộ gì chuyện vũ trụ.

Hôm Phạm Tuân và Gorbatko về Việt Nam, dòng người và cờ hoa kéo dài từ sân bay Gia Lâm đến Phủ Chủ tịch. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đều có mặt.

Cuộc trò chuyện sau 15 năm

Năm 1995, sau 15 năm chuyến bay hữu nghị Việt - Xô, tôi có dịp gặp gỡ và làm việc với anh hùng Phạm Tuân. Khi đó anh là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục chính trị Quân chủng không quân. Sau buổi làm việc, hai anh em ngồi trò chuyện một cách cởi mở, không phân biệt giữa thiếu tá và thiếu tướng. Tôi nói với anh Tuân: “Ngày anh bay lên vũ trụ sướng thế nhưng chúng tôi ở dưới đất thì mệt lắm, đội mưa đi phản ánh không khí hưởng ứng chuyến bay”. Anh Tuân thừa nhận rằng, thời điểm đó tàu vũ trụ bay qua Việt Nam, anh nhìn xuống cũng thấy những đám mây đen vần vũ và biết ở mặt đất đang có mưa bão. Nhưng cảm giác rất tự hào khi được nhìn thấy đất nước mình từ trên tầm cao vũ trụ.

Phạm Tuân kể lại: “Hai chúng tôi được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23/7/1980 (tức ngày 12/6 âm lịch năm Canh Thân) và trở về Trái Đất ngày 31/7 trên tàu Soyuz 36. Khi được lắp ghép với tàu Soyoz 6 thì có hai nhà du hành vũ trụ Xôviết khác đã làm việc trên đó từ trước. Quá trình ở trên quỹ đạo, chúng tôi cùng làm các thí nghiệm về hòa tan mẫu khoáng chất trong tình trạng thái không trọng lượng. Ngoài ra, tôi còn tiến hành các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu và chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất. Chuyến bay của hai chúng tôi hết 7 ngày, 20 giờ và 42 phút với 142 vòng quanh Trái Đất. Có một điều khác hẳn là trên vũ trụ thì một ngày đêm có 90 phút, 60 phút ngày, 30 phút đêm nên ngày đầu tiên, việc ăn ngủ khó khăn hơn khi ở mặt đất”.

Nhân lúc vui chuyện, tôi nhắc lại những lời bàn luận, những bài thơ mà dân gian nói về sự kiện Phạm Tuân bay lên vũ trụ ngày ấy: “Hoan hô đồng chí Phạm Tuân/ Bay lên vũ trụ một tuần về ngay; Đất nước thiếu gạo, thiếu mỳ/ Anh lên vũ trụ làm gì hả Tuân?”… Phạm Tuân cười rồi nói rằng, đó chỉ là sự suy diễn, đồn thổi ác ý. Tôi hỏi anh: “Hồi ấy người ta nói là anh đi ké xe ôm của Gorbatko chứ làm gì mà điều khiển được vũ trụ?”. Phạm Tuân cười rồi giải thích: “Tôi đã được nghe nhiều lời đàm tiếu và những bài thơ bôi bác. Nhưng họ không hiểu rằng tàu vũ trụ phải có 2 người điều khiển. Gorbatko là người lái chính, tôi là lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Làm gì có chuyện tôi “đi xe ôm” của Gorbatko!”.

Còn chuyện mang bèo hoa dâu lên vũ trụ, có người nghĩ rằng, vì quê anh ở Thái Bình, bón lúa bằng bèo hoa dâu nên anh ưu ái cho quê hương, Phạm Tuân phủ nhận điều đó và nói: “Mang bèo hoa dâu đi thí nghiệm là do các nhà khoa học quyết định chứ làm sao tôi thích mang đi là được. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cácbôníc, sản sinh ra ôxy. Trên vũ trụ lại có rất nhiều tia nhiễm xạ có tác động lên con người, lên sinh vật tạo nên sự đột biến sinh học và mang bèo hoa dâu lên là để phục vụ mục đích nghiên cứu này”.

Mất một thời gian dài, những hoài nghi về Phạm Tuân bay lên vũ trụ rồi chuyện cũ thời 1972 anh bắn rơi B52 vẫn trở thành những cuộc tranh luận bàn cãi. Nhưng càng về sau, những nguồn thông tin khoa học, chính xác đã làm sáng tỏ vấn đề. Cũng nhân cuộc gặp gỡ trò chuyện này, tôi hỏi lại sự kiện bắn rơi B52 của anh. Phạm Tuân kể tóm tắt: “Đêm hôm ây tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái. Mấy lần gặp F4 nhưng cấp trên yêu cầu không được bắn. Một lúc sau thì tôi phát hiện B52 và bám theo.

Tôi hỏi Phạm Tuân: “MiG 21 bay nhanh hơn B52 nên anh có thuận lợi hơn chứ?”. Anh Tuân cho biết: “Máy bay của tôi đạt tốc độ 40-50 km/phút, nhanh hơn B52 thật nhưng cái khó là trời tối đen, lại ở độ cao hơn 10.000m. Khi còn cách mục tiêu 4km thì ở sở chỉ huy dưới mặt đất ra lệnh cho tôi bắn. Nhưng vì trời tối quá, tôi cảm giác nó vẫn còn xa, chưa rõ lắm nên xin phép tiếp cận hơn. Phải ở cự ly chừng 3 km thì tôi mới lao vọt lên phía trên, chỉnh điểm ngắm và phóng tên lửa. Tôi phóng cả hai quả tên lửa rồi bay vọt lên cao. Thời điểm máy bay của tôi ở tư thế bay ngửa thì tôi nhìn thấy chiếc B52 bốc cháy”. Ngừng lại giây lát, anh Tuân thừa nhận: “Đúng là may mắn. Thời cơ đến và tôi đã chớp được thời cơ đó”.

Và cuộc hội ngộ 35 năm sau

Lễ kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô diễn ra sáng 22-7 tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Hà Nội. Thiếu tướng Anh hùng, phi công vũ trụ Liên Xô Gorbatko không khỏi xúc động khi gặp lại người bạn, đồng đội của mình ngày trước. Gorbatko tâm sự: “Cuộc đời đôi khi sắp đặt khiến cho tôi gặp lại người anh em vũ trụ của mình - Phạm Tuân. Và mỗi lần gặp gỡ đều mang lại niềm vui lớn”.

Hai nhà du hành cùng ôn lại những ngày làm việc trên con tàu “Liên hợp 37” cách đây 35 năm về trước. Đó là vào lúc 21 giờ 33 phút 3 giây (giờ Mátxcơva) ngày 23/7/1980, từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” được phóng lên mang theo hai nhà du hành của Liên Xô và Việt Nam. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik.

Nói về người bạn của mình, nhà du hành Gorbatko cho biết, Phạm Tuân là người được đào tạo bài bản, được qua các trường đào tạo hàng không của Việt Nam và Liên Xô. Đặc biệt, tiếng Nga của anh ấy tốt nên trong quá trình học và bay lên vũ trụ, hai người không gặp khó khăn gì về ngôn ngữ. “Tuy nhiên, cũng có những trục trặc nho nhỏ khi chúng tôi hạ cánh. Do cần ăng-ten bị cong gập xuống nên chúng tôi bị mất liên lạc. May mắn là sau một thời gian ngắn khắc phục, sự cố trên đã được xử lý” - Gorbatko nói.

Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi kể lại: “Bay vào vũ trụ không được tập luyện, bay thử như học lái máy bay nên nó đã để lại cho tôi cảm xúc rất sâu sắc. Tôi luôn nghĩ rằng, chuyến bay này không phải bay cho cá nhân tôi mà tôi là đại diện của đất nước Việt Nam. Vì vậy, tôi luôn chuẩn bị tâm thế thật tốt. Trong vòng bay đầu tiên, sắp bay qua Việt Nam, các bạn Liên Xô đã dành cho tôi cái cửa sổ có tầm nhìn tốt nhất để ngắm nhìn đất nước rõ nhất. Khi nhìn thấy đất nước mình hình chữ S trải dài bên bờ biển, lòng tôi tràn ngập cảm xúc khó tả. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những cảm xúc đó”.

Hai nhà du hành nói rằng, cảm giác lo lắng đã xuất hiện trước khi chuyến bay được tiến hành. Nhưng khi ngồi vận hành con tàu thì cảm giác đó đã không còn nữa. “Khi đó chúng tôi chỉ có một niềm tin vững chắc. Đó là chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”, ông Gorbatko khẳng định.

Sau chuyến bay đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay cũng như nhiều nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ. Năm 1995, Việt Nam khởi động dự án quốc gia VINASAT-1 và được phóng lên quỹ đạo ngày 19/4/2008 với 20 bộ phát đáp. Sau đó, VINASAT-2 được phóng vào tháng 5/2012 với 24 bộ phát đáp của băng tần Ku. Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam. Với VINASAT-1, Việt Nam có thêm vệ tinh viễn thông và nhờ đó chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo….

Từ chuyến bay vũ trụ 35 năm trước, sự hợp tác Việt - Nga về vũ trụ ngày càng phát triển hơn.

Đức Toàn

Năng lượng Mới 443