Nhật Bản cân nhắc xả thải ra Thái Bình Dương

08:28 | 12/08/2017

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau tuyên bố mới đây của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị chủ quản Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima về việc cân nhắc xả thải nước nhiễm phóng xạ tritium vào Thái Bình Dương, dư luận Nhật Bản và thế giới lại một lần nữa… dậy sóng.

Nỗi lo không của riêng ai

Tạp chí Newsweek số trung tuần tháng 7 dẫn lời ông Takashi Kawamura - Chủ tịch TEPCO - đơn vị chủ quản Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima về dự định tiến hành kế hoạch xả thải: Đổ 770.000m3 nước nhiễm phóng xạ tritium vào Thái Bình Dương. Trả lời truyền thông địa phương mới đây, ông Kawamura nói: “Kế hoạch xả thải này đã được quyết định”. Đại diện TEPCO cũng không quên khẳng định rằng, các chất thải phóng xạ tritium không có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và sẽ mau chóng bị khuếch tán ra đại dương.

Mới đây nhất hôm 3-8, Epoch Times dẫn lại những khẳng định từ phía TEPCO cho rằng, việc xả thải là an toàn, bởi trong quá trình vận hành, không chỉ có Fukushima mà rất nhiều cơ sở hạt nhân khác trên thế giới vẫn thường thải tritium ra đại dương. Nguồn tin trên cũng dẫn lời Tadahiro Katsuta, một kỹ sư hạt nhân của Đại học Meiji: “Sau khi pha loãng, tritium sẽ được thải ra biển, không chỉ từ các nhà máy điện hạt nhân mà còn từ các nhà máy tái chế trên khắp thế giới”.

nhat ban can nhac xa thai ra thai binh duong
Một góc Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Okuma, Fukushima, Nhật Bản ngày 23-2-2017 (ảnh: The Epoch Times)

Người phát ngôn của TEPCO, ông Shinichi Nakakuki cũng trao đổi với The Epoch Times qua email, một lần nữa cho rằng: “Các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc thải nước chứa tritium xuống biển sẽ không gây tác động gì. Bởi thế phía TEPCO sẽ tiếp tục cân nhắc và chờ Chính phủ Nhật Bản phê duyệt việc tiến hành xả thải, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận từ phía cư dân địa phương ở Fukushima”.

Về phần mình, các ngư dân thường hoạt động đánh bắt ngoài khơi Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima phản đối kế hoạch trên của TEPCO. Họ cho rằng, bất cứ hoạt động xả thải phóng xạ nào cũng sẽ phá hủy môi trường biển, ảnh hưởng tới cuộc sống mưu sinh của họ. Trong khi đó, theo bà Aileen Mioko-Smith, một nhà hoạt động chống hạt nhân của Tổ chức Green Action Japan có trụ sở tại Kyoto: “Sự cố đã xảy ra từ hơn 6 năm trước và lẽ ra chính quyền có thể đã tìm ra được cách thức để loại bỏ tritium khỏi nước thay vì chọn cách thải chúng ra biển”. Bà Mioko-Smith cũng cho rằng, động thái này nếu có sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về sau.

Sự thật về tritium

Ở góc độ phân tích chuyên môn, tritium là một đồng vị phóng xạ của hydro. Giống như hydro, nó có thể liên kết với oxy để tạo ra nước tritium hóa. Bởi vì là một phần của nước nên rất khó để loại bỏ tritium khỏi nước thải nhà máy hạt nhân như các chất gây ô nhiễm khác.

Dự định xả thải nước chứa tritium ra biển là một phần trong những nỗ lực phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 của Nhật Bản. Đến hết năm 2016, Chính phủ Nhật ước tính phải chi trả cho các khoản liên quan tới thảm họa kép năm 2011 vượt 188 tỉ USD.

nhat ban can nhac xa thai ra thai binh duong
Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ tritium ở Okuma, Nhật Bản ngày 25-2-2016 (ảnh: Getty Images)

Không chỉ có người dân địa phương Nhật Bản phản đối kế hoạch xả thải ra Thái Bình Dương của TEPCO, nhiều cơ quan chức năng uy tín cũng bày tỏ quan ngại. The Epoch Times dẫn một thông báo của Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ cho hay, một người uống nước bị nhiễm tritium 3 lần, sẽ có khoảng 1/1,25 triệu nguy cơ mắc các bệnh ung thư dẫn tới tử vong.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho hay: Mức chất gây ô nhiễm tối đa cho tritium ở 20.000 picoCuries/lít (pCi/L). Lượng bức xạ mà một người có thể bị phơi nhiễm từ nước uống bị ô nhiễm ở mức này trong 1 năm là tương đương với bức xạ của một chuyến bay kéo dài 3-4 giờ đồng hồ.

Ngoài ra, cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, phần lớn là do các nguồn tự nhiên như bức xạ vũ trụ từ mặt trời và các vì sao. Trong đó, lượng bức xạ từ tritium và các nhà máy điện hạt nhân không đáng kể, theo báo cáo của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ. “Lượng bức xạ từ tritium và các nhà máy điện hạt nhân là một đóng góp không đáng kể cho bức xạ nền mà mọi người thường phơi nhiễm, chúng chỉ chiếm dưới 0,1% tổng lượng bức xạ”, báo cáo trên cho hay.

Hiện, theo các nhà khoa học, giải pháp thay thế để xử lý nước nhiễm tritium bao gồm cất giữ dưới lòng đất hoặc cho bốc hơi vào bầu khí quyển. Song các giải pháp thay thế này không phù hợp với những loại nước có nồng độ tritium cao như ở Fukushima, đồng thời chi phí phải bỏ ra quá lớn.

Mai Lâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc