Nhớ ngày giải phóng Trường Sa

07:00 | 02/05/2016

1,010 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Lữ đoàn Đặc công hải quân 126 tại Hải Phòng vừa qua, tôi gặp lại người chỉ huy “cánh quân thứ 6” đi giải phóng Trường Sa - Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT), Thiếu tướng Mai Năng.

Dù đã ở tuổi 89 nhưng giọng nói vẫn mạch lạc, trí nhớ minh mẫn, ông nhớ từng chi tiết, phương án giải phóng từng đảo.

Ông kể: Khi nhận nhiệm vụ, thông tin duy nhất ông được cấp trên phổ biến, trên quần đảo Trường Sa hồi đó ngoài lực lượng quân ngụy Sài Gòn còn có Philippines chiếm giữ 5 đảo là: Song Tử Đông; Thị Tứ; Loại Ta; Biển Lạc và Vĩnh Viễn.

nho ngay giai phong truong sa
Tác giả và Thiếu tướng Anh hùng LLVT Mai Năng

Quân Ngụy Sài Gòn đóng giữ 6 đảo nổi gồm: Đảo Nam Yết, là sở chỉ huy của quân ngụy Sài Gòn tại quần đảo Trường Sa lúc bấy giờ, trên đảo có 60 lính; đảo Song Tử Tây có 40 tên, đảo Sơn Ca có 20 tên, đảo Sinh Tồn có 20 tên, đảo An Bang chỉ có bia chủ quyền và đảo Trường Sa lớn có 40 tên, trên đảo này có sân bay dài khoảng 500-600m.

Mệnh lệnh được giao là tranh thủ thời cơ, nhanh chóng giải phóng các đảo ở Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng quân đội nước ngoài đánh chiếm. Khi được Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Phó tư lệnh hỏi tôi: Phương án tiến công giải phóng như thế nào, cùng một lúc ta có thể đồng loạt giải phóng các đảo được không?

Trong đầu tôi lúc bấy giờ chưa hình dung ra Trường Sa như thế nào, xem kỹ trên bản đồ, tôi thấy các đảo ở cách nhau khá xa, lực lượng của ta lại khá mỏng, như đọc được suy nghĩ của tôi, đồng chí Phó tư lệnh hỏi: “Có gì khó khăn trong việc giải phóng đảo không?”. Tôi trả lời: “Nếu đánh tàu, đánh cầu cảng thì không phải bàn, đặc công hải quân đã đánh hàng trăm trận, nhưng giải phóng đảo thì không hề đơn giản. Nguyên tắc của bộ đội đặc công là trinh sát, tìm hiểu cách bố phòng, tìm hiểu quy luật hoạt động của địch… tóm lại, mục tiêu là đã trinh sát, bảo đảm chắc thắng và đã đánh là giành thắng lợi”.

nho ngay giai phong truong sa
Trung tá Đào Mạnh Hồng, mũi trưởng đầu tiên ra lệnh nổ súng giải phóng đảo Song Tử Tây

Đồng chí Phó tư lệnh trăn trở hỏi lại: “Vậy liệu ta có giải phóng được đảo không?”. Không suy nghĩ, tôi trả lời ngay: “Giải phóng được, nhưng không thể cùng lúc giải phóng ngay 6 đảo, mà phải có cách đánh mới”. Đồng chí Phó tư lệnh hỏi: “Cách ấy như thế nào?”. Tôi nói: “Vừa trinh sát, vừa đánh; giải phóng từng đảo một”.

Mục tiêu đầu tiên là giải phóng Song Tử Tây, sở dĩ tôi chọn giải phóng đảo này trước bởi đấy là “đảo chỉ huy” của quân ngụy. “Điểm trúng huyệt”, có nghĩa là đánh trúng “đầu rắn”, mà rắn bị đánh dập đầu thì hết “cựa quậy”. Phác trong đầu phương án như vậy, nhưng thực sự tôi vẫn còn đôi chút băn khoăn. Băn khoăn chính ở cách “vừa trinh sát vừa đánh”. Với đặc công, tác chiến trong điều kiện này là vô cùng hy hữu, chỉ vận dụng trong trường hợp đặc biệt cấp bách, có nghĩa là không đánh không được, dù có hy sinh cũng phải đánh.

Hơn nữa, thời kỳ đó trên các đảo rất ít cây cối, mỗi đảo có vài căn nhà tôn thấp lè tè, nằm lọt thỏm trong hệ thống hàng rào bùng nhùng. Đây là khó khăn lớn nhất đặt ra, làm cách nào để tiếp cận đúng các đảo mà ngụy quân đang chiếm giữ để giải phóng. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó khăn hơn, tối trời chỉ sơ sẩy “đổ bộ” nhầm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Sau khi nhận nhiệm vụ từ đồng chí Phó tư lệnh, tôi về tranh thủ triển khai với lực lượng tác chiến, anh em đều thấy những khó khăn đặt ra, nhưng tất cả đều thống nhất phương án như tôi đã vạch. Nhìn khuôn mặt, ánh mắt của những cán bộ dưới quyền, tôi hiểu anh em cũng suy nghĩ lắm. Song ánh mắt rực lửa của họ như nói với tôi rằng: Đây là trận đánh cuối cùng, khó khăn gian khổ đến mấy cũng quyết vượt qua; đường đi có xa đến mấy cũng quyết đến đích và địch có mạnh bao nhiêu cũng quyết đánh thắng. Không giải phóng được Trường Sa, quyết không về!

Trung tá Đào Mạnh Hồng, ngày ấy là Thượng sĩ, mũi trưởng, thuộc Đội 1 Đoàn 126. Năm 1972, khi tôi mới nhập ngũ thì anh đã có những trận đánh lẫy lừng, đánh sập hàng loạt cầu, làm tê liệt giao thông ở địa bàn Quảng Trị; cùng đồng đội nhấn chìm nhiều tàu giặc ở cảng Đông Hà.

Nói qua về anh như vậy, bởi khi tôi được tăng cường từ lực lượng của tiểu đoàn đặc công nước 471 Quân khu 5 vào mũi chiến đấu do anh chỉ huy. Sau 41 năm anh em mới gặp lại nhau, dù rằng chỉ làm lính của anh trong một trận đánh, nhưng ấn tượng về người mũi trưởng quả cảm và gan dạ in đậm mãi trong tôi. Sau những phút hàn huyên, tôi mang thắc mắc mà mình thắc thỏm bấy lâu nay tâm sự cùng anh, cả anh và tôi đều đặt câu hỏi với Thiếu tướng Mai Năng và được nghe ông giải thích, chúng tôi mới hiểu rằng, tại sao ngay từ đầu ông đã trả lời với Phó tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái rằng: Không thể đánh các đảo cùng một lúc. Và cách đánh mới của đặc công Hải quân trong trận chiến cuối cùng này là vừa trinh sát, vừa đánh, đánh từng đảo một…

Cái lý của người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm, chính là nhãn quan quân sự hết sức sắc sảo, bởi phải lựa chọn thời cơ đúng thủy triều lên thì việc đột nhập vào đảo mới bảo đảm. Chúng ta đều biết, khi thủy triều xuống, mà chúng tôi gọi là “nước rút”, ngay tàu có động cơ mà chạy ngược dòng nước rút đã khó, huống gì sức người, nếu không lợi dụng lúc triều dâng thì bơi bộ không thể vào đảo được.

“Vừa trinh sát, vừa đánh” và phải lần lượt đánh từng đảo là như vậy. Trở lại trận đánh mở màn giải phóng đảo Song Tử Tây. Để giải phóng được đảo này, biên đội tàu của Đoàn tàu “không số” phải dùng tàu 674 và 675 chạy vòng lên hướng Tây Bắc, cách đảo chừng 15 hải lý, vừa đánh đòn nghi binh, đồng thời sẵn sàng ứng phó với hai tàu chiến của Hải quân ngụy đang ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu 673 lầm lũi đưa mũi xung kích của chúng tôi tiếp cận đảo.

Trong hợp đồng, lấy tiếng súng từ mũi của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế làm hiệu lệnh tiến công, nhưng khi chúng tôi tiếp cận được đảo, chờ đã quá thời gian quy định vẫn chưa thấy hiệu lệnh tấn công, mũi trưởng Đào Mạnh Hồng quyết định cho “thổi” phát B40 xé toang lớp hàng rào bùng nhùng, quân địch chống cự khá quyết liệt. Sau 30 phút, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trận địa, bắt tù binh, thu vũ khí.

Sở dĩ khi chưa có “súng lệnh” từ Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế nhưng mũi trưởng Đào Mạnh Hồng vẫn quyết định cho tiến công, theo anh Hồng, bởi đã quá thời gian hợp đồng, nếu không chớp thời cơ, mình đang ở thế tiến công, nếu để địch phát hiện, thì mất đi lợi thế. Trong tác chiến, chỉ một phút chần chừ, thiếu quyết đoán thì mất đi thời cơ.

Nếu tính từ đêm 10-4-1975, ngày chúng tôi rời cảng Tiên Sa, đến ngày 29-4-1975, đảo Trường Sa, hòn đảo cuối cùng trong quần đảo Trường Sa, do quân ngụy Sài Gòn chốt giữ được giải phóng, là đúng 19 ngày. Và tính đến ngày 5-5-1975, những người lính cuối cùng rời đảo sau khi bàn giao cho lực lượng của Sư đoàn 2 - Quân khu 5 chốt giữ là đúng 25 ngày.

25 ngày, những người lính âm thầm tác chiến giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa, góp phần thu trọn vẹn non sông về một mối, dù sử sách chưa viết, nhưng theo chúng tôi, đây chính là cánh quân thứ 6 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 518+519