Nhớ mãi ngày lịch sử ấy

07:00 | 03/09/2016

2,285 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đó là ngày 18-3-1975. Tới nay, đã hơn 41 năm nhưng tiếng rít của khí phun từng đợt, từng đợt giống như tiếng xé gió của máy bay phản lực bay thấp trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, vẫn vang trong ký ức của những người chứng kiến khí phun tại giếng khoan 61 (GK61), giếng khoan phát hiện mỏ khí Tiền Hải C, mỏ khí đầu tiên được phát hiện sau gần 20 năm tìm kiếm dầu khí tại miền Bắc nước ta.  

Để có được ngày hôm đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, chúng ta đã tập trung nghiên cứu Đồng bằng sông Hồng bằng tất cả các phương pháp nghiên cứu địa vật lý, khoan và cả địa hóa nữa. Với kiến thức của hôm nay, các nhà địa chất, địa vật lý Việt Nam không thể hiểu được tại sao tìm kiếm dầu khí mà lại áp dụng nhiều phương pháp địa vật lý đến thế: Nào là từ hàng không, từ, trọng lực, điện, đo sâu dòng telua, từ - telua đến địa chấn… Hầu như địa vật lý có phương pháp nghiên cứu nào về lòng đất đều được đưa ra áp dụng tại Đồng bằng sông Hồng (!).

nho mai ngay lich su ay
Thủ tướng Phạm Văn Đồng vui mừng cầm mẫu dầu Condencat tại mỏ khí Tiền Hải Thái Bình

Sau địa vật lý là khoan. Khoan nông 150m để nghiên cứu cấu trúc địa chất vùng rìa của Đồng bằng sông Hồng. Khoan sâu 650-1.200m để nghiên cứu cấu tạo địa chất đã được phát hiện bằng kết quả nghiên cứu địa vật lý. Đặc biệt những giếng khoan này lấy mẫu tới 100%. Khoan thông số sâu tới 3.303m tại làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình để nghiên cứu mặt cắt địa chất… rồi mới tới khoan tìm kiếm dầu khí. Ngoài ra, lại còn nghiên cứu địa hóa với hàng ngàn giếng khoan sâu tới 20-30m để lấy hàng ngàn mẫu khí, nước về phân tích... Có thể nói Đồng bằng sông Hồng là một “phòng thí nghiệm” của các phương pháp nghiên cứu nêu trên.

Thế rồi khi khoan tìm kiếm, lẽ ra phải xác định khoan tại nơi có cấu trúc địa chất thuận lợi thì chúng ta lại ưu tiên nơi có lộ khí nhiều nhất là khu vực cấu tạo Kiến Xương C, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ngày nay…

Nói lại câu chuyện này để thấy rằng chúng ta đã ấu trĩ như thế nào về tìm kiếm thăm dò dầu khí. Thời đó lực lượng chuyên môn của Việt Nam còn rất mỏng, chưa có kinh nghiệm về công tác này đã đành, vậy còn chuyên gia Liên Xô thì sao? Mãi sau này chúng tôi mới biết, Liên Xô lúc đó cử các chuyên gia của Bộ Địa chất chứ không phải của Bộ Dầu, Bộ Khí sang giúp ta làm dầu khí (?).

Chính vì vậy mà thời gian quá dài để chúng ta mong mỏi có kết quả gì đó. Mặt khác, ngày ấy kinh tế bao cấp trong chiến tranh, mọi thứ đều rất khó khăn. Tất cả đều phân phối, từ cái kim, sợi chỉ cũng phải bình xét, chia nhau. Thực phẩm thì tem phiếu, tiêu chuẩn cho từng nghề, từng công việc đang làm. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng lực lượng làm dầu khí luôn được các địa phương, nhất là Thái Bình ưu ái về nhiều mặt. Tiêu chuẩn tem phiếu cao “ngất ngưởng”. Đi mua hàng gần như không phải xếp hàng, tiêu chuẩn ăn độn cũng ít hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Thậm chí có lái xe chuyên dụng vi phạm Luật Giao thông, Giao thông dừng xe để kiểm tra. Nhìn thấy lái xe phờ phạc chỉ mặc quần đùi, áo may ô ngồi sau tay lái, Cảnh sát Giao thông còn động viên “đồng chí rút kinh nghiệm và về nghỉ đi”.

Thời ấy cần lực lượng cho quân đội nhiều lắm. Vậy mà, không một cán bộ kỹ thuật nào từ trung cấp trở nên và công nhân có tay nghề được tham gia quân đội. Có một kỹ sư địa hóa được gọi đi nhập ngũ, nhưng chỉ ít ngày sau lại phải về vì “việc của các đồng chí còn cần hơn…”. Đã biết bao lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm, động viên những người làm dầu khí. Đến mức GK34, loại khoan cấu tạo 1.200m tại huyện Giao Thủy, khoan gặp tầng khí nông mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm. Đó là những lý do để người làm dầu khí phải suy nghĩ, phải trăn trở sớm có kết quả gì đó để không phụ lòng mong mỏi và sự ưu ái của Nhà nước, của nhân dân.

nho mai ngay lich su ay
Phát hiện dầu tại GK 63, Tiền Hải, Thái Bình năm 1976

Sau hàng loạt giếng khoan không thành công, các chuyên gia Liên Xô cùng chúng ta xem xét lại bước đi của mình. GK61 được xác định với những tiêu chí về điều kiện địa chất thuận lợi cho việc hình thành tích tụ dầu khí. Cấu tạo Tiền Hải C là cấu tạo nhỏ, khép kín nhưng lại là nơi nhô cao nhất nằm kề với hai trũng sâu có chiều dày trầm tích lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hai trũng sâu này được coi là nơi cung cấp dầu khí cho cấu tạo Tiền Hải C.

GK61 được đặt ngay tại khu vực đỉnh của cấu tạo nằm tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thiết kế giếng khoan tìm kiếm này sâu 2.400m. Khi khoan tới 1.250m, tiến hành đo địa vật lý giếng khoan (karota). Phân tích tài liệu địa chất, địa vật lý giếng khoan cho thấy tại khoảng chiều sâu 1.146-1.152m là vỉa cát kết hạt trung bình, hạt có độ lựa chọn tốt, có những thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Ngay sau đó, công tác thử vỉa giếng khoan trần (không có ống chống) được thực hiện nhằm phát hiện mức độ chứa dầu khí của khoảng chiều sâu này.

Ngày 17-3 năm ấy, trong khi tin vui chiến thắng giải phóng miền Nam dồn dập truyền về từng giờ từng phút thì những người làm dầu khí của Liên đoàn 36 lúc đó cũng hồi hộp, thấp thỏm chờ mong kết quả thử vỉa. Sự kiện này được báo cáo lên Chính phủ. Ngày hôm đó, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đã về chờ kết quả thử với mong muốn được trực tiếp nhìn thấy dòng dầu khí từ lòng đất mẹ.

Tôi không quên được hình ảnh một ông già nhỏ nhắn, đầu trần, mặc bộ đồ đại cán màu xám sẫm đứng ngay tại khoan trường chăm chú quan sát từng thao của các công nhân và kỹ thuật Việt Nam, Liên Xô. Hôm đó trời nắng nhẹ. Thấy ông mệt mỏi, chúng tôi đã kiếm cho ông chiếc ghế băng và một chiếc nón. Còn trẻ, lần đầu tiên được tiếp xúc với một lãnh đạo cấp cao của đất nước bằng xương bằng thịt nhưng tôi cảm nhận được tấm lòng của lãnh đạo đất nước về công tác dầu khí và thật sự xúc động về phong cách giản dị, gần gũi của ông. Nhưng, buồn thay kết quả thử hôm đó không thành công do bộ thiết bị thử trục trặc. Khoảng 11 giờ, Phó thủ tướng ra về. Tiễn ông ra khỏi giàn khoan, ông còn dặn lại anh em cố gắng làm tốt công việc để sớm có dầu khí cho đất nước. Nghĩ lại, sao ngày ấy đơn giản thế, một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng đi thăm giàn khoan, không trống dong, cờ mở, không chào mừng, không tiếp đón linh đình như bây giờ. Thậm chí, không một dòng lịch sử, không một tấm hình ghi lại sự việc này.

Ngày đầu không thành công, hôm sau làm tiếp. Chỉ đạo và theo dõi thử vỉa hôm đó có anh Nguyễn Ngọc Cư, Liên đoàn phó phụ trách địa chất và các cán bộ, phòng Kỹ thuật Liên đoàn gồm tôi và anh Nguyễn Xuân Đức, kỹ sư địa chất. 7 giờ, bộ thiết bị được thả xuống giếng khoan. 9 giờ van thử được mở. Tất cả trèo lên sàn khoan để quan sát biểu hiện dòng sản phẩm. Hơn một tiếng sau không có biểu hiện gì. Cuộc thử kết thúc, bộ thiết bị được kéo lên. Khoảng 1/3 bộ cần khoan được kéo lên không có dấu hiệu gì. Với suy nghĩ cho rằng vỉa không có dầu khí, chúng tôi để lại anh Nguyễn Văn Biên, một cán bộ trung cấp địa chất theo dõi khoan ở lại để quan sát tiếp. Anh Cư cùng chúng tôi và các cán bộ địa chất theo dõi khoan về nơi nghỉ của Tổ Địa chất giếng khoan là nhà kho Hợp tác xã Đông Cơ, cách giếng khoan khoảng 700m để ăn trưa. Không khí nặng nề do thất vọng. Mọi người ngồi quanh mâm cơm, hầu như không ai nói câu nào… Anh Nguyễn Công Mợi, kỹ sư địa chất, Địa chất trưởng Đội Khoan, người tình nguyện trở thành chiến sĩ thành Quảng Trị ngày nào, phá tan không khí nặng nề hô mọi người: Vào cuộc đi anh em! Vừa bưng bát cơm chưa kịp ăn thì thình lình anh Biên ngã xe ngay trước cửa, mặt tái xanh, líu lưỡi: “Cư… Cư… khí… khí phun”.

Linh tính nghề nghiệp báo chúng tôi biết có chuyện rồi. Không ai bảo ai và cũng không cần anh Cư ra lệnh, tất cả chúng tôi lên xe lao ra khoan trường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dòng nước phun phủ kín cả tháp khoan và sau đó là tiếng rít xé tai của âm thanh máy bay Mỹ bay thấp qua đầu ngày nào. Người tôi nổi da gà, tim đập dồn dập đứng nhìn khí phun. Cứ sau một đợt nước phun lại đến khí phun. Khí yếu đi là lại đến nước, nước ít đi là lại đến khí. Tất cả chúng tôi cứ như nằm mê, bởi tất cả chúng tôi kể cả anh Cư, kỹ sư địa chất dầu khí lớp đầu tiên của đất nước, tốt nghiệp ở Liên Xô về, cũng mới lần đầu gặp khí như thế này.

nho mai ngay lich su ay
GK61 - Giếng Khoan Tổ

Lúc đó nào chúng tôi có biết rằng, nước chính là cái nút để khí tích lại đủ mạnh đẩy nút nước lên và bung ra, mà chỉ nghĩ rằng lòng đất cũng biết thở. Sau ít phút tỉnh lại, chúng tôi biết việc của mình. Mọi người nhanh chóng thu dọn tài liệu, sổ sách, mẫu vật sơ tán khỏi khoan trường. Anh Cư, sau khi gọi điện về báo cáo anh Phan Minh Bích, Liên đoàn trưởng, đã giao cho tôi trực điện thoại tại phòng bảo vệ ngay lối vào khoan trường. Sau ít phút, anh Bích gọi điện xuống thông báo đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Thời kỳ đó hệ thống điện thoại của ta là hữu tuyến và máy quay tay. Thái Bình đã dành đường dây ưu tiên cho giàn khoan.

Tôi còn nhớ chi tiết một người trong chúng tôi đang cầm điếu thuốc cháy dở bị một chuyên gia Liên Xô tới quát to: “Dập thuốc ngay!”. Ngay lúc đó tôi học được bài học về công tác phòng cháy khí phun. Cũng may mà hướng chúng tôi đứng không phải là hướng gió đưa khí về đấy. Chỉ ít phút sau, bác Nguyễn Ngọc Trìu, lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cùng một số cán bộ bước qua cầu vào khoan trường. Thấy bác vẫn còn cầm điếu thuốc đang hút, tôi vội chạy từ phòng điện thoại ra đề nghị bác tắt thuốc. Tôi nhanh chóng báo cáo về hiện tượng khí phun. Bác bắt tay chúc mừng chúng tôi. Sau ít phút nói chuyện với anh em chúng tôi, bác ra về với vẻ hân hoan lộ trên nét mặt.

Cứ sau một đợt nước phun lại đến khí phun. Khí yếu đi là lại đến nước, nước ít đi là lại đến khí. Tất cả chúng tôi cứ như nằm mê, bởi tất cả chúng tôi kể cả anh Cư, kỹ sư địa chất dầu khí lớp đầu tiên của đất nước, tốt nghiệp ở Liên Xô về, cũng mới lần đầu gặp khí như thế này.

May mắn thay, khi sự cố xảy ra, mọi người đã tắt toàn bộ hệ thống máy phát điện nên không xảy ra cháy nổ. Nhưng khí phun quá nhanh và mạnh nên van đối áp đã không kịp đóng lại. Sau ít giờ bàng hoàng, phương án khắc phục đã được đưa ra. Các van đối áp được đóng lại. Việc đóng van đối áp không dễ dàng vì hệ thống này nằm sát với sàn khoan nơi khí và nước luôn trùm kín. Phải đợi cho nhịp thở của lòng đất thưa dần, anh em công nhân khoan mới tranh thủ vào vặn vô lăng đóng van đối áp. Phải rất nhiều lần ra vào công việc mới hoàn thành và dòng khí được khống chế trong niềm vui phấn khởi của những người có mặt tại khoan trường. Máy điện lại nổ. Công việc dọn dẹp, khắc phục sự cố được tiến hành. Máy bơm làm việc trở lại, dung dịch được bơm vào lòng giếng và khí được khống chế hoàn toàn. Hiện tượng khí phun trong quá trình kéo bộ dụng cụ thử giếng khoan chưa chống ống lên là sự cố ngoài ý muốn, là bài học cho công tác thử vỉa sau này. Sau đó công tác khoan được tiếp tục tới chiều sâu 2.400m. Công tác chống ống, trám xi măng hoàn thành và sau đó là công tác nghiên cứu vỉa được thực hiện. Ngay sau đó, phương án thăm dò (ngày nay gọi là thẩm lượng) cấu tạo Tiền Hải C được triển khai.

Khi học ở Trường Đại học Mỏ Địa chất, chúng tôi chỉ được học có 18 tiết về địa chất dầu khí nên có hiểu công nghệ thăm dò dầu khí là gì đâu. Đấy là lần đầu tiên trong nghề, tôi được chứng kiến khí phun và hiểu được khí là thế nào. Nên cái phút ấy vô cùng quý giá với tôi sau này và còn quý hơn ở chỗ đây là giếng khoan đầu tiên Việt Nam ta sau gần 20 năm vất vả đi tìm dầu khí mới phát hiện dòng khí công nghiệp và đó lại là mỏ khí đầu tiên của nước ta được khai thác ngay trên mảnh đất lúa quê hương mình.

Mặc dù báo cáo đánh giá trữ lượng mỏ mãi tới năm 1985 mới được phê duyệt, nhưng công tác khai thác mỏ đã được tiến hành từ giữa năm 1981cho tới ngày nay. Mỏ khí Tiền Hải C dù rất nhỏ, trữ lượng khí tại chỗ là 1,3 tỉ m3, đến hôm nay vẫn được khai thác với sản lượng dưới 2 triệu m3/năm, nhưng nó đã để lại dấu ấn về vai trò của dầu khí với nền kinh tế. Từ khí khai thác được, ngày đầu là để phát điện. Trong khi chúng ta thiếu từng kW thì nhờ có khí, đã có hàng triệu kWh vô cùng quý giá cung cấp cho đất nước. Sau này, Khu Công nghiệp khí Tiền Hải được hình thành và phát triển. Hôm nay khi vai trò cung cấp khí cho khu công nhiệp này không còn đáng kể, nhưng những gì mỏ khí này đóng góp cho công nghiệp quê hương tôi là không nhỏ.

Hôm nay, mỗi lần có dịp qua đây, những người làm dầu khí ngày ấy bồi hồi nhớ lại những phút giây lịch sử đó tự hào về sự phát triển của khu công nghiệp khí đầu tiên của đất nước.

Giếng khoan tìm kiếm 61 sau đó được đưa vào khai thác vỉa khí đầu tiên của mỏ, được chúng tôi gọi bằng cái tên rất dân dã nhưng rất có ý nghĩa là “Giếng Khoan Tổ”. PVEP đã xây dựng bia lưu niệm tại ngay miệng Giếng Khoan Tổ.

Một tin vui đến với chúng tôi, PVEP có quyết tâm cao, đang chỉ đạo Công ty Dầu khí Sông Hồng với tư vấn của Hội Dầu khí Việt Nam, lập Đề án xây dựng Khu Lưu niệm tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí Đồng bằng sông Hồng ngay tại khu vực nền Giếng Khoan Tổ, cũng là trung tâm xử lý khí khai thác mỏ Tiền Hải C. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa của thế hệ làm dầu khí hôm nay đối những thế hệ dầu khí hôm qua và cũng là việc làm tri ân con người và mảnh đất là cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thái Bình, tháng 8-2016

Nguyễn Xuân Nhự

Năng lượng Mới 553+554

DMCA.com Protection Status