Nhìn lại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2018

13:16 | 28/01/2018

953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 (WEF) diễn ra từ ngày 23 đến 26/1 tại Davos, Thụy Sĩ. Chủ đề năm nay của diễn đàn này “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt” cho thấy một thế giới đang bị “rạn nứt” bởi cuộc đối đầu bấy lâu nay giữa chủ nghĩa đa phương và phong trào dân túy.  
nhin lai dien dan kinh te the gioi davos 2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Davos

Phong trào dân túy trên thế giới nổi lên sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, đã làm rung chuyển một thế giới đang được toàn cầu hóa mạnh mẽ. Tư tưởng cục bộ này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ các nước ủng hộ chủ nghĩa kinh tế đa phương, đi đầu là các nước châu Âu. Những nước này lo sợ phong trào dân túy sẽ bóp chết nền kinh tế thế giới, hay đúng hơn là có nguy cơ cao khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Ngày 21/1, các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ bảo vệ chủ nghĩa đa phương trước thông điệp "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump tại WEF. Theo giới quan sát, lãnh đạo các nước châu Âu sẽ sử dụng diễn đàn này để phản bác lại ý đồ phá bỏ những luật chơi kinh tế đã được định hình mà Tổng thống Trump vẫn nhiều lần nhắc lại. Đúng như vậy, ngày 24/1, phát biểu trước hơn 3.000 đại biểu tham dự, gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ của nhiều nước tại WEF, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các chính sách đóng cửa hay biệt lập sẽ không mang tới một tương lai tốt đẹp hơn cho các quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức cũng cho rằng châu Âu không nên than phiền khi các nước như Mỹ cải cách hệ thống thuế, thay vào đó cần tự cải cách chính mình để bắt kịp với một môi trường thuế cạnh tranh hơn. Bà Merkel cũng cho biết Pháp và Đức đang thúc đẩy một cơ chế thuế doanh nghiệp chung cho Liên minh châu Âu (EU).

Trong bài phát biểu tại WEF cuối ngày 24/1, Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố rằng "Pháp trở lại là nhân tố cốt lõi của châu Âu", qua đó khẳng định vai trò lớn của Pháp trong lòng châu Âu. Ngoài ra, Tổng thống Macron tiếp tục trình bày quan điểm riêng về một "tác động xã hội" mới đối với quá trình toàn cầu hóa. Ông hối thúc sự hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn "tối ưu hóa thuế không hạn chế". Theo nguyên thủ Pháp, thế giới nên có một “thỏa thuận mới” để hạn chế các mặt tiêu cực của toàn cầu hóa, bằng không “trong vòng 10-15 năm, những tư tưởng cực đoan sẽ chiếm lĩnh thế giới”. Theo đó, các đại tập đoàn nên từ bỏ việc trốn thuế, các chính phủ nên có một “chiến lược thuế khóa phối hợp ở cấp độ quốc tế” nhằm đánh thuế vào những tập đoàn công nghệ nào không muốn nộp thuế, cũng như chấm dứt tình trạng cạnh tranh thuế khóa giữa các chính phủ.

Trung Quốc cử ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu và cũng là một chính trị gia đang lên, dẫn đầu phái đoàn hùng hậu nhất từ trước đến nay tới dự WEF 2018. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự hội nghị Davos hồi năm ngoái, ông nói về tầm quan trọng của toàn cầu hoá vào thời điểm Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ. Lúc đó, ông Tập cảnh báo rằng "một cuộc chiến tranh thương mại chỉ có hại cho cả hai bên". Một số nguồn tin cho rằng thông điệp trong năm nay cũng không khác mấy. Tuy nhiên lần này, mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại dường như đã trở thành một thực tế chứ không còn là một mối lo. Ngay trước thềm diễn đàn Davos năm nay, chính quyền Mỹ thông báo áp thuế bảo hộ với các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về phía Mỹ, thái độ cương quyết bảo vệ đường lối chính sách của ông Trump cũng không hề kém cạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/1 đã có bài phát biểu ngắn gọn với nội dung bảo vệ chính sách thương mại của Mỹ. Nhưng trước đó, phái đoàn Mỹ tại Davos đã chuẩn bị dư luận, giải thích chính sách kinh tế của Donald Trump. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tổ chức họp báo lúc 9 giờ sáng ngày 25/1 và đưa ra hai thông điệp chính: khẩu hiệu Nước Mỹ trước hết của Tổng thống Donald Trump có nghĩa là làm việc, hợp tác với phần còn lại của thế giới và mọi người đến Davos là để bàn chuyện làm ăn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ phát biểu với thái độ hòa giải hơn, giải thích rằng kế hoạch cải cách thuế mà Washington vừa đưa ra không phải là một cuộc chạy đua cạnh tranh về thuế. Thậm chí ông còn trấn an là ông dành thời gian cần thiết để giải tỏa những mối bận tâm của các đồng nghiệp châu Âu, vì cách nay vài tuần họ đã gửi thư tới ông bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về chính sách cải cách thuế này. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cố gắng thuyết phục. Ông nói, chiến tranh thương mại đã kéo dài khá lâu rồi. Điểm khác biệt hiện nay là phía Mỹ xông lên chiến tuyến.

Liên quan tới nội dung bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Davos, ông Gary Cohn, Cố vấn kinh tế cao cấp của Nhà Trằng, người tháp tùng chuyến đi của Tổng thống Trump, trả lời báo chí rằng trong bài phát biểu này ông Trump khẳng định chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Ông Cohn giải thích thêm rằng: “Nước Mỹ trước tiên, chứ không phải nước Mỹ đơn độc. Khi Mỹ phát triển, thế giới cũng phát triển, chúng ta cùng phát triển. Chúng ta là một phần của sự phát triển đó và là một phần của nền kinh tế thế giới. Tổng thống Trump tin vào điều đó".

Davos luôn là một diễn đàn kinh tế nhưng mang tính chính trị nhất trên thế giới. Các diễn văn của lãnh đạo chính trị mỗi nước, các cuộc tranh luận, trao đổi của giới chuyên gia hay doanh nghiệp ở Davos không thể đưa ra được những giải pháp cụ thể nào cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Với chủ đề “Tạo dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, Davos 2018 tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên. Từ “rạn nứt” trong khẩu hiệu của hội nghị năm nay ám chỉ một năm qua, thế giới đã xuất hiện những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc. Tại EU, nước Anh dứt áo ra đi. Quan hệ Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có những trục trặc về cả chính trị cũng như kinh tế. Quan hệ đồng minh Washington - Bruxelles cũng không tránh khỏi những khúc mắc nghi kỵ kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Dư luận hy vọng diễn đàn Davos 2018 vẫn sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng hội nghị năm nay sẽ là giọt nước tràn ly đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại lớn. Theo một cuộc khảo sát của WEF được công bố vài ngày trước hội nghị hằng năm tại Davos, nguy cơ đối đầu về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn của thế giới, bao gồm xung đột quân sự trực tiếp, đang tăng cao. Báo cáo “Rủi ro toàn cầu” nêu bật một số rủi ro hàng đầu cho năm 2018, bao gồm những mối đe dọa môi trường từ thời tiết và nhiệt độ khắc nghiệt, những bất bình đẳng về kinh tế và các vụ tấn công trên không gian mạng.

Với tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi, những lo ngại về kinh tế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo mô tả sự bất bình đẳng về thu nhập là "vấn đề gây xói mòn" ở nhiều quốc gia và cảnh báo về sự tự mãn về môi trường kinh tế trong khi mức nợ cao, tỉ lệ tiết kiệm thấp và các điều khoản lương hưu không đáp ứng đủ.

Th.Long

AFP