Nhạc sư Vĩnh Bảo và nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân được tôn vinh

11:47 | 25/03/2015

2,492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nay Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh tiếp tục tôn vinh những con người xuất sắc đã và đang có những nổ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục nước nhà, trong đó có nhạc sư Vĩnh Bảo và nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân. Lễ trao giải diễn ra tối 24/3 tại TPHCM.

Năm nay đã 98 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những cây đại thụ của âm nhạc truyền thống Nam bộ. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Nếu Phan Huy Vịnh ca ngợi người kỹ nữ tài ba “học đàn từ thưở 13”, thì còn sớm hơn, Nguyễn Vĩnh Bảo học đàn từ năm lên 7, và từ đó, gần tròn 90 năm từng ngày gắn bó với đờn ca tài tử Nam Bộ như chưa từng có bất cứ một người nào làm được như thế. Ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật độc đáo này”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đàn Tranh và đàn Kìm (đờn nguyệt) “có ngón đàn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc”, đã từng hòa đờn cùng các danh cầm lớn nhất, biết rõ lai lịch của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư cả miền Nam. Còn nhà nghiên cứu âm nhạc, GS.TS Nguyễn Tuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải nhạc sư Vĩnh Bảo

Không những thế, nhạc sư Vĩnh Bảo còn là nhà sáng tạo nhạc khí tài năng; là tác giả đầu tiên của cây đàn tranh 17 dây (để về sau có thêm những cây đàn tranh 19, 21, 25 dây). “Đờn tranh Vĩnh Bảo” hoàn chỉnh, đặc sắc, nổi tiếng đến mức được nhà thanh học lừng danh Émile Leipp coi là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thanh học (accoutisme) và thậm chí được sánh với Violon Stradivarious huyền thoại của phương Tây.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cho chúng ta những bài học thật sâu sắc: “Bảo vệ không phải là gìn giữ khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có hàng trăm học trò trong nước và trên khắp thế giới; cách truyền dạy của ông cũng rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn lối truyền khẩu, truyền ngón dân gian Việt Nam với lối dạy hiện đại hàm thụ qua thư từ và internet, hoặc giảng dạy trực tiếp ở nhiều trường đại học nước ngoài, Paris, Tokyo, Singapour, Illinois... Năm 2008, Tổng thống Pháp đã trao tặng nhạc sư Vĩnh Bảo Huy chương Officier des Arts et des Lettres, Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương.

Giải nghiên cứu, năm nay trao cho nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân vì những công trình nghiên cứu xuất sắc về Biển Đông. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Dường như giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh có một truyền thống đáng quý: nó đã giữ mình không bị thu hút vì những vẻ ngoài ồn ào, mà ngược lại thường tìm đến những nhân vật đặc sắc mà lẫn khuất. Năm nay giải nghiên cứu của chúng ta rất vui mừng được trao cho một người mà chắc giới nghiên cứu và học thuật rất ít khi được gặp mặt, học giả Phạm Hoàng Quân”.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sống tại Cai Lậy, Tiền Giang, lặng lẽ sống và lặng lẽ làm việc suốt hai mươi năm nay. Ông tập trung vào một đề tài nóng bỏng: Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. “Dường như độc lập, độc đảm là đặc điểm nổi bật của Phạm Hoàng Quân. Hầu như hoàn toàn tự học, chẳng có bao nhiêu bằng cấp, nhưng ông nắm chắc, am hiểu sâu sắc cổ ngữ Hán Nôm để có thể bao quát được nhiều sử liệu Trung Quốc, dùng chính lời của họ, sử liệu của họ để bẻ gãy ngụy luận của họ; lại đọc rộng trong tất cả các nguồn tư liệu khác, chăm chú nghiên cứu các công trình của những người đi trước; kết hợp với những chuyến tự mình khảo sát thực địa ở hầu khắp các tỉnh ven biển miền Trung, Phạm Hoàng Quân đã hoàn tất công trình “Hoàng Sa – Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc” dày gần 400 trang, gồm 14 bài nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, sắc bén, có thể đưa ra đối thoại, tranh luận trên các diễn đàn quốc tế.

Ban tổ chức giải khẳng định những nghiên cứu của Phạm Hoàng Quân đi từ phân tích tổng quan đến khảo cứu những sử liệu tiêu biểu trong chính sử, phương chí, địa đồ… chứng minh rằng từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh Trung Quốc chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vùng Biển Đông Việt Nam. Trong đêm nhận giải thưởng, Phạm Hoàng Quân đã chia sẻ những khó khăn, trắc trở khi nghiên cứu độc lập và cả những điểm thú vị tuyệt vời của người nghiên cứu độc lập.

Cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo, năm nay nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm cùng nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục vì những hoạt động canh tân giáo dục; giải Dịch thuật được trao cho dịch giả Nguyễn Nghị vì những thành công trong việc chuyển ngữ các tác phẩm kinh điển và giải Việt Nam học được trao cho GS Keith Weller Taylor (Mỹ) vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Những nhà văn hóa xuất sắc được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8

Điểm mới của giải thưởng năm nay được Ban tổ chức Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh công bố là dự án “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” được triển khai. “Ngôi đền” này nằm trong sứ mệnh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm: du nhập, phục hưng, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.

Cơ sở của việc bình chọn này là mỗi danh nhân trước khi bình chọn đều được một chuyên gia nghiên cứu sâu lập hồ sơ văn hóa, bao gồm một tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân… Hồ sơ này được lưu trong thư mục của từng danh nhân tại địa chỉ "ngôi đền" này.

Năm nay, 3 danh nhân văn hóa Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Trương Vĩnh Ký được vinh danh ở “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.

Thiên Thanh (tổng hợp)