Nhật Bản và Philippines lại căng thẳng với Trung Quốc

07:06 | 03/12/2015

2,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 29/11, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 3 tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là vụ xâm nhập lần thứ 32 của tàu Trung Quốc tại khu vực này trong năm nay.

Động thái này diễn ra sau khi người phát ngôn không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết, ngày 27/11, lực lượng không quân Trung Quốc đã huy động nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay ném bom H6K diễn tập biển xa trên Tây Thái Bình Dương, cách xa chuỗi đảo thứ nhất 1.000km; và các máy bay còn tiến hành diễn tập cảnh báo trên Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.

Trước đó, ông Thân Tiến Khoa còn cho biết, lực lượng đường không của Không quân Trung Quốc và Thái Lan tổ chức huấn luyện liên hợp "Ưng Kích-2015" ở căn cứ Korat của Không quân Thái Lan từ 12 đến 30/11.

Theo Hãng Reuters, Bắc Kinh xác nhận, trong năm nay, không quân Trung Quốc đã 4 lần diễn tập trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, nhằm nâng cao năng lực chiến đấu tầm xa trên biển.

nhat ban va philippines lai cang thang voi trung quoc
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani gặp gỡ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris

Cũng trong ngày 27/11, Hãng AFP dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Tokyo đã điều chiến đấu cơ sau khi 11 máy bay quân sự Trung Quốc (8 máy bay ném bom, 2 máy bay thu thập thông tin tình báo và 1 máy bay cảnh báo sớm) bay sát các đảo phía nam Nhật Bản hôm 27/11.

Tokyo cho biết, máy bay Trung Quốc bay sát đảo Miyako và Okinawa hôm 27/11, nhưng không xâm phạm không phận Nhật Bản. Tờ Yomiuri Shimbun coi đây là động thái bất thường của Trung Quốc khi triển khai một phi đội lớn máy bay quân sự bay sát không phận Nhật Bản, và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phân tích mục tiêu thật sự của cuộc tập trận kể trên.

Trước đó (26/11), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản đối kế hoạch tập trận chung của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. Ông Hồng Lỗi đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris nhất trí về việc 2 nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông trong thời gian tới.

Và khi gặp giới chức cao cấp của quân đội Mỹ ở Hawaii, ông Gen Nakatani còn cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép bất cứ ai đơn phương dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng hải quân các nước trong khu vực (cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines).

Trước đó ngày 25/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài viết cho rằng, Nhật Bản hiện thiếu một lý do chính đáng và cụ thể để tiến hành tuần tra Biển Đông.

Cũng trong ngày 25/11, tờ Stars and Stripes (Mỹ) cho biết, sau khi Nhật - Mỹ kết thúc diễn tập song phương trên biển (24/11), Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka cho biết, một khi Mỹ yêu cầu Nhật Bản tham gia hành động, Tokyo có năng lực hưởng ứng, cùng Washington hành động ở Biển Đông. Nhưng hiện Nhật Bản chưa nhận được chỉ lệnh hành động cụ thể ở Biển Đông.

Ngày 20/11, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo không có kế hoạch gửi lực lượng tham gia các hoạt động tuần tra do Mỹ tiến hành ở Biển Đông. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đề cập tới vấn đề này với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong khi đó, ông Gen Nakatani ủng hộ hoạt động tàu chiến Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Từ tháng 6/2015, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc.

Bởi theo Đô đốc Katsutoshi Kawano, Biển Đông có vai trò quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản.

Trong khi đó, ngày 27/11, tờ The Philippine Star dẫn lời Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết, khi ra làm chứng trước Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, các chuyên gia quốc tế đã nói về tác hại từ những hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt trái phép của Trung Quốc đối với hệ sinh thái ở Biển Đông.

Giáo sư Kent Carpenter đến từ Đại học Old Dominion (Mỹ) khẳng định, những hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái san hô ở khu vực bị ảnh hưởng đến mức thảm khốc.

Cũng tại PCA, Giáo sư luật thuộc Đại học Miami (Mỹ) Bernard Oxman cho rằng, Bắc Kinh cố tình làm xấu thêm tình hình và mở rộng tranh chấp chủ quyền đối với Philippines.

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, buổi tranh tụng cuối cùng diễn ra hôm 30/11 và PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong năm 2016. Trước đó (26/11), Manila đã tập trung vào việc Bắc Kinh xâm phạm quyền thăm dò và khai thác cá trong khu vực, bằng việc khẳng định “đường lưỡi bò” bao trùm gần hết Biển Đông.

Luật sư Andrew Loewnstein đã đưa ra đoạn video để chứng minh với PCA rằng, máy móc của Trung Quốc tàn phá đáy biển trong quá trình bồi lấp trái phép các bãi đá, và việc này vi phạm quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Mặc dù Bắc Kinh không công nhận thẩm quyền của PCA, nhưng hôm 29/10, PCA vẫn thông báo, vì Philippines và Trung Quốc đều đã ký Công ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nên phải giải quyết các tranh chấp theo Công ước này.

Đồng thời khẳng định, việc Bắc Kinh không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của PCA và quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.

Hãng Reuters vừa dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo hôm 28/11, theo đó Tổng thống Benigno Aquino đã phê chuẩn chi 44 tỉ peso (khoảng 933 triệu USD) để mua khí tài, tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải.

Và số tiền này dùng để mua 2 tàu khu trục, 8 tàu tấn công đổ bộ, 3 máy bay trực thăng chống tàu ngầm, 2 máy bay tuần tra tầm xa…

Ông Fernando Manalo đưa ra thông báo này sau khi Manila nhận 2 chiếc đầu tiên trong số 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ của Hàn Quốc để tăng cường khả năng phòng không của Philippines (đặt hàng với tổng số tiền 18,9 tỉ peso, khoảng 400 triệu USD); và Seoul cam kết sẽ giao 12 chiếc máy bay này cho Manila từ nay đến năm 2017.

Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới 479