Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Nhìn nhận cả cơ hội lẫn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”

09:06 | 31/01/2018

429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy trong buổi làm việc với cán bộ, giảng viên Đại học Thương mại ngày 30/1.  

Cần tạo thuận lợi để các trường đại học tự chủ

Tại buổi làm việc, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Thương mại đã báo cáo với Phó Thủ tướng về những nội dung liên quan đến việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ, trong đó ưu tiên thực hiện tự chủ cả về kinh phí, hình thức tuyển sinh …

Sau gần 2 năm thực hiện đề án thí điểm, trường đã được chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới để nâng cao hiệu quả các hoạt động nói chung và chất lượng đào tạo nói riêng.

nhin nhan ca co hoi lan thach thuc tu cuoc cach mang cong nghiep 40
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trường vẫn gặp phải nhiều vấn đề và kiến nghị được tạo điều kiện để sử dụng nguồn học phí để đầu tư cơ sở vật chất hiện đang rất vướng mắc do phải được sự đồng ý của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính theo Luật Đầu tư công.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong dự thảo Luật Giáo dục, Giáo dục Đại học, dự kiến đưa vào nội dung đầu tư các dự án từ nguồn học phí không được coi là ngân sách, không phải theo quy định luật đầu tư công.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, các bộ, ban ngành liên quan cần tạo thuận lợi tối đa về thủ tục đầu tư dự án, quy trình thẩm định, ra văn bản đồng ý chủ trương… khi các trường đại học đã tự chủ được nguồn vốn.

Về vấn đề nhân sự của Hội đồng trường, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường với hiệu trưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải giao thực quyền cho Hội đồng trường, trước hết là quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Hiệu trưởng là người thực thi các nghị quyết của Hội đồng trường chứ không phải là mối quan hệ ngang cấp. Khi Hội đồng trường thực hiện công tác nhân sự, bầu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, luôn có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy.

“Hội đồng trường phải bảo đảm quyền đại diện của tập thể, sâu hơn nữa là mở rộng quyền làm chủ thực sự đến từng giáo viên, bộ môn. Bộ máy hành chính của nhà trường, các phòng khoa phải phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu theo tinh thần ngày càng nâng cao vai trò của giảng viên, giáo viên, giáo sư, bộ môn, rồi đến các khoa, các phòng, ban khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Điểm quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là Đại học Thương mại phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của trường, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng… “Bộ quy tắc được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.

Cần xem xét mở rộng chuyên ngành đào tạo

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ ra 3 vấn đề bất cập nhất của việc tự chủ trong các trường đại học: công tác nhân sự, đầu tư công và quyền hạn của 1 số cơ quan đối với các trường thực hiện thí điểm tự chủ.

Đối với các chuyên ngành, môn học đang đào tạo tại nhà trường, Phó Thủ tướng cũng gợi ý trong điều kiện mới bên cạnh những thế mạnh vốn có, Đại học Thương mại có thể xem xét mở ra những chuyên ngành đào tạo mới mà nền kinh tế, xã hội đang có nhu cầu như du lịch, công nghệ thông tin…; mở phân hiệu, cơ sở đào tạo trực thuộc từ những trường đại học, cao đẳng địa phương đang rất khó khăn, không tuyển được sinh viên.

nhin nhan ca co hoi lan thach thuc tu cuoc cach mang cong nghiep 40
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên tại Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Thương mại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Cả nước nói về cơ hội tương lai của đất nước và đào tạo phải đi trước, mở ra những chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu mới. Đây là cơ hội để Đại học Thương mại vươn lên cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn không gian phát triển, trở thành một phần của mạng lưới các trường đại học của thế giới”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị nhà trường cần tiếp tục thực hiện tự chủ trên tinh thần vướng đâu gỡ đấy và khẳng định “tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất”.

Trước đó, trò chuyện với sinh viên Đại học Thương mại, trong lễ trao học bổng sinh viên nghèo vượt khó, Phó Thủ tướng mong muốn các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhìn nhận cả cơ hội lẫn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ai là người đi trước thì thách thức sẽ thành cơ hội và ai đi sau sẽ bị bỏ lại rất nhanh. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt là những bạn trẻ. Cần phải khơi dậy sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên bởi nếu chỉ học theo cách cũ, làm theo cách cũ của thế giới chúng ta sẽ mãi đi sau. Mỗi người phải dám mơ ước và thực hiện được mơ ước đó với những cách làm mới. Mọi ý tưởng mới mẻ phải được khuyến khích, được khơi dậy, tôn vinh từ trong trường đại học. Và các bộ ngành cũng cần tạo điều kiện, ủng hộ những ý tưởng mới của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, nâng cao chất lượng, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam”.

Trong Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 – 2017 được tổ chức vào tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thực hiện tự chủ đại học còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không còn cách nào khác là phải làm mạnh mẽ hơn. Đây là trách nhiệm vì đất nước, nếu các trường ĐH Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh, thì nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ không được như mong muốn, đất nước sẽ không phát triển”.

Phó Thủ tướng cho rằng về tự chủ đại học sẽ không phải bàn có cần làm hay không mà đã thống nhất là phải làm; phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp. Nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay. Nói rõ về khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng điều này thực chất liên quan đến vấn đề nhận thức, và nhiều điểm trong nhận thức liên quan đến lợi ích và trách nhiệm.

PV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.