Nhiều doanh nghiệp sản xuất trở lại: Những tín hiệu vui

07:00 | 14/09/2013

55,899,200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, người phát ngôn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tiếp tục khẳng định, Chính phủ kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện đồng bộ, nhất quán, không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành. Đây được coi là kim chỉ nam để nền kinh tế thận trọng bước những bước chậm và chắc qua tâm bão.

Nhiều chuyển biến tích cực

Đã hơn một lần người phát ngôn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam kiên định theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới người nghèo và tầng lớp lao động có thu nhập thấp. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam cần thời gian để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng hiện tại, với những bước đi chậm nhưng chắc chắn.

Càng phấn khởi, bởi thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ quý II/2013, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, trong khi số doanh nghiệp gặp khó phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đang giảm dần. Cụ thể, trong 8 tháng cả nước có hơn 52.000 doanh nghiệp thành lập mới và chỉ trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với 6 tháng cuối năm 2012 thì số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay tăng 15,5%...

Đặc biệt, riêng quý II/2013 có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 23.201. Đây là con số cao nhất trong 2 năm qua, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 41,8% so với quý III/2012.

Chỉ trong tháng 8 đã có gần 600 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Tuy nhiên, chuyện tăng giảm của các doanh nghiệp (đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa) vẫn được coi là… chuyện cơm bữa của thị trường. Có bao nhiêu doanh nghiệp mất đi thì sẽ có từng đó doanh nghiệp bù vào. Điều quan trọng nhất với một nền kinh tế đang trên đà hồi phục phải là số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trở lại hoạt động tăng dần qua từng tháng. “Tổng cục Thống kê khẳng định, riêng trong tháng 7, có 750 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, tăng 42,6% so với tháng 6/2013 (526 doanh nghiệp). Còn trong tháng 8, cả nước có thêm 581 doanh nghiệp trở lại hoạt động... Tôi cho rằng kéo theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng theo so với cùng kỳ năm trước mới là điều quan trọng”, TS Lê Đăng Doanh.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012. Điều đó cho thấy sức mua bắt đầu nhích lên, lãi suất ở mức thấp... là một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp bắt đầu mở rộng sản xuất; thành lập mới doanh nghiệp để đón đầu cơ hội làm ăn. Tính đến 20/8/2013 tín dụng ước tăng 5,4% so với tháng 12/2012; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%; số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tính tăng 9,5%. Các chỉ số này cho thấy, tín dụng đang có những chuyển biến tích cực trong mấy tháng qua.

Nhớ lại hồi giữa tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 03 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013. Trong đó, NHNN đánh giá điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới vẫn còn những khó khăn, thách thức cần tiếp tục quan tâm xử lý.

Khủng hoảng chỉ là chu kỳ

Chất lượng quản trị là câu chuyện không còn mới với các doanh nhân Việt Nam, không chỉ ở khu vực công mà đối với cả doanh nghiệp tư nhân. Đây sẽ là yếu tố quyết định tìm ra “ngách phát triển” riêng và tự thân mỗi doanh nghiệp vận động ra sao trong lúc sóng lớn.

“Giai đoạn vượt qua suy thoái mang tính chu kỳ luôn là cơ hội tốt để những nước đang chuyển đổi như Việt Nam đẩy mạnh cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, xuất khẩu tài nguyên chuyển sang tăng trưởng nhờ vào năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh...”, TS Nguyễn Trí Hiếu, một người có nhiều năm làm việc trong các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức chia sẻ. Giai đoạn vượt qua suy thoái mang tính chu kỳ luôn là cơ hội tốt để những nước đang chuyển đổi như Việt Nam đẩy mạnh cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, xuất khẩu tài nguyên chuyển sang tăng trưởng nhờ vào năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh.

Với TS Hiếu, một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam thì các cú sốc từ bên ngoài sẽ nhanh chóng tác động tới nền kinh tế trong nước và đẩy chu kỳ kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái. Điều mà chuyên gia kinh tế Việt kiều kỳ vọng nhất, đó chính là lòng tin của người dân và doanh nghiệp nơi các nhà hoạch định chính sách. “Ở các nền kinh tế phát triển tôi từng làm việc như Đức hay Mỹ, việc tính toán và theo dõi các chỉ số nói lên kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp như chỉ số lòng tin người tiêu dùng, chỉ số lòng tin nhà đầu tư, chỉ số lòng tin các chủ doanh nghiệp... là rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách vĩ mô. Bên cạnh đó, trong thời kỳ khó khăn của chu kỳ kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa cần được kết hợp linh hoạt để phục hồi tăng trưởng GDP và tạo việc làm. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn là cần thiết nhưng cần chú ý không rơi vào bẫy thanh khoản khi lãi suất đã giảm thấp nhưng ngân hàng vẫn không cho vay, doanh nghiệp không thể tiếp cận tín dụng như trong thời gian qua ở nước ta. Khi đó chính sách tiền tệ sẽ không còn tác dụng kích thích nền kinh tế”.

Dù muốn hay không, nền kinh tế của chúng ta không thể lúc nào cũng đi lên suôn sẻ. Sau một thời gian vận hành, cỗ máy kinh tế sẽ gặp phải những vấn đề nhất định. Các nhà hoạch định chính sách cần phải nhận thức rõ ràng vấn đề đó và tìm cách giải quyết. Khi kinh tế đi xuống, những bong bóng phát nổ và kế đó, vấn đề còn tồn tại sẽ được thanh lọc. Cũng giống như một bệnh nhân đi khám răng, người đó sẽ phải chịu đau khá lâu, nhưng cuối cùng người đó sẽ có sức khỏe tốt hơn. Một nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ đi lên từ sự giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại hiện nay từ các “móng” vững chắc.

Anh Lê Vĩnh Lộc, chủ doanh nghiệp thêu Hưng Nguyên có quy mô trung bình ở quận Hoàng Mai cho hay, hồi giữa năm 2011, hơn 30 công nhân đã được cho “tự do di tản” vì càng làm càng lỗ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, các cuộc điện thoại từ những mối quen thuộc xuất hiện ngày một nhiều và anh quyết định khởi động trở lại 3 máy thêu và 1 máy đính cườm của mình. “Mình đã thấm và tự biết rút kinh nghiệm cho lần “phá sản” của 2 năm trước. Công tác quản trị, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, chủ động tìm đường ra cho sản phẩm… là những vấn đề thật sự lớn. Nền kinh tế càng thị trường hóa sớm thì vấn đề nhạy bén lại càng được đặt lên hàng đầu”.

Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 84,82 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt gần 51,25 tỉ USD, tăng 26,0% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 42,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 76,2%, tiếp tục vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, dầu thô, giày dép và giữ vững được vị trí hàng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 13,2 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: rau quả tăng 33,8%; nhân điều tăng 12,1%; hạt tiêu tăng 17,9%...

Lê Tùng