Nhiều sức ép với ngành than

09:58 | 04/09/2016

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực tế hiện nay ngành than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết để tiếp tục ổn định sản xuất, phát triển. Sản xuất có xu hướng giảm, tồn kho tăng cao. Các đơn vị trong ngành đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, thuế, phí tăng mạnh, an toàn trong khai thác, ứng phó với thiên tai… Thật khó cho ngành than phát triển nếu như không có cơ chế, chính sách tốt.

Than nội địa chịu nhiều sức ép

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25-8-2016 vừa qua tại Hà Nội, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Văn Biên cho biết: Trong 7 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu trên 8 triệu tấn than, chiếm 1/4 thị phần thị trường than của Việt Nam. Trong đó, hơn 8 triệu tấn nhập khẩu 7 tháng của năm 2016, TKV chỉ nhập 900 nghìn tấn, còn lại chủ yếu là của các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại. Sản lượng than nhập khẩu từ các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh gây sức ép lên ngành than nội địa.

nhieu suc ep voi nganh than
Khai thác than tại mỏ Cọc Sáu

Cũng theo ông Biên, năm 2016, TKV chủ trương sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng đến nay, TKV đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn. Theo tính toán, than vẫn chiếm tới 39% cơ cấu năng lượng thế giới. Giá than hiện nay đã tăng nhẹ, lên khoảng 70USD/tấn nhưng vẫn đang ở mức thấp, trong bối cảnh các chi phí và điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn.

Năm 2016, sản lượng than trong nước sản xuất - tiêu thụ đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể là: 7 tháng đầu năm 2016, TKV sản xuất 22,06 triệu tấn than nguyên khai, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2015, tiêu thụ: 20,25 triệu tấn than sạch, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: Than tiêu thụ trong nước đạt 19,7 triệu tấn, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2015. Than xuất khẩu: 248 ngàn tấn, bằng 30% so cùng kỳ năm 2015.

Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, thì năm 2011 là năm đỉnh cao cả về sản lượng và hiệu quả kinh doanh (sản xuất - tiêu thụ 44,7 triệu tấn than sạch, riêng TKV trên 40 triệu tấn, năng suất lao động tăng gấp trên 4 lần so với năm 1995) thì các năm 2012-2015 sản lượng than giảm mạnh chỉ còn trên dưới 35 triệu tấn/năm và 7 tháng đầu năm 2016 còn nhiều khó khăn hơn cùng kỳ, sản lượng tiêu thụ giảm 3%, sản xuất giảm 7%, doanh thu giảm 15%. Do tiêu thụ giảm, cho nên sản lượng than khai thác dự kiến cả năm TKV sản xuất 33 triệu tấn than sạch, giảm khoảng 2 triệu tấn so với năm 2015 (thấp hơn 3-5 triệu tấn so với quy hoạch).

Theo phân tích, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính suy giảm kinh tế, nhu cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất nhiều nước còn cao cho nên giá giảm mạnh và than nhập khẩu về Việt Nam tăng chiếm hơn 1/4 thị trường Việt Nam như đã nêu.

Đặc biệt năm 2016 nhu cầu của nhiều nước giảm như Trung Quốc 6 tháng đã giảm 280 triệu tấn và cả năm dự kiến cắt giảm sản xuất 500 triệu tấn than... và nhiều nước phải điều chỉnh giảm thuế để ổn định sản xuất, việc làm, đời sống cho công nhân mỏ.

Áp lực thuế tài nguyên

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Biên cũng lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu và cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Australia, Trung Quốc 5-7%. Trong khi đó, đối với than trong nước, các loại thuế, phí trong giá thành các năm gần đây liên tục tăng. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% (bản chất là thu thuế tài nguyên lần II do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành) thì: Than hầm lò phải nộp 12%, than lộ thiên phải nộp 14% thuế tài nguyên. Đây là mức thuế suất thuế tài nguyên cao so với nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thuế tài nguyên tại Australia là 2-15%, trung bình lộ thiên 7%, hầm lò 6% và 5% nếu sâu trên 400m (đồng thời giá tính thuế được trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển tiêu thụ, phí tìm kiếm thăm dò; phí cấp cứu mỏ... không có thuế xuất khẩu than); than Indonesia thuế tài nguyên 3-7%; than Trung Quốc thuế tài nguyên 0-4%...

Như vậy, chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7-10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%. Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, tổng số nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm theo, đặc biệt là ảnh hưởng lớn tới các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn cũng giảm theo ảnh hưởng tới GDP chung vì tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm, không khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên (vì thuế cao thì chỗ khó phải tạm thời giãn sản xuất), ảnh hưởng hệ số tín nhiệm của TKV trên trường quốc tế, dẫn tới phải vay lãi suất cao hơn, chi phí tăng.

Điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng hệ số bóc đất, tăng cung độ vận chuyển (từ năm 1995 đến 2015: hệ số đất tăng 3,1 lần, từ 3,41m3/tấn lên 10,71m3/tấn, cung độ vận chuyển đất tăng 4 lần từ 1,03km lên 4,1km), các mỏ hầm lò từ mức + 0 so với mức nước biển đã xuống -300-500m, áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều... làm cho chi phí thông gió, thoát nước, vận tải tăng cao... Suất đầu tư tăng, làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay (suất đầu tư năm 2000 khoảng gần 50USD/tấn thì nay tăng lên 150-180USD/tấn công suất mỏ hầm lò), chi phí môi trường tăng cao, một số nơi do ảnh hưởng đợt mưa lớn lịch sử năm 2015 vẫn còn phải đang tiếp tục thực hiện.

Trong khi, theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng thêm từ ngày 1-7-2016. Theo đó, sản phẩm than khai thác lộ thiên sẽ tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỉ đồng/năm. Vì thế, TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Phân tích về chính sách thuế tài nguyên; chính sách thuế, phí đối với khai thác khoáng sản, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam (Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng: Thuế tài nguyên Việt Nam không những không giảm mà còn tăng lên làm cho thuế tài nguyên của chúng ta vốn dĩ đã cao nhất thế giới lại cao thêm, đi ngược lại với tinh thần của chính sách coi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, một số ý kiến cho rằng, tăng thuế tài nguyên cũng để tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Điều đó là ngụy biện và phi thực tế. Việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản chỉ có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng và tăng cường kỷ cương công tác quy hoạch, công tác cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản và các chính sách hợp lý đối với tài nguyên khoáng sản. Qua xem xét mọi khía cạnh việc tăng thuế suất thuế tài nguyên chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là để tăng thu ngân sách Nhà nước.

Do vậy, theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Việt Nam cần đổi mới chính sách thuế, phí nói chung, trong đó có thuế tài nguyên nói riêng đối với khai thác khoáng sản theo hướng thay vì tận thu tài chính cho tăng thu ngân sách chuyển sang khuyến khích tận thu tối đa tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nên xem xét bổ sung, sửa đổi một số quy định bất hợp lý của Luật Khoáng sản, trong đó bỏ quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì nó trùng lặp với thuế tài nguyên.

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới số 553+554

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps