Nhận diện những lực đẩy chứng khoán

10:42 | 04/06/2011

318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cổ đông nội bộ tăng mua vào, quy chế giao dịch mới thông thoáng hơn, khối ngoại đỡ cổ phiếu chủ chốt…, tất cả đang giúp cho thị trường có được những sinh khí mới.

Phiên giao dịch ngày 1/6, thị trường tăng điểm với nhiều mã chứng khoán tăng giá trần, nhất là các mã dẫn dắt như SSI, HCM…, khiến nhiều NĐT cũng như giới phân tích thị trường ngạc nhiên. Tối hôm trước, hầu hết bản tin của các CTCK đều tỏ ra bi quan với thị trường, sau khi chỉ số chứng khoán ngày 30/6 giảm về mặt bằng giá của ngày 26/5, ngày mà thị trường đã chạm đáy sau hơn 10 phiên giảm liên tiếp và bật tăng trở lại.

Tuy nhiên, bản thân thị trường đã xuất hiện các yếu tố đẩy tăng trở lại và xuất hiện thêm lực đẩy mới khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư cho phép NĐT mở nhiều tài khoản, mua bán chứng khoán có sẵn trong tài khoản cùng một phiên và hợp thức hóa giao dịch ký quỹ (margin).

Tâm lý hoảng loạn của thị trường trước áp lực bán giải chấp và bán khống đã được trấn an bởi tin cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu, công ty niêm yết đăng ký mua cổ phiếu quỹ được đưa ra dồn dập trong tuần cuối cùng của tháng 5 và tiếp tục trong tuần đầu tháng 6.

Theo thống kê của CTCK HSC, trong tháng 5, đã có 412 cổ đông nội bộ từ 205 công ty công bố mua vào cổ phiếu, với tổng giá trị là 3.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 41 công ty công bố mua cổ phiếu quỹ, với tổng giá trị khoảng 565 tỷ đồng. Những giao dịch này sẽ được thực hiện từ nay cho tới tháng 9/2011.

Nhưng khi cổ phiếu giảm về mức giá thấp thì lực đẩy tăng được cho là xuất phát từ chính nội tại của thị trường. Thực tế, ở mức giá ngày 26/5, nhiều cổ phiếu sau khi chạm giá sàn đã bật tăng trở lại nhờ lực cầu bắt đáy và nhiều NĐT sẵn sàng giải ngân tiếp khi giá cổ phiếu giảm trở lại. Mức độ rẻ của giá cổ phiếu được hầu hết các ý kiến đồng thuận, mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng, dù nhiều cổ phiếu giảm về mức P/E bằng 5 thì thị trường vẫn có thể rẻ hơn, do nguy cơ suy giảm lợi nhuận theo quý của các công ty niêm yết.

Về các yếu tố vĩ mô, lạm phát theo tháng giảm và chưa tăng giá điện là những tín hiệu tốt cho TTCK, dù chưa đủ sức để tạo thành lực đẩy đáng kể. Và trong khi yếu tố vĩ mô quan trọng khác chưa có nhiều biến chuyển như lãi suất vẫn cao, thời hạn 30/6 để giảm dự nợ phi sản xuất xuống tỷ lệ 22% của các ngân hàng không được giãn…, thì TTCK ngày hôm qua (2/6) có sự do dự của nhiều NĐT khi lệnh mua vào khá đặt dè dặt trong những phút đầu giao dịch. Nhưng tâm lý e dè đã bị gạt bỏ và thay vào đó là tâm lý hứng khởi khi các lệnh đặt mua được đưa vào, khớp dần các lệnh bán với giá thấp hơn giá trần và lệnh mua giá trần dần tăng cao, khiến hàng loạt cổ phiếu trắng bảng bên bán. Kết thúc phiên, VN-Index tăng 14,9 điểm (+3,42%), đạt 450,59 điểm.

Thị trường được tiếp sức bởi thông tin mới là chiều ngày 1/6, Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 74 hướng dẫn giao dịch chứng khoán, trong đó có những nội dung mới là cho phép margin, NĐT được mở nhiều tài khoản và mua bán chứng khoán trong cùng một phiên. Thông tin này được xác nhận vào ngày hôm sau (2/6) từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi thị trường đóng cửa. Thực tế, vào lúc 9h30, tin này đã được nhiều NĐT truyền tai nhau, khiến lực cầu tăng cao, với hy vọng không bỏ lỡ một con sóng của thị trường. Kết thúc phiên, trên sàn TP. HCM, tổng khối lượng giao dịch đạt 34 triệu cổ phiếu.

CTCK SME trong bản báo cáo nhận định về thị trường tháng 6 đã dự đoán: "Nếu thanh khoản của thị trường cải thiện trong những ngày đầu tháng 6 và trở lại giao dịch với 30 triệu cổ phiếu/phiên, thì đó chính là lời khẳng định chắc chắn của sự kết thúc chu kỳ giảm giá vừa qua”.

Tuy nhiên, nghi ngờ lớn nhất của NĐT lúc này là thị trường đi lên sẽ tạo cơ hội để thoát hàng, thực hiện giải chấp cổ phiếu của một số CTCK và khách hàng đang vay nợ. Nếu thế, NĐT sẽ mắc vào bẫy tăng giá khi mua ở thời điểm này.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, nếu như áp lực giải chấp giảm bớt, cộng với thị trường tăng điểm, thì nhiều khả năng sẽ không còn cơ hội cho NĐT mua cổ phiếu giá thấp như vài phiên vừa qua, thậm chí mua trong một vài phiên tăng giá tới vẫn được coi là rẻ với những cổ phiếu mà P/E năm 2011 đang ở mức 3 – 4 lần.

Ngày 1/8 là thời điểm mà Thông tư 74 có hiệu lực. Sử dụng margin, cho NĐT mở nhiều tài khoản chỉ là hợp thực hóa thực tế. Riêng việc cho phép mua bán cùng phiên cổ phiếu có sẵn trong tài khoản là yếu tố mới giúp tăng thanh khoản. Hiện nay, để mua bán một chứng khoán cùng phiên, NĐT chỉ có thể dùng hai tài khoản, nhưng sắp tới sẽ được mua bán ở cùng một tài khoản.

Đến thời điểm 1/8 cũng là lúc tốc độ lạm phát được nhận định là có dấu hiệu giảm rõ ràng hơn và chu kỳ thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao đã đi được hơn một nửa quãng đường. Lúc đó, nếu những tin tốt về vĩ mô hội tụ sẽ giúp TTCK tăng trưởng bền vững hơn.

ĐTCK