Nhật Bản tưởng niệm 5 năm ngày thảm họa động đất, sóng thần

20:36 | 11/03/2016

604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 14h46 chiều 11/3 giờ địa phương (12h46 trưa giờ Hà Nội), nhiều nơi trên toàn đất nước Nhật Bản đã đồng thời tổ chức Lễ tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất và sóng thần 5 năm về trước.

Khi tiếng chuông vang lên tại trung tâm thủ đô Tokyo, nhiều người dân đã dành một phút cúi đầu tưởng niệm những người thiệt mạng. Đồng thời, tất cả tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo cũng ngừng hoạt động đánh dấu khoảnh khắc trận động đất bắt đầu.

nhat ban tuong niem 5 nam ngay tham hoa dong dat song than
Người dân Nhật Bản tưởng niệm những nạn nhân xấu số

5 năm về trước, một trận động đất 9 độ Richter, mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới đã xảy ra ngoài khơi, kéo theo sóng thần tàn phá bờ biển đông bắc nước Nhật đã làm hơn 18.000 người chết và mất tích, gần 160.000 người mất nhà cửa ở Nhật Bản.

Trong vòng một giờ xảy ra động đất, những ngọn sóng cao 4-5 m liên tiếp đã ập đến san phẳng các thị trấn dọc bờ biển. Cơn sóng cao nhất được ước tính lên đến 40m tại Miyako, Iwate.

Thiên tai này cũng gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986 ở Ukraine, lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi đã rò rỉ phóng xạ trên diện rộng, khiến nhà chức trách phải sơ tán hơn 160.000 người.

Theo ước tính, thảm hoạ năm 2011 đã gây thiệt hại lên đến 300 tỷ USD cho Nhật Bản.

nhat ban tuong niem 5 nam ngay tham hoa dong dat song than
Cơn sóng thần đổ vào Nhật Bản nhấn chìm tất cả (Ảnh: Reuters)

Thảm họa hạt nhân này đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối điện nguyên tử, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định nước Nhật “không thể làm gì nếu không có điện hạt nhân” và nhiều tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới được đưa ra. Chỉ những lò phản ứng đạt chuẩn mới được tái khởi động.

Theo số liệu của Cơ quan tái thiết thảm họa Nhật Bản, tính đến ngày 12/2/2016, vẫn còn 174.400 người vẫn phải lánh nạn. Họ chưa thể về nhà khi nỗi lo phóng xạ vẫn còn đó.

Chính phủ đã bỏ ra hàng tỷ đôla để tái thiết nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều người đã chuyển đi sinh sống ở các địa phương khác.

Trong buổi họp báo về tưởng niệm 5 năm sóng thần, ông Abe đã tỏ ý quyết tâm tiếp tục thực hiện công việc tái thiết khu vực chịu thiệt hại, cam kết rằng “đến năm 2019 cơ bản sẽ hoàn thành và khai thông toàn tuyến đường sắt đã bị phá hỏng”. Đồng thời, sẽ tích cực xây dựng các tuyến đường bộ, xử lý ô nhiễm do sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 gây ra. 

nhat ban tuong niem 5 nam ngay tham hoa dong dat song than
Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối nhà máy điện hạt nhân

Tuy nhiên, đối với nhiều người sống sót thì khó khăn về tâm lý mới là trở ngại lớn nhất.

Ông Eiki Kumagai, tình nguyện viên cứu hỏa tại Rikuzentakata, người mất 51 đồng nghiệp, nói với hãng Reuters: "Cơ sở hạ tầng đang phục hồi nhưng trái tim thì vẫn còn rỉ máu. Tôi cứ nghĩ là thời gian sẽ giúp chữa lành thế nhưng tôi luôn luôn thấy gương mặt của những người đã chết... Tiếc thương vô hạn, thật không thể nào tả nổi."

D.T

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc