Nhạc sĩ Xuân Oanh và bài hát “19 tháng 8”

12:21 | 17/08/2012

5,829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong giới sáng tác âm nhạc, có những người luôn tự cho mình là nhạc sĩ chuyên nghiệp và khoe số lượng tác phẩm tới dăm bảy trăm, nhưng không có một bài hát nào được công chúng biết đến. Trong khi đó, có người ngược lại, luôn chỉ nhận mình sáng tác nghiệp dư, song, đã có những tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian. Xuân Oanh là người như vậy.

Phần lớn nhất cuộc đời công chức của Xuân Oanh dành cho công tác ngoại giao. Từ năm 1950, đang làm báo, ông chuyển sang công tác tại Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Sau ngày hòa bình lập lại (1954 ), ông đảm trách cương vị Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban này cho tới khi về hưu.

Tuy tự học nhưng Xuân Oanh là người thông tuệ, có vốn kiến thức văn hóa và âm nhạc phong phú. Về âm nhạc, ngoài bài 19 tháng 8 rất nổi tiếng, mỗi dịp mùa thu về là khắp nơi lại vang lên âm điệu sôi nổi, tươi sáng, hân hoan của bài ca này khiến cả dân tộc được sống lại những giây phút hào hùng nhất của lịch sử đất nước, ông còn có nhiều bài được công chúng ưa thích: Quê hương anh bộ đội, Ngôi sao thế kỷ, Hà Nội ở Lâm Đồng, Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa, Ca mừng chế độ ta tươi đẹp…

Người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội

Ngoài sáng tác nhạc, Xuân Oanh còn làm thơ và vẽ. Những tác phẩm hội họa và thơ của ông tuy không xuất bản, chỉ để “chơi” theo lời ông nói nhưng rất có cá tính sáng tạo, có chất lượng cao về tư tưởng và thẩm mỹ. Với vốn tiếng Pháp và Anh vững vàng, Xuân Oanh còn là một dịch giả. Ông đã mang đến cho bạn đọc Việt Nam một số tác phẩm văn học có giá trị của thế giới như Tuổi sắt đá của J.M. Coetzee và Phía sau tình yêu của Kate Coscarellli. Qua những bản dịch, thấy rõ Xuân Oanh chẳng những tinh thông ngoại ngữ mà còn rất am hiểu tiếng Việt như một nhà ngôn ngữ chính hiệu.

Song, nói đến Xuân Oanh là phải nói đến sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông mà tiêu biểu nhất, làm nên tên tuổi ông, có giá trị để đời chính là bài hát nổi tiếng 19 tháng 8. Chỉ với bài hát này đã đủ xếp ông vào hàng những nhạc sĩ cách mạng lớn của Việt Nam. Lúc sinh thời, có lần ông đã kể về sự ra đời rất độc đáo của bài 19 tháng 8: “Tôi sinh năm 1922 trong một gia đình thợ mỏ nghèo ở vùng Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay), trưởng thành đúng lúc phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa đang phát triển rất mạnh. Năm 1944, tôi lên sinh sống ở Hà Nội. Được nhà văn Nguyễn Đình Thi hướng dẫn, tôi làm công tác tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Công việc cụ thể là đi phát hành báo Hồn nước, Cờ giải phóng. Tuổi trẻ chúng tôi khi ấy rất sôi nổi và hồn nhiên. Được tham gia cách mạng là cảm thấy sung sướng và vinh hạnh lắm. Ngoài thời gian làm công việc trên, tôi phải lo kiếm sống bằng đủ nghề: dạy học tư, tập vẽ mẫu quần áo, vẽ biển quảng cáo, kẻ chữ, có khi còn sửa chữa giày dép. Bài hát 19 tháng 8 là sự việc hết sức thú vị đến với tôi. Những ngày tháng ấy, không một người Việt Nam nào có thể ngồi yên trước không khí sục sôi cách mạng ở khắp mọi nơi, nhất là ở Hà Nội và các thành phố lớn. Đang ngồi trong nhà, thấy mọi người đi thành từng đoàn, thế là tôi bước xuống đường, hòa theo. Sáng ngày 19/8/1945, từ khắp các cửa ô ở Hà Nội, những đoàn người rầm rập mang theo cờ, biểu ngữ tiến về phía Nhà hát lớn. Tôi nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên trung tâm thành phố. Không thể nào diễn tả được tâm trạng, tình cảm của tôi khi ấy – giờ phút cùng bà con sắp tạo nên một chấn động lớn lao cho lịch sử. Vốn yêu âm nhạc và thích ca hát, tôi bèn nghĩ tới việc sáng tác một bài ca để đánh dấu sự việc trọng đại này. Vì đúng ngày 19 tháng 8 nên tôi nghĩ ngay: Đây rồi, cần chi phải nghĩ tên bài hát làm gì nữa, lấy luôn tên 19 tháng 8 là tiện nhất. Thế là tôi sáng tác ngay trên đường. Vừa đi vừa sáng tác. Được câu nào, hướng dẫn luôn cho những người đi xunh quanh cùng hát. Xong câu trước lại tiếp câu sau đến hết bài. Dạy truyền khẩu từng câu như thế, nếu họ hát khó khăn chỗ nào là tôi thay đổi lại để ai cũng có thế dễ dàng hát được mới thôi…”

Ông cho biết thêm là khi dạy mọi người hát, họ đã tiếp thu rất dễ dàng và ông cũng đề nghị họ góp ý để sửa chữa lời ca nhưng ai cũng nói là đã ổn, không cần phải sửa gì. Thế rồi chỉ vài ngày sau, ông đã nghe bài hát của mình lan truyền rất nhanh. Tác giả vô cùng sung sướng, đã rất nhiều lần không cầm được nước mắt khi nghe đồng bào khắp nơi hát bài của mình trong những ngày sôi động nhất. Ông không nghĩ rằng, một chàng thanh niên chưa có kiến thức âm nhạc gì ngoài sự ham thích và chỉ võ vẽ chút ký âm, biết các nốt Đồ, Rê, Mi…, sáng tác rất “bản năng” (từ Xuân Oanh dùng), lại có thể viết được bài hát khiến hiều người thích thú đến thế. Rồi bài hát cứ thế lan truyền khắp cả nước. Những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 là lại được vang lên ở khắp nơi cho đến sau ngày hòa bình lập lại (1954), Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam mới tiến hành thu thanh và phát sóng.

Vậy là 19 tháng 8 đã ra đời ngay trong lòng cách mạng, trong lòng quần chúng nhân dân với nghĩa đen của những từ này. Lời lẽ của bài không một chút cầu kỳ, tô vẽ mà mộc mạc, giản dị như cảm xúc, ý nghĩ của hàng triệu người Việt Nam khi ấy: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Nguyện đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. 19 tháng 8 khi khối dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô: mau diệt tan hết quân thù chung…”. Chính vì yếu tố này mà ca khúc đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của mọi người.

Về bài hát này, có thể thấy rõ mấy… “kỷ lục”: Như đã nói, được viết trong thời gian nhanh nhất và ra đời độc đáo nhất (trên đường đi, không có giấy bút, chỉ sáng tác lẩm nhẩm trong miệng, trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Sáng tác xong, không sửa lại gì). Lan truyền sớm, nhanh nhất (chỉ vài ngày sau khi ra đời đã truyền đi rất nhanh, rất rộng). Đến nay, số người biết có lẽ chỉ xếp sau 2 bài Chào cờNhư có Bác trong ngày đại thắng. Một bài hát lớn như vậy mà tác giả chưa từng nhận được một khoản tiền nào gọi là nhuận bút, bản quyền ở đâu (đã in trong hàng trăm tập sách, hàng nghìn tờ báo, phát trên các làn sóng tới cả triệu lần suốt gần 70 năm qua, xuất hiện trên mọi sân khấu hoành tráng những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 hàng năm…) Và cuối cùng là bài hát có cái tên độc đáo nhất: Lấy luôn ngày sáng tác (đồng thời là ngày diễn ra sự kiện trọng đại của dân tộc) làm tên.

Xuân Oanh càng lớn lao, càng được công chúng yêu mến khi ông luôn nói với các nhà báo mỗi lần đến thăm, phỏng vấn ông: “Xin các bạn nhớ tôi là cán bộ ngoại giao, chứ không phải nhạc sỹ. Còn bài 19 tháng 8 thì tôi chỉ là một thư ký ghi lại cảm xúc cùa cả dân tộc, nhưng ghi bằng âm thanh”.

Tôi thường xuyên lui tới thăm Xuân Oanh, được ông coi là bạn vong niên. Nhớ một lần gặp khi ông đã yếu, mặc dù mạch nói chuyện nhiều lúc phải ngừng trong ít phút do mệt, nhưng ông vẫn tỏ ra hào hứng mỗi khi nói về âm nhạc, về sáng tác, về văn học nghệ thuật. Ông đã có cách nhìn nhận khá sắc sảo và chuẩn xác về đời sống âm nhạc hiện tại. Ông nói: “Đời sống âm nhạc nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là trong hoạt động thanh nhạc nên tôi chỉ xin nói cảm nghĩ về lĩnh vực này. Thời cuộc bây giờ đã khác xa ngày trước. Công cuộc đổi mới đất nước với yêu cầu hội nhập cùng thế giới dĩ nhiên là kéo theo nhiều biến đổi trong văn hóa, nghệ thuật. Và trình độ thưởng thức của công chúng, của giới trẻ bây giờ cũng khác. Nhưng tôi nghĩ rằng dù đổi mới thế nào, dù tiên tiến, hiện đại đến đâu cũng không thể để mất đi bản sắc dân tộc – những nét độc đáo chỉ riêng Việt Nam ta mới có. Việt Nam muôn đời vẫn phải là Việt Nam, chứ không thể lẫn lộn với bất cứ nước nào. Bộ comp-le của đàn ông Việt Nam có thể chẳng khác gì đàn ông các dân tộc trên thế giới – vì đã trở thành trang phục chung của quốc tế, nhưng tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, dứt khoát phải rõ chất Việt Nam. Do yêu cầu của công tác ngoại giao mà tôi từng có dịp đặt chân đến nhiều nước trê thế giới. Tôi thấy rõ một điều là ở các nước văn minh có nền phát triển nhất, âm nhạc của họ luôn giữ được bản sắc dân tộc riêng. Chứ như tình trạng nước ta hiện nay thì đang có nguy cơ mất dần yếu tố truyền thống trong rất nhiều chương trình được thực hiện hoành tráng, công phu mà tôi có dịp xem trên ti-vi và nhiều sân khấu".

Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm nay, Xuân Oanh đã vĩnh biệt cuộc đời được hơn 2 năm. Ông đã từ giã cõi đời, đi vào chốn vĩnh hằng vào hồi 4h ngày 27/3/2010, hưởng thọ 88 tuổi (sinh ngày 4/1/1923 tại quê hương Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Nhưng bài hát 19 tháng 8 bất hủ thì cứ sống mãi theo thời gian. Và vì thế mà Xuân Oanh  sẽ sống vĩnh hằng trong trái tim của mọi thế hệ người Việt chúng ta.     

Kiều Thẩm

 

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.