Nhập nhèm chất lượng thực phẩm chức năng

06:08 | 13/12/2012

4,518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã có quá nhiều trường hợp phải đi cấp cứu do bị biến chứng, dị ứng nặng theo thể Steven Johnson vì uống thực phẩm chức năng... Vậy thực hư chất lượng của thực phẩm chức năng ra sao, mặc dù dưới góc độ khoa học đây là sản phẩm được coi là tinh túy nhất của động vật hoặc thực vật sau đó được chiết xuất và bào chế... bằng công nghệ?

>> Thiếu hiểu biết - người tiêu dùng trở thành 'miếng mồi ngon'

Loạn... công hiệu

Chỉ cần tra google với tên một sản phẩm thực phẩm chức năng cụ thể, kết quả sẽ hiện lên hàng loạt các website của các nhà phân phối sản phẩm trên toàn quốc cùng với các thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng một sản phẩm ấy, chất lượng hay nói đúng hơn là công hiệu của sản phẩm lại được mỗi người quảng cáo một kiểu. Nhưng chung quy đều “chữa bách bệnh” như thần dược.

Như Noni chẳng hạn, một sản phẩm thực phẩm chức năng được chiết xuất theo dạng lỏng từ quả nhàu của Mỹ. Nếu trên trang web: “Tructiep.vn”, chức năng của Noni được quảng cáo: “Hỗ trợ điều trị tim, mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư...” và đặc biệt, điều trị cơ quan nội tạng nào, phải uống theo một giờ nhất định thì trên “queencafe.com.vn”, Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng Việt Pháp, cơ quan phân phối sản phẩm này lại đăng: Noni có thể hỗ trợ điều trị: bệnh tiểu đường, bệnh viêm khớp, bệnh gout, bệnh gan, thận, bệnh cao huyết áp... Website: www.hocvienvmb.com thì quảng cáo dưới hình thức chia sẻ của những người công tác trong ngành y thông qua trải nghiệm và điều trị của họ bằng sản phẩm Noni.

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng

TS Phạm Huy Quyền, Phó trưởng Bộ môn Miễn dịch, sinh lý bệnh, dị ứng, ĐH Y Hải Phòng, Hội viên Hội Tim mạch học Việt Nam, nguyên Phó trưởng khoa Nội tổng hợp và Khoa Tim mạch Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng nhận định trên website: “Sản phẩm chế từ cây Noni đã được ứng dụng điều trị phối hợp cho các bệnh nhân ung thư vòm họng, ung thư buồng trứng sau xạ trị và hóa trị cho kết quả rất đáng khích lệ. Thực phẩm chức năng Noni được chế từ cây Noni của Tập đoàn Quốc tế Tahition Noni International là chất lượng tốt nhất, kết hợp với công nghệ chiết xuất hiện đại của Hoa Kỳ nên rất an toàn...

TS Y khoa Phạm Thị Lý, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh hóa ĐH Y Hải Phòng thì cho biết: “Tôi đã sử dụng Noni cho 4 trường hợp bị Luspus ban đỏ, trong đó có một trường hợp tình trạng rất nghiêm trọng bị bệnh viện trả về từ nước Nga thì hiện nay trường hợp này đã chống gậy đi được. Còn 3 trường hợp kia đã hồi phục hoàn toàn”.

Bác sĩ Đông y Phạm Tuấn Anh còn “lạc quan” hơn nữa khi thông báo về tác dụng của Noni: “Tôi là bác sĩ lâm sàng đã sử dụng Noni để hỗ trợ điều trị và kết quả thật tuyệt vời, nhất là những trường hợp mãn tính như sơ gan cổ trướng, u gan, u tuyến vú, pakinson... Có những trường hợp rất trầm trọng mà các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa gần như đã từ chối, vậy mà khi sử dụng Noni lại cho kết quả không thể ngờ được...”.

Tương tự, Vision, một loại thực phẩm chức năng của Pháp, theo nội dung đăng trên websie: thucphamchucnangtot.com: sản phẩm được chiết xuất từ tre, củ cây konjac (ở Nhật Bản), vỏ các loại giáp xác như tôm, cua... và mang lại hơn... 30 công hiệu cho đủ các loại bệnh từ tim mạch, bồi bổ thần kinh, thị giác, móng tay, làm đẹp tóc, da đến tăng cường tuổi thọ, nâng cao khả năng hoạt động cho đối tượng đang tuổi trưởng thành, khả năng sinh lý... Nhưng nhatrang.jaovat.com lại viết: Vision có thể điều trị các bệnh đau đầu, nhức mỏi, ung thư, dị ứng, giảm cân... Còn trên visionvina.com tổng hợp thì chỉ có 13 tác dụng nhất là đối với các bệnh thần kinh, tim, mạch, phục hồi thị giác, làm đẹp da dẻ của phụ nữ...Merro, một sản phẩm của Trung Quốc cũng được quảng cáo có tác dụng cho 13 loại bệnh như tim, phổi, ung thư, khớp, huyết áp, hỗ trợ sau xạ trị, hóa trị...

 “Made in USA” có nguồn gốc... Hải Dương

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, hiện trên thị trường Việt Nam có khoảng 10.000 sản phẩm thực chức năng do 1.800 doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước. Với các sản phẩm này, hầu hết đều được quảng bá rộng rãi và với nội dung như trên đây.

Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chưa bàn đến nội dung đó đúng hay sai, bởi ngay ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã thừa nhận: Chúng ta chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh một cách cụ thể và chính thống về những công hiệu của thực phẩm chức năng. Mà từ trước tới nay ngành y tế chỉ kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm chứ không thử nghiệm lâm sàng, trừ hai sản phẩm: sâm Alipas và Angela đã được thực hiện tại Bệnh viện Việt - Đức và Phụ sản Trung ương.

Trong khi theo nguyên tắc những gì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người thì phải thử nghiệm lâm sàng trước khi cho phép sản phẩm tung ra thị trường. Nhưng kể cả khi chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh công hiệu của thực phẩm chức năng thì cách quảng cáo sản phẩm theo kiểu mạnh ai người ấy nói và mỗi người nói mỗi kiểu đã làm cho chất lượng thực phẩm chức năng thật đáng nghi ngờ.

Cũng cần nói thêm, những công hiệu ấy không chỉ được quảng cáo trên website của các doanh nghiệp kinh doanh mà còn qua các kênh bán hàng là cửa hàng thuốc, những người phân phối trực tiếp theo hình thức bán hàng đa cấp, trên nhãn của sản phẩm, thậm chí trực tiếp từ bác sĩ...

Người dân ở Triệu Sơn, Thanh Hóa đang chờ để nghe “tiếp thị” và mua thực phẩm chức năng

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi với vai trò điều trị, hướng dẫn, chỉ định sử dụng dược phẩm cho bệnh nhân, vậy mà nhiều bác sĩ, dược sĩ đã lợi dung uy tín của mình để “tiếp tay” cho hành động kinh doanh nhằm mục đích trục lợi là chính của các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng. Hành động này cần phải lên án và xử lý.

Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, đơn vị trực tiếp cấp phép lưu hành thực phẩm chức năng, theo thời gian, số vụ vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng tăng lên đáng kể. Tính đến nay những vụ vi phạm như vậy chiếm 53% trong tổng số các sai phạm về thực phẩm chức năng. Còn riêng 10 tháng năm 2012, trong số 1.011 hồ sơ đăng ký mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận được thì có tới 90% phải điều chỉnh do nội dung quảng cáo không đúng như tác dụng của sản phẩm.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Chủ yếu các sản phẩm nói “vống” lên, chữa được đủ các loại bệnh, trong đó có thực phẩm chức năng còn quảng cáo chữa được ung thư, HIV”.

Cụ thể, một trường hợp sai phạm điển hình đã bị Sở Y tế Hà Nội xử lý trong đợt thanh tra kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn. Đây là Công ty TNHH Thanh An, trụ sở tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội chuyên kinh doanh sản phẩm viên rong biển. Nếu theo chứng nhận của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, viên rong biển do thành phần chỉ có rong biển, tinh bột sắn và citric acid nên chỉ tốt cho người suy nhược cơ thể. Ngoài ra, có thể cung cấp một chất xơ tự nhiên cao nhằm giúp ổn định hệ tiêu hóa, nhất là đại tràng. Thế mà Công ty Thanh An lại quảng cáo hết sức “vô tiền khoáng hậu”: “Bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, chống loãng xương, táo bón, lợi tiểu, trĩ, ngăn ngừa chứng huyết khối tác nhân gây tắc nghẽn mạch máu, phòng chống ung thư dạ dày, chống bướu cổ, viêm gan B...”.

Tuy nhiên, quảng cáo một cách “đại ngôn” dẫn đến nhiễu loạn thông tin về chất lượng sản phẩm xem ra lại không nghiêm trọng bằng việc các chỉ số, hàm lượng có trong thành phần sản phẩm được ghi một đằng nhưng thực tế lại một nẻo. Ông Trần Quang Trung dẫn chứng: “Có loại thực phẩm chức năng, hàm lượng vitamin C chỉ có 50gr nhưng khi in nhãn dán trên sản phẩm lại đề tới tận 500gr”!

Một sự vụ mà ông Trung cũng không quên kể ra ấy là 100 thùng bìa các tông đựng thực phẩm chức năng đã được đóng gói với đủ nhãn mác vitamin E, glucosamin, arginin... của Công ty TNHH Liên doanh Takeda Việt Nam, nằm trên đường Nguyên Hồng, Hà Nội. Các sản phẩm này sau khi kiểm tra đã không đủ thành phần và tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký bởi thực tế chúng được mua ở... Hải Dương. Sau đó, mang về được công ty dán nhãn của... Mỹ. Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Gia cũng đã vi phạm tương tự khi mua hàng chục loại thực phẩm chức năng của Trung Quốc nhưng khi phân phối ra thị trường lại đề... “made in USA”.

Theo ông Trần Đáng, hiện có tới 1/3 thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng, 30% không đạt yêu cầu về hoạt chất. Tuy nhiên, con số này có thể còn hơn nữa, bởi ông Trần Đáng thừa nhận: “Lâu nay, chúng ta có kiểm tra chất lượng thì cũng chỉ loanh quanh về mức độ an toàn của sản phẩm với các chỉ số: kim loại nặng, nấm mốc chứ hầu như chưa kiểm tra được hoạt chất”. Trong khi theo quy định của Bộ Y tế, việc cho tân dược (hay còn gọi là hoạt chất) vào thực phẩm chức năng là hành vi trái phép và hành vi này đã từng được bộ phát hiện và xử lý nhiều lần.

Để giải thích cho sự việc trên, có ý kiến cho rằng, phải chăng do hiện trong nước chưa có dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn mà phải sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc nên chất lượng thực phẩm chức năng cũng bị ảnh hưởng? Nhưng ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã khẳng định: “Dù vì nguyên nhân gì hay dưới góc độ nào thì sản xuất thực phẩm chức trên dây chuyền sản xuất thuốc là vi phạm nguyên tắc. Bởi sản xuất như vậy, có thể gây nhiễm các thành phần từ dược phẩm sang sản phẩm thực phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng”. Ông Cường cũng cho biết thêm: Sở Y tế Hà Nội đã từng đình chỉ sản xuất thực phẩm chức năng của một công ty dược vì đã sản xuất sản phẩm này trên dây chuyền sản xuất thuốc.

Trong tình trạng chất lượng thực phẩm chức năng không bảo đảm như hiện nay, theo ông Trần Đáng, không có cách nào khác là phải “hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng về thực phẩm chức năng” như chủ đề mà Bộ Y tế đã từng đưa ra trong Tháng Hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với người tiêu dùng.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.