Cách mạng Công nghiệp 4.0:

Nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

07:00 | 29/04/2017

2,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp thế hệ 4.0 được hiểu là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).  
nhan dien cuoc cach mang cong nghiep lan thu tu

Thế giới đã chứng kiến 3 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ tư với những thay đổi dựa trên các tiến bộ về công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ nano, những lĩnh vực cần có nền tảng chuyên sâu… Đối với từng cuộc cách mạng, thế giới đón nhận thêm nhiều cơ hội mới, nhưng thách thức cũng không ít.

Trong khuôn khổ cuộc cách mạng thứ tư, con người sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi thứ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, cũng như đặt câu hỏi về vai trò thực sự của con người trong tương lai.

Thực tế, chúng ta đang được hưởng lợi từ rất nhiều sản phẩm của cuộc cách mạng này như thanh toán trực tuyến, ứng dụng đặt xe Uber hay Grab, sống trong căn hộ thông minh... Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau, dựa trên nền tảng của 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từng diễn ra trong lịch sử:

Cách mạng công nghiệp được bắt đầu ở nước Anh từ nửa cuối của thế kỷ 18. Tính cho đến nay, trên thế giới đã diễn ra ba cuộc cách mạng công nghiệp, trong đó mỗi cuộc cách mạng đều nổi bật với sự thay đổi về bản chất sản xuất và sự thay đổi này mang đậm dấu ấn của các đột phá trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18. Đây là cuộc cách mạng ghi dấu ấn với phát minh động cơ hơi nước. Với phát minh này, con người dần thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19. Khi đó, bản chất của sản xuất thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy năng lượng điện. Năng suất tăng nhiều lần so với sử dụng động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu từ những năm 1970, được đánh dấu bằng phát minh bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới với nhau. Được biết, vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ được ra đời từ cuộc cách mạng này.

nhan dien cuoc cach mang cong nghiep lan thu tu

Lần đầu tiên, khái niệm công nghiệp 4.0 được đưa ra tại Hội chợ Hannover hồi năm 2011, hướng đến mục tiêu nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống nước Đức. Bên cạnh đó, các nước phát triển trong vài năm qua cũng có cho riêng mình các chương trình chiến lược về sản xuất, trong bối cảnh thế giới ghi nhận những tiến bộ vượt bậc về khoa học - công nghệ.

Thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra từ những năm 2000 với tên gọi “cuộc cách mạng số” với các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động...

Năm 2013, cụm từ “Công nghiệp 4.0” nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận từ một báo cáo của Chính phủ Đức nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không có sự tham gia của con người.

Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Điển hình, với sự xuất hiện của các robot sở hữu trí tuệ nhân tạo, có thể làm việc 24/24, không cần trả lương, bảo hiểm… sẽ đe dọa trực tiếp tới cơ hội việc làm của người lao động. Trong tương lai, những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể hoàn toàn thay thế con người như dệt may, dịch vụ, giải trí, y tế, giao thông, giáo dục...

Đối với một số quốc gia như Việt Nam, ưu thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, nhân công giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng.

T.Quân (Tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc