Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược

08:34 | 24/05/2014

1,537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu tháng 5/2014 đến nay, nhiều nước châu Á đã tiến hành tập trận quân sự nhằm một mục đích duy nhất: đề phòng Trung Quốc xâm lược.

Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược

Mới nhất, ngày 19/5, Indonesia bắt đầu cuộc tập trận lớn liên binh chủng trên biển và vùng hải đảo sau khi Trung Quốc phát thành hộ chiếu có đường chín đoạn có cả vùng đảo Natuna của Indonesia.

Theo hãng tin Antara News của Indonesia ngày 19/5, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Moeldoko đã khai mạc tuần diễn tập từ ngày 19 đến ngày 24/5 ở Bogor, tỉnh Tây Java.

Tin cho biết, từ ngày 1 đến ngày 5/6 tới, Indonesia tiếp tục tập trận thực địa ở Asembagus, tỉnh Đông Java và cả ở Bali thuộc Ấn Độ Dương. Đây là lần tập trận lớn gồm cả ba binh chủng hải, lục và không quân. Đợt diễn tập này gồm nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng, trọng pháo và cả hệ thống phòng không. Phía hải quân có ít nhất 32 tàu các loại trong khi không quân Indonesia lần này sẽ trình diễn 40 chiến đấu cơ, gồm tám chiếc SU-27/30 Sukhoi, sáu chiếc F-16, 10 chiếc Hawk 100/200... Ngoài ra còn có nhiều máy bay vận tải như C-130 Hercule, B-737, F-28 Fokker, C-295, CN-235...

Trong tháng 5/2014, báo chí Indonesia cũng đưa tin Tướng không quân Fahru Zaini thuộc bộ phận chiến lược của Bộ Quốc phòng xác nhận có tin Trung Quốc “đưa vùng đảo Natuna vào đường chín đoạn của họ”. Điều này đã gây ra các phản ứng trong chính giới tại Jakarta, nước từ lâu nay vẫn có thái độ trung dung trong các tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á với Trung Quốc. Nhưng sau động thái của Trung Quốc cho in hộ chiếu với hình chín đoạn bao gồm cả vùng biển đảo của Indonesia, giới quân sự nước này đã có phản ứng.

Tướng Fahru phát biểu hôm 14/5 tại Natuna: “Điều Trung Quốc làm đã gây ảnh hưởng đến sự thống nhất quốc gia Indonesia. Vì thế, chúng tôi đến Natuna để tận mắt đánh giá các lực lượng vũ trang, sức mạnh chiến đấu của các đơn vị và để đề phòng trường hợp gì đó xảy ra trong vùng”.

Tướng Fahru nhấn mạnh rằng để bảo về sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia, điều quan trọng là phải tăng cường tính kết nối xã hội với các vùng xa như Natuna.

Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược

Cũng trong ngày 19/5, quân đội Ðài Loan khởi sự cuộc tập trận Hán Quang 30 với mục đích chính là trắc nghiệm khả năng tác chiến của quân đội khi phải bất ngờ đương đầu với một cuộc tấn công ồ ạt xuất phát từ hàng không mẫu hạm và hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Để sống còn, Đài Loan phải tự lực chiến đấu trước khi được Mỹ tiếp ứng.

Theo tuyên bố của một viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan, kế hoạch phòng thủ dựa theo kịch bản vùng bờ biển phía tây hải đảo đối diện với Hoa lục bị Trung Quốc dùng lực lượng máy bay của hàng không mẫu hạm tấn công. Ðể đối phó, một số loại vũ khí mới nhất của quân đội Ðài Loan, kể cả loại tên lửa Thunderbolt-2000, trực thăng vũ trang AH-64E Apache, và máy bay săn tàu ngầm P-3C mua của Mỹ, đã được huy động trong cuộc tập trận.

Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược

Trước đó, từ ngày 5/5, gần 6.000 quân Mỹ, Philippines và biệt kích Úc đã tham gia một cuộc tập trận lớn kéo dài trong 10 ngày. Chiến dịch “Vai kề vai” khai diễn một tuần lễ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Manila và ký kết hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario, cuộc tập trận kéo dài 10 ngày là để “cải tiến khả năng tác chiến trên biển” đương đầu với những “thách thức” trong khu vực. Manila không gọi đích danh Trung Quốc nhưng cho rằng Philippines có nhu cầu đối phó với hành động hung hăng của nhiều láng giềng muốn làm thay đổi “nguyên trạng” tại Biển Đông.

Trong buổi lễ khai diễn cuộc tập trận mang tên Balikatan (Vai kề vai), Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh là căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên trong những năm gần đây vì thái độ lấn chiếm chủ quyền biển đảo, muốn làm thay đổi nguyên trạng, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực”.

Cũng trong tháng 5 này, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc tập trận đổ bộ ở biển Hoa Đông, nơi mà nhiều hải đảo bị Bắc Kinh tranh giành và liên tục khiêu khích. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật được AFP trích dẫn thì lực lượng tham gia chiến dịch gồm 1330 quân nhân, bốn chiến hạm cùng nhiều máy bay thực tập tác chiến xung quanh quần đảo Amami, phía đông Okinawa.

Cuộc tập trận kéo dài gần hai tuần lễ, từ ngày 10 đến ngày 27/5, đặc biệt là trên hoang đảo Eniya. Báo chí Nhật dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng nước này cho biết cuộc tập trận này để tăng cường khả năng chiến đấu bảo vệ hải đảo trước sự hung hăng của láng giềng.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps