Nhật Bản công bố "kế hoạch năng lượng" tầm nhìn năm 2050

17:07 | 04/07/2018

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ Nhật Bản ngày 3/7 khẳng định điện hạt nhân sẽ đóng góp từ 20% đến 22% tổng sản lượng điện quốc giao vào năm 2030, và công ty Nhật Bản TEPCO công bố kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới tại đảo quốc này.  
nhat ban cong bo ke hoach nang luong tam nhin nam 2050
Hiện chỉ có 5/39 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật hoạt động

Trong cuộc họp sáng 3/7, các bộ trưởng trong chính phủ Nhật đã phê duyệt "kế hoạch năng lượng" tầm nhìn năm 2050.

Theo đó, tỷ lệ của năng lượng hạt nhân vào năm 2030 vẫn được duy trì ở mức 20-22%, giảm nhẹ so với mức 25-30% trước thảm họa Fukushima. Năng lượng tái tạo là 22-24%, và nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên) sẽ vẫn chiếm đa số (56%).

Nhật Bản cam kết giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính từ năm 2013 đến năm 2050. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn trong đó việc phát triển năng lượng hạt nhân phải được duy trì vì đây là ngành năng lượng ít phát thải khí CO2.

Để đảm bảo được tỉ trọng 20-22% điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2030, theo các chuyên gia, ngành công nghiệp này không chỉ phải tái khởi động thêm các lò phản ứng (hiện chỉ có 5/39 lò hoạt động) mà còn phải xây dựng mới, vì một số lò phản ứng hạt nhân ở Nhật sắp đạt đến giới hạn tuổi thọ. Trước tai nạn Fukushima, Nhật Bản có 54 lò phản ứng.

"Chúng tôi sẽ khởi động khảo sát địa chất để xây dựng một lò mới tại Higashidori (phía Bắc Nhật Bản)", Tomoaki Kobayakawa, người đứng đầu Tokyo Electric Power (TEPCO) cho biết tại một cuộc họp báo.

"Trong khi vẫn phải giải quyết những vấn đề phát sinh từ vụ tai nạn Fukushima, nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay còn là đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước, tránh tình trạng cúp điện", ông Tomoaki Kobayakawa nói thêm.

Dự án lò phản ứng Higashidori đã bị tạm dừng sau thảm họa Fukushima vào tháng 3/2011.

Ý định xây dựng một lò phản ứng mới của Tepco lập tức bị chỉ trích. Những người phản đối điện hạt nhân ở Nhật cho rằng đó là một sáng kiến không thể chấp nhận được vì tai nạn Fukushima vẫn chưa được giải quyết.

Có lẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa mới khắc phục được thảm họa này, buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và biến một khu vực đất đai rộng lớn bị bỏ hoang.

Hơn nữa, trong kế hoạch thông qua ngày 3/7, chính phủ Nhật cho biết lần đầu tiên xem xét các bước để "giảm số plutonium lưu kho" nhằm đáp ứng quan ngại của Mỹ.

Nhật Bản có 47 tấn plutonium, trong đó 36 tấn được lưu giữ tại Pháp và Anh.

Nh.Thạch

AFP