Nhận định chứng khoán: Vẫn sẽ là thế giằng co!

11:00 | 03/02/2013

684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Petrotimes xin giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường tuần từ 4-8/2.

Khó có biến động mạnh trên sàn chứng khoán.

Xem xét kỹ các khoản mua bán

(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB – MBS)

“Hai sàn phục hồi nhẹ phiên cuối tuần nhưng khối lượng giao dịch giảm liên tục cho thấy thị trường khá thận trọng. Đuôi của cây nến vừa chạm tới Gap 470-475 rồi bật lên. Có thể thấy Gap này đang đóng vai trò hỗ trợ với thị trường. Trong chiều ngược lại, mức kháng cự gần nhất của VN-Index là 492,4 điểm.

Các chỉ báo của HNX-Index cũng khá giống VN-Index. RSI tăng nhẹ nhưng SO giảm xuống dưới vùng quá mua. Các chỉ báo không đưa ra tín hiệu xác nhận cho phiên tăng điểm ngày 1/2. Trong chiều tăng, mức kháng cự gần nhất của Hnxindex là 64. Trong chiều giảm mức hỗ trợ gần nhất của HNX-Index là 59,2 điểm. Mức hỗ trợ thứ hai của HNX-Index là 57,7 điểm.

Theo MBS, các nhà đầu tư nên xem xét kỹ các khoản mua bán và không nên đầu tư quá mức với thị trường hiện tại”.

Đà tăng đối diện vùng cản 485-492 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SSI)

“Cây nến ngày của phiên 1/2 tạo nến White Candle tăng điểm khá ngoạn mục, khối lượng giao dịch ở mức 57,7 triệu đơn vi,̣ giảm 25,5 % so với phiên trước. MACD tiếp tục vận động trên đường tín hiệu. Dòng tiền vẫn chờ trực ngoài thi ̣trường và chưa có dấu hiệu rút đi. Tuy vậy, phiên tăng điểm thiếu vắng khối lượng và cần có thêm phiên tăng điểm với khối lượng cải thiện mạnh để hỗ trợ cho đà tăng phiên 1/2.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index tăng 15,33 điểm với khối lượng gia tăng 38,34% với tuần trước đó. Chúng tôi cho rằng tuần giao dịch tới đà tăng sẽ không nhiều trước vùng cản 485-492 điểm của chỉ số này một lần nữa”.

Chinh phục các ngưỡng kháng cự 493 và 64 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Thị trường tiếp tục trải qua diễn biến điều chỉnh trong nửa đầu phiên giao dịch ½ trước khi cho tín hiệu hồi phục về cuối phiên. Áp lực bán vẫn chủ yếu chỉ xuất hiện tại một số mã bluechips trên sàn Tp.HCM đã tăng nóng trong nhịp trước trong khi nhóm cổ phiếu mang tính thị trường lại tỏ ra khá giữ giá. Diễn biến này giúp thị trường trải qua nhịp điều chỉnh một cách “có trật tự” và tâm lý phía nắm giữ cổ phiếu không chịu quá nhiều sức ép. 

Trong bối cảnh đó, yếu tố dòng tiền ngoại lại một lần nữa xuất hiện vào phiên 3 trên HoSE và đã tạo được sức lan tỏa nhất định sang HNX vào cuối phiên. Hiện tượng này không phải mới xảy ra lần đầu trong nhịp tăng điểm này của thị trường, điểm đáng chú ý là cách giải ngân khá quyết liệt và bền bỉ của khối ngoại đã tạo được niềm tin vào một xu thế tăng trung hạn cho nhà đầu tư trong nước.

Trên phương diện kỹ thuật, đồ thị trong phiên ngày 1/2 cũng đã phát đi những tín hiệu khá tích cực cho thấy khả năng kết thúc nhịp điều chỉnh của cả hai chỉ số. Mặc dù cơ hội xác lập xu hướng tăng trung hạn đang đứng ở mức cao nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận chính thức khi VN-Index và HNX-Index có thể chinh phục các ngưỡng kháng cự then chốt tại 493 và 64 điểm trong tuần tới. Đây sẽ là tín hiệu tiếp tục nắm giữ và tăng tỷ trọng lên mức cao cho các nhà đầu tư theo xu thế. 

Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ không quá muộn cho những nhà đầu tư đến sau có thể tiếp tục tích lũy tại những nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường”.

VN-Index có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ 440 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB – ACBS)

“Việc giao dịch gần mức đỉnh năm ngoái ở 492,44 khiến VN-Index bị bán khá mạnh và có sóng điều chỉnh nhỏ trong tuần qua. Tuy nhiên, lực cầu lớn giúp chỉ số VN-Index không giảm sâu và đóng cửa cao hơn tuần trước đó. Như vậy, breakaway gap vẫn chưa bị lấp lại và là dấu hiệu tích cực. VN-Index có thể kiểm nghiệm lại kháng cự 490 trong tuần này. Vượt 490, chỉ số sẽ tiến tiếp đến mục tiêu 509,28 của tín hiệu Positive reversal của RSI(14) hoặc xa hơn là 530-550.

Mặc dù xu hướng tăng ngắn hạn, VN-Index có thể đang hình thành sóng 5 theo phân tích Elliott. Sóng 5 khó có thể dài và mạnh như sóng 3 trước đó. Ở chiều ngược lại, sự đảo chiều mạnh trong phiên thứ Sáu chủ yếu là do một số mã vốn hóa lớn như BVH, CTG, GAS, VIC, VNM… Nếu breakaway gap nói trên bị lấp lại trong tuần này, nó có thể sẽ trở thành exhaustion gap và là tín hiệu đảo chiều, kết thúc sóng 5 của VN-Index. Theo đó, chỉ số có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ 440”.

Nhà đầu tư ngắn hạn kém lợi thế

(Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC)

“Nếu xu thế mua ròng của khối ngoại không bị giảm sút, chúng tôi cho rằng thị trường trong ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục giằng cơ quanh vùng giá hiện tại. Về trung hạn, thị trường vẫn có cơ hội tiếp tục tăng điểm với sự trợ giúp từ khối ngoại, tuy nhiên mức tăng (nếu có) sẽ không còn lớn và ào ạt như sóng đầu.

Về chiến lược đầu tư, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn sẽ không có lợi thế khi mua vào tại thời điểm này do mức lợi nhuận kỳ vọng hiện không tương xứng với rủi ro ngắn hạn khá cao. Về phía bên nắm giữ cổ phiếu, chúng tôi cho rằng việc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục sẽ giúp nhà đầu tư linh hoạt hơn trong việc xử lí các tình huống diễn biến của thị trường trong thời gian tới”.

Chưa thể thoát khỏi nhịp điều chỉnh

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)

“Đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ bởi sức cầu khối ngoại vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho nhóm cổ phiếu bluechips. Thanh khoản của thị trường vẫn cho thấy dòng tiền đang được duy trì khá tốt và vẫn tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu nhất định. Cùng với đó, tỷ lệ kỹ quỹ 50% cũng đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư đang chờ đợi thị trường điều chỉnh để mua vào. Tuy nhiên, do thời điểm nghỉ Tết nguyên đán đang đến gần nên diễn biến đảo chiều trong phiên hôm nay sẽ khó có khả năng tạo động lực đưa thị trường tiếp tục tăng lên các ngưỡng điểm cao hơn.

Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng thị trường chưa thể thoát khỏi nhịp điều chỉnh và khả năng cao sẽ tiếp tục giằng co quanh vùng đỉnh hiện tại. Trong khi đó, xu hướng của thị trường trung hạn vẫn khá tích cực. Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị mua vào cổ phiếu tại những thời điểm điều chỉnh của thị trường, ưu tiên các mã cổ phiếu chưa tăng nhiều và bám sát diễn biến của sức cầu khối ngoại”.

 

Sẽ là tuần tăng điểm khá hưng phấn

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

TTCK Việt Nam tuần qua có một tuần giao dịch bùng nổ khi chính thức đi vào sóng đẩy 3 Elliot với sức cầu lan tỏa từ các cổ phiếu bluechips đến các cổ phiếu penny trên cả 2 sàn. Thị trường sau khi phát tín hiệu đảo chiều tuần trước qua cụm nến ”morning star“ đã tăng tốc mạnh và chạm ngưỡng kháng cự 490 với khối lượng giao dịch lớn với các phiên giao dịch trong tuần.

Dường như việc giao dịch giáp Tết cũng không làm giảm độ nhiệt của thị trường khi phiên cuối tuần đã bất ngờ đảo chiều đi lên với dòng tiền mua vào lớn. Mốc kháng cự 490 – 492 dường như khá nhạy cảm trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã 3 lần chạm và bật ngược xuống đã tác động không nhỏ đến tâm lý chốt lời của nhà đầu tư trong 2 phiên cuối tuần.

Thị trường tuần qua, ngoài 2 phiên đầu tuần bùng nổ về điểm số và thanh khoản đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh đầu tiên của sóng 3 (cụm 3 nến điều chỉnh nằm trên ngưỡng hỗ trợ 470 – 475). Chúng tôi cho rằng, tuần giáp Tết tới sẽ là tuần tăng điểm khá hưng phấn và có thể chạm ngưỡng 510. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu ở các phiên tăng điểm mạnh. Tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt.

Tiếp tục duy trì xu thế tăng trong ngắn hạn

(CTCK Dầu khí – PSI)

Trong tỷ trọng dòng tiền nước ngoài thì các ETF vẫn thể hiện vai trò chủ đạo trong giao dịch. FTSE Vietnam UCITS ETF có lượng CCQ tăng lên 370.000 CCQ (từ 25 – 30/01/2013); lượng tiền ròng chảy vào ước khoảng 10 triệu USD. Đối với VNM ETF, trong cùng khoảng thời gian này tài sản ròng vẫn tăng thêm 13,7 triệu USD. Các giao dịch ròng từ 2 quĩ ETF này vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo so với lượng mua ròng của khối ngoại trên toàn thị trường.

Các công cụ kỹ thuật chưa cho thấy một diễn biến tiêu cực nào trên chỉ số VN-Index. Sự kiểm chứng lại 470 điểm thậm chí sẽ là một tín hiệu tích cực trong trường hợp VN-Index tăng vượt mốc 490 điểm. Ở chiều ngược lại, HNX-Index có vẻ như chưa sẵn sàng bước vào một sóng tăng ngắn hạn. Dòng tiền yếu cùng với áp lực bán ở vùng giá cao tương đối mạnh khiến chỉ số tiếp tục duy trì trạng thái dao động với mức kháng cự gần nhất tại 63,8 điểm.

Trong tuần mới, thị trường có thể tiếp tục dao động một vài phiên đầu tuần, tuy nhiên, có khả năng cao là giao dịch từ khối ngoại sẽ tích cực trở lại và chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục duy trì xu thế tăng trong ngắn hạn. HNX-Index dao động hẹp trong vùng 60 – 63,8 điểm. Khi NĐTNN có dấu hiệu mua ròng mạnh trở lại, NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên các cổ phiếu đang được khối ngoại mua ròng mạnh.

Quan sát động thái nhà đầu tư nước ngoài

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Phiên giao dịch cuối tuần các chỉ số bất ngờ lấy lại sắc xanh trong đợt khớp lệnh đóng cửa nhờ lực cầu tích cực đến từ khối NĐT nước ngoài. Thông tin về chỉ số PMI được công bố vào giữa phiên sáng nhưng không tạo được hiệu ứng đáng kể lên thị trường cho đến khi dòng tiền khối ngoại đẩy giá của các cổ phiếu bluechips tăng điểm trở lại giúp VN-Index tăng điểm và tạo hiệu ứng lan tỏa sang sàn HNX. Hiện tại dòng tiền của khối ngoại đang là một ẩn số đối với các NĐT trong nước, mặc dù là động lực nâng đỡ chỉ số song chúng tôi nhận thấy dòng tiền từ NĐT nước ngoài đang có dấu hiệu suy yếu.

Chúng tôi kỳ vọng vùng biến động của chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 480-490 điểm trong tuần giao dịch kế tiếp. Đứng trên quan điểm thận trọng. chúng tôi khuyến nghị NĐT dài hạn nên đứng ngoài quan sát, đối với các NĐT lướt sóng có thể tận dụng các đợt giải ngân của khối NĐT nước ngoài để thực hiện chiến lược mua thấp-bán cao. Việc quan sát động thái giao dịch của khối ngoại là cực kỳ cần thiết bởi nếu như dòng tiền từ NĐT nước ngoài tiếp tục lặp lại việc nâng đỡ chỉ số thêm một thời gian nữa thì khi dòng tiền này giảm bớt, rủi ro với NĐT sẽ tăng cao đặc biệt là trong điều kiện biên độ dao động đã được nới rộng và tỷ lệ margin đã chính thức được nâng lên 50:50.

Thanh Ngọc