Nhạy cảm tài sản chung - riêng

21:38 | 28/11/2017

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bắt đầu từ 5-1-2018, cuốn sổ đỏ của các hộ gia đình không còn chỉ ghi tên chồng và vợ nữa mà phải ghi tất cả các thành viên có chung quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là điều bắt buộc tại Thông tư số 33 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới ban hành.

Sự kiện này đang được nhiều người quan tâm, bởi lẽ nó động chạm đến quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản của công dân. Phần nữa, quyền sử dụng đất lâu nay và với nhiều gia đình, nó là tài sản lớn, thậm chí là tài sản lớn nhất, dễ gây ra tranh chấp khiếu kiện nhất trong nhiều quan hệ dân sự, kể cả trong quan hệ ruột thịt.

Cái “sổ đỏ” quý hơn vàng ấy nay tự nhiên bắt buộc phải chia sẻ, quả là điều không mấy ai dễ dàng chấp nhận.

Theo thông tư này, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Về cả lý lẫn tình mà nói, sự minh bạch về tài sản, kể cả trong một gia đình, là rất cần thiết, bởi lẽ lúc ấm êm thì không sao, nhưng lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” ắt sinh ra tranh chấp, mất anh mất em.

nhay cam tai san chung rieng

Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) giải thích: “Quy định bổ sung tên vào sổ đỏ này sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng, tuy nhiên không nên kỳ vọng việc một quyển sổ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản. Về pháp luật, nếu là tài sản của ai thì đứng tên người ấy. Sau này, kể cả là ghi tên thành viên trong gia đình, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng vẫn phải truy ra những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường”.

Theo Điều 212, Khoản 2 của Bộ Luật Dân sự, “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, việc phân định tài sản chung - riêng luôn luôn là vấn đề nhạy cảm. Có người đặt câu hỏi: “Với miếng đất và tài sản trên đất nhà tôi hiện nay, sự đóng góp hình thành nên tài sản này của mỗi thành viên rất khác nhau. Vậy điền tên họ với vị thế ngang bằng nhau liệu có công bằng? Ai sẽ phân định cao thấp, nhiều ít trong khối tài sản này?”.

Rồi có người giả định, để thực hiện được việc “điền tên lịch sử” này, mỗi gia đình phải họp lại với nhau, phân chia tài sản theo sự đóng góp thành phần trăm (%) tựa như trong công ty cổ phần, sau đó kiến nghị lên Bộ TN&MT sửa đổi thông tư này để điền thêm, sau họ, tên, năm sinh là tỷ lệ % sở hữu. Nếu không nhất trí được thì kéo nhau ra... tòa án!

Thật may mắn, theo Bộ TN&MT thì con số sổ đỏ đã cấp lần đầu trên toàn quốc hiện chiếm tỷ lệ 96,3%. Cho nên cũng không có đảo lộn gì nhiều. Phần nữa, những cuốn sổ đỏ đã được cấp trước đây vẫn nguyên giá trị, không phải thay đổi theo quy định mới này. Chỉ khi tham gia giao dịch thì cơ quan thực hiện giao dịch đó phải xác định lại các chủ thể có quyền sử dụng đất để xử lý trên giấy chứng nhận đã cấp.

Mặc dù vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: “Trong thực tiễn, với những gia đình chưa có sự biến động thì chưa xảy ra tranh chấp. Nhưng đến một thời gian nhất định sẽ có sự biến động, chia tách, ăn ở riêng… người dân sẽ phải thực hiện nhiều thao tác để xác định lại quyền sử dụng đất. Và trong trường hợp, với những gia đình nảy sinh xung đột thì sẽ làm phức tạp thêm vấn đề. Chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, vì thế nếu một quy định mới đưa ra lại thêm những thủ tục phiền hà cho người dân và gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi thì tôi cho rằng, cần có sự nghiên cứu kỹ càng để pháp luật thực sự đi vào đời sống”.

Ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai: “Khi dự thảo thông tư, các cơ quan thực thi, thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đã lấy ý kiến của các cơ quan ban, ngành và cơ quan chuyên môn. Khi thông tư được ký, Bộ TN&MT, Tổng cục Đăng ký đất đai cũng đã có chương trình tuyên truyền hướng dẫn cơ quan chuyên môn. Có điều, khi người sử dụng đất đến thực hiện việc cấp giấy chứng nhận thì các cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ cho người sử dụng đất, tránh việc hiểu lầm tất cả các thành viên trong gia đình phải ghi tên trong giấy chứng nhận”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc