Nhịp cầu hữu nghị Tháng Tám - Tháng Mười

22:53 | 04/11/2017

1,383 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại nổ ra cách đây tròn một thế kỷ.

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là dịp để Đảng ta, nhân dân ta ôn lại những bài học lớn, có ý nghĩa cổ vũ phong trào quần chúng cách mạng, củng cố niềm tin vào Chủ nghĩa Mác - Lênin và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công có một phần khởi nguồn từ những bài học và kinh nghiệm quý giá từ Cách mạng Tháng Mười.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga cũng với tinh thần ấy.

nhip cau huu nghi thang tam thang muoi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".

Cách mạng Tháng Mười để lại nhiều bài học quý giá, khẳng định tính sáng tạo trong luận điểm của Lênin rằng, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng vô sản, dưới hình thức này hay hình thức khác, có thể nổ ra và giành thắng lợi ở một nước.

Người Việt Nam đầu tiên tiếp thụ được chân lý của chủ nghĩa Lênin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười là Nguyễn Ái Quốc. Người cũng là người Việt Nam đầu tiên đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh kiên cường cho sự nghiệp giải phóng giai cấp và dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chính Người đã nối nhịp cầu hữu nghị giữa Cách mạng Tháng Mười với cách mạng Việt Nam.

Suốt 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã kiên định phấn đấu theo con đường mà Chủ nghĩa Mác - Lênin vạch ra. Đảng ta đã kế thừa những kinh nghiệm mang tính phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, những kinh nghiệm phong phú của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào điều kiện cụ thể của đất nước để tìm ra đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn cho thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn cả nước làm nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN, xác định rằng, độc lập dân tộc và CNXH là một.

Khẳng định những kinh nghiệm cơ bản có tính chất phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, Lênin từng chỉ rõ: Sau này khi đi lên CNXH, mỗi dân tộc tất nhiên sẽ sáng tạo ra những hình thức, biện pháp, bước đi đặc thù của mình. Thấm nhuần quan điểm đó, Đảng ta đã tiến hành cách mạng qua từng thời kỳ, có sự sáng tạo riêng của mình.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Liên Xô (cũ) bắt đầu hình thành. Nhà văn Ilya Erenburg (1891-1967) là người Liên Xô đầu tiên có liên hệ với người Việt Nam thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946. Erenburg còn là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Liên Xô (cũ) là đại biểu của Xôviết tối cao Liên Xô các khóa III và IV. Ông cũng là một chiến sĩ hòa bình nổi tiếng thế giới, từng được tặng giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lênin.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô đánh thắng Phát xít Đức (1945) là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta, niềm tự hào của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Và từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, văn học Nga - Xô viết đã lần lượt đến với độc giả Việt Nam. Những tác phẩm nổi tiếng đã gây ấn tượng đặc biệt đối với nhiều thế hệ người Việt Nam như “Người mẹ” (Maksim Gorky), “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Nikolayevich Tolstoy), “Thép đã tôi thế đấy” (Nikolai A.Ostrovsky), “Đội cận vệ thanh niên” (Alexander Fadeev)... Đồng thời, từ kháng chiến chống Mỹ, nhiều bài hát nổi tiếng của Nga như “Ka-chiu-sa”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Chiều Mátxcơva”, “Đỉnh núi Lênin”… đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Những tác phẩm văn học và những ca khúc ấy có tác động rất lớn tới tình cảm và hành động của lớp lớp thanh niên trong chiến đấu và xây dựng đất nước.

Hơn nửa thế kỷ qua, hàng vạn học sinh, sinh viên đã được Liên Xô (cũ), sau này là Liên bang Nga nhận sang học tập và đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau. Nhiều người trong số đó đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hoặc trở thành nòng cốt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng của bạn giúp ta đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cũng thông qua đó mà nhiều người Việt biết nói tiếng Nga - tiếng nói của Lênin.

Những công trình xây dựng mang đậm tình nghĩa anh em mà Liên Xô (cũ) và Nga giúp Việt Nam ghi dấu ấn không thể phai mờ. Đó là công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, cầu Thăng Long (Hà Nội), Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh)…

Nhịp cầu hữu nghị Tháng Tám - Tháng Mười sẽ mãi mãi vun đắp mối quan hệ hợp tác gắn bó Việt - Nga, viết tiếp những trang sử mới ở tầm cao hơn.

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc