“Nhập siêu” xuất bản phẩm

19:48 | 05/11/2017

1,392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau rất nhiều tác phẩm văn học đã được “xuất khẩu”, cuốn sách “Những ngã tư và những cột đèn” của tác giả Trần Dần trở thành tác phẩm tiếp theo được chuyển ngữ sang tiếng Hàn và sẽ phổ biến ở xứ sở kim chi vào năm 2018. Đây được coi là tín hiệu mừng cho văn học nước nhà thêm cơ hội vươn ra thế giới.

“Xuất khẩu” văn chương

Ngày 1-9 năm nay, gia đình nhà văn Trần Dần cho biết, tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của cố nhà văn đã chính thức được tiếp cận với độc giả xứ kim chi thông qua nhà xuất bản (NXB) IWBOOK Publishing House (Hàn Quốc). Dự kiến, cuốn sách sẽ được chuyển ngữ và ra mắt độc giả Hàn Quốc vào năm 2018.

Không lâu sau đó, nhà văn Nguyễn Một cũng thông báo cuốn tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của ông được NXB Sống (Song Publishing) dịch sang tiếng Anh. Trước đó, tiểu thuyết “Ngược mặt trời” của nhà văn cũng được Song Publishing phát hành với tên gọi “Journey Against The Sun”.

nhap sieu xuat ban pham
Hội sách mùa xuân 2017

Được biết, trước đây đã có một số nhà văn được các NXB nước ngoài mua bản quyền, chuyển ngữ và phát hành tại các thị trường quốc tế.

Có thể nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - cây bút được đông đảo giới trẻ ưa chuộng - với tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Không chỉ gây được tiếng vang trong nước. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái vào năm 2011, sau đó được NXB Dasan Books của Hàn Quốc mua bản quyền và phát hành tại Hàn Quốc vào năm 2013. Đến năm 2014, cuốn sách tiếp tục được chuyển ngữ tiếng Anh và ra mắt độc giả Mỹ trên trang web mua bán trực tuyến Amazon.

Cách đây 10 năm (2007), cuốn “Cánh đồng bất tận” của nữ nhà trẻ văn Nguyễn Ngọc Tư cũng được chuyển ngữ sang tiếng Hàn và được ấn hành tại Hàn Quốc.

Chủ tịch Hội Xuất bản Đỗ Quý Doãn: “Sách Việt ít cơ hội có mặt ở nước ngoài vì một trong những nhược điểm là các bản in sách của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế, chưa đăng ký các chỉ số quốc tế. Tại nhiều hội chợ sách quốc tế, chúng ta mới chỉ tham dự với nhiệm vụ trưng bày, còn việc quảng bá, giao lưu, tiếp thị sách chưa chuyên nghiệp”.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm kinh điển, đại diện cho văn học Việt Nam cũng được chuyển ngữ và xuất bản ở nước ngoài như: “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xuất bản ở các nước: Canada, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc…), “Tổng tập nghìn năm văn hiến” (gồm 15 tập được xuất bản tại Nga), tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi cũng đã phát hành tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển...

Tuy nhiên, so với sự phát triển của văn học Việt Nam, số lượng các tác phẩm được chuyển ngữ và phát hành tại nước ngoài còn quá ít ỏi; trong khi đó, thị trường xuất bản trong nước lại bị sách ngoại văn “chiếm lĩnh”. Thậm chí có ý kiến cho rằng, ngành xuất bản nước ta vẫn đang tồn tại tình trạng “nhập siêu” văn học.

Tìm đường cho văn học “xuất ngoại”

Theo số liệu của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố trong báo cáo “Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017”, trong năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu 19,36 triệu USD nhưng xuất khẩu chỉ có 3,9 triệu USD. Điều này cho thấy ngành xuất bản đã tìm cách xuất khẩu các ấn phẩm “made in Vietnam”, nhưng vẫn chưa thực sự được bạn đọc nước ngoài biết đến.

Nhiều năm nay, việc tìm đường đưa sách Việt, văn học Việt tiếp cận thị trường quốc tế vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Bởi trên thực tế, các NXB lớn ở Việt Nam hiện nay chưa hoạt động hiệu quả và không quá mặn mà với thị trường nước ngoài. Bằng chứng là chỉ có một số NXB làm ăn có lãi như NXB Trẻ, NXB Chính trị - Quốc gia - Sự thật, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam. Và trong vòng 5 năm trở lại đây, ngoài 2 ấn phẩm “Những ngã tư và những cột đèn” của nhà văn Trần Dần và “Đất trời vần vũ” của nhà văn Nguyễn Một, việc xuất khẩu sách gần như là con số 0.

nhap sieu xuat ban pham
Cuốn sách “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần được NXB Trẻ dịch sang tiếng Anh

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu các ấn phẩm của Việt Nam cũng chỉ có một số nước như Mỹ, các nước châu Âu (Anh, Pháp...) và một vài nước châu Á. Các thị trường châu Âu, châu Mỹ và phần lớn châu Á vẫn chưa thực sự mặn mà với sách Việt do nhiều nguyên nhân như nhu cầu chưa cao, giá cước vận chuyển đắt đỏ hay những vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu.

Thêm vào đó, có một thực tế là hầu hết các tác phẩm được dịch và xuất bản tại nước ngoài là do nỗ lực của cá nhân nhà văn và cố gắng của các NXB. Chính vì thế, nhiều nhà văn, dịch giả… mong muốn sớm có sự hỗ trợ từ phía Hội Nhà văn Việt Nam và đại diện Việt Nam ở nước ngoài để có thêm nhiều tác phẩm được giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Bởi xét cho cùng, xuất khẩu sách Việt chính là cách giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam, giúp Việt Nam thoát dần khỏi “mác” văn học chiến tranh quen thuộc hàng chục năm nay. Đồng thời, việc xuất khẩu xuất bản phẩm còn là cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam, tạo cơ hội cho văn học Việt có thêm cơ hội phát triển và “chinh phục” các thị trường khó tính.

Một số đơn vị xuất bản đã mạnh dạn thử sức trong việc tìm kiếm thị trường ngoài nước:

• Năm 2011, NXB Trẻ dịch sang tiếng Anh và xuất bản tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (“Open the window, eyes closed”) của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần và giới thiệu qua các trang mạng chuyên về bán sách, tại hội chợ sách.

• Năm 2012, Chibooks đã ký hợp đồng với gần 20 nhà văn Việt Nam đương đại, với gần 100 tác phẩm văn học, theo đó Chibooks trở thành đại diện chính thức của các tác giả trong thời hạn 8-10 năm để thực hiện hoạt động chào bán bản quyền sách văn học Việt Nam ra quốc tế. Chibooks cũng sẽ đầu tư cho việc quảng bá thông tin và PR cho các tác giả tại nhiều quốc gia. Ngược lại Chibooks nhận 10% giá trị hợp đồng bán bản quyền của mỗi tác phẩm.

Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam vào các năm 2002, 2010 và 2015; đồng thời thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.

K.An