Nhạc sĩ Quốc Trung: Phải sống có trách nhiệm

06:59 | 16/04/2014

1,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khoảng thời gian xuất hiện trên truyền hình dày đặc, nhạc sĩ Quốc Trung rút lui về hậu trường và lại cần mẫn với công việc của người làm sản xuất. Theo NSND Trung Kiên, đó mới là mảng “đúng chất” của con trai mình. Nhưng nhạc sĩ Quốc Trung thì lại luôn cho rằng, có trách nhiệm đóng góp với nền âm nhạc, với mảnh đất nuôi dưỡng anh như ngày hôm nay, anh biết ở mỗi thời điểm mình nên lựa chọn ra sao. Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với Quốc Trung sau khi “Giai điệu tự hào”, một chương trình mà anh làm Giám đốc sản xuất phát sóng được 3 số, với nhiều tranh luận “ra trò”.

Năng lượng Mới số 313

Bố là thầy là cố vấn

PV: Hẳn là vì chán những sân chơi mang đậm tính giải trí như “Vietnam Idol”, “The Voice”, anh rút lui vào hậu trường, nhận lời làm Giám đốc sản xuất “Giai điệu tự hào” với tính nghiêm túc và có phần “già hóa”. Anh có thấy mệt với những thị phi trong những năm trước?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Thực ra mọi chuyện không liên quan và chẳng nguy hiểm tới mức ấy. “The Voice” đã, đang ở mùa mới, nhưng không phải vì không làm “The Voice” mà tôi làm “Giai điệu tự hào”. Bởi nếu vẫn muốn tôi có thể sẽ làm “The X Factor”. Ngay cả chương trình “Giai điệu tự hào” này tôi cũng suy nghĩ rất nhiều mới nhận lời. Tôi không sợ thị phi, tôi chẳng sợ điều gì cả, tôi chỉ muốn dành nhiều tâm sức của mình cho đam mê thực sự hơn là những show trên sóng truyền hình. Năm 2014 tôi có một dự án quan trọng hơn tất cả những dự án đã làm trước đây. Những show ấy mới đúng là đam mê của tôi.

PV: Nhưng dù sao, “Giai điệu tự hào” vẫn gần với “chất” của anh hơn. Chưa kể, ở đây người ta thấy được sự đối thoại cởi mở giữa nhiều thế hệ, một vấn đề vốn nói thì dễ, làm mới khó ở xứ ta! Anh đánh giá sự đối thoại ấy sẽ mang tới điều gì cho nền âm nhạc?

Nhạc sĩ Quốc Trung: “Giai điệu tự hào” được mua bản quyền của Nga, tên gốc chương trình là “Tài sản quốc gia”. Nó không phải show ca nhạc đơn thuần mà họ lấy những bài hát đi cùng năm tháng biểu diễn. Điều quan trọng, tại chương trình gốc, họ lấy các bài hát như là một câu chuyện làm chất liệu để từ đó người ta có thể đối thoại với nhau về các vấn đề của quốc gia cũng như khơi gợi niềm tự hào dân tộc, đồng thời nói về quan điểm của các thế hệ, về những vấn đề xã hội.

Khi về Việt Nam, chúng tôi tạm thời xếp những người đối thoại ở hai nhóm: người lớn tuổi và người trẻ. Phải công nhận, đối thoại ở Việt Nam vẫn chưa trở thành thói quen và vẫn còn nhiều e dè, chưa kể những thói quen áp đặt của người lớn tuổi đối với lớp trẻ, không cho lớp trẻ có kỹ năng đấu tranh để bảo vệ những quan điểm mới thực tế vẫn tồn tại. Chuyện người lớn chấp nhận quan điểm của người trẻ cũng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Vì thế khi nhận lời tham gia chương trình, tôi thấy được tạo ra những cuộc tranh luận là một điểm hay. Chương trình đã được 3 số, tôi thấy càng ngày những tranh luận càng đi gần tới cái thật hơn. Cái thật ở đây tôi thấy thú vị, là từng người dám bộc lộ cái thật trong suy nghĩ của chính mình, dám nói ra những điều mình nghĩ, chứ không phải nương vào các nguyên tắc khác.

PV: NSND Trung Kiên có lần nói là con trai mình đang tham gia một số chương trình không không đúng “vai” mình lắm. Giờ anh nhận lời làm “Giai điệu tự hào” và từ số đầu tiên đã thấy bố anh ngồi ở ghế hội đồng bình luận. Có lý do nào đặc biệt trong việc này không anh?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Khi nhận được lời mời từ “Giai điệu tự hào” tôi đã tìm ngay bố tôi để hỏi ý kiến và mời ông làm cố vấn. Vì bố tôi là người hiểu rõ về những tác phẩm đi cùng năm tháng và tôi cho rằng đó là một lĩnh vực bố mình có rất nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ mình biết lắng nghe và biết xin ý kiến từng người ở từng lĩnh vực.

Tôi hiểu rõ, trong cuộc sống ngoài sự khác biệt thế hệ còn có sự khác biệt giữa quan điểm thẩm mỹ. Bố con thì thường gần nhau về quan điểm thẩm mỹ, vì có nền tảng giáo dục tương đồng. Nhưng phong cách âm nhạc ở mỗi thời mỗi khác, vậy sự hiểu biết là để giúp mình hiểu và bảo vệ những quan điểm của mình, để tạo nên thành quả mình muốn hướng tới.

Phải có trách nhiệm với âm nhạc

PV: Có một điều tôi luôn thắc mắc về nhạc sĩ Quốc Trung, đó là anh luôn thâm trầm. Vậy sự “sôi nổi” của anh nếu có, đó là những thứ gì?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Đúng, tôi không thích ồn ào. Ngay cả những bữa tiệc, nếu là bữa tiệc tôi thích sẽ là bữa tiệc diễn ra với những người bạn của mình. Tôi không thích sự nhộn nhạo, nên tôi hay tổ chức các bữa tiệc tại nhà, mời những anh em, bạn bè tới liên hoan. Tôi thích tiệc để “bù khú” chứ không phải những bữa tiệc “hò dô”.

Điều nữa là, những bữa tiệc đó thường sẽ do chính tôi tự nấu. Bạn tôi thường rất thích thú khi phát hiện ra Quốc Trung cũng nấu ăn rất khéo.

PV: Nhân việc anh nhắc tới những người bạn, tôi có thấy một điều, thường trên báo chí, người ta hay nhắc về những người đàn bà phía sau anh mà ít nhắc về những mối tình thân của anh trong âm nhạc. Thực tế là vì, anh không có những mối tình tri kỷ hay vì anh biết giấu nó kín cho riêng mình?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi không giấu, tôi tự hào vì những tình thân mình có được. Còn báo chí, họ cho rằng đề tài nào hút view thì khai thác mà thôi. Bạn tôi có rất nhiều, riêng ở lĩnh vực âm nhạc, tôi có người bạn thân từ thuở bé là Lê Phi Phi (Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hiện nay - PV). Ngoài ra tôi cũng thân với nhạc sĩ Thanh Phương. Tất nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng sống một cuộc đời bình thường nên tôi có cả những người bạn không làm âm nhạc.

PV: Và anh hạnh phúc đến đâu trong những sự lựa chọn của mình?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi vui vì những điều mình hướng tới luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người bạn, người đồng hành. Nhưng điều quan trọng nhất tôi tìm thấy niềm vui trong chính bản thân mình. Vì thế, mọi sự lựa chọn đều phải hướng tới tiêu chí bản thân có được vui. Bởi nếu mình chỉ nghĩ làm cho ai, làm vì cái gì đó thì sẽ không bao giờ dài lâu được.

Tôi thấy mình là người may mắn, vì tôi được sống và làm việc bằng âm nhạc. Sự may mắn đó khiến tôi nghĩ mình phải có một trách nhiệm nào đó với đời sống mà mình được hưởng thụ.

Trách nhiệm với những mối quan hệ và với chính niềm vui của mình là lý do, năm nay dù nhận được nhiều lời mời nhưng tôi quyết định sẽ không nhận gì nữa. Ngoài “Giai điệu tự hào”, tôi sẽ làm hai chương trình của mình. Một “Cầm tay mùa hè” vào tháng 6 như mọi năm, một dự án lớn nhất trong năm mà tôi phải tập trung mọi thứ cho nó vào tháng 10-2014. Đây là festival âm nhạc quốc tế đầu tiên tôi tổ chức.

PV: Ý tưởng làm festival âm nhạc xuất phát từ đâu, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi luôn nghĩ mình may mắn vì đã dự nhiều festival âm nhạc nổi tiếng trên thế giới. Không khí của những festival đó sẽ là niềm vui với bất cứ nghệ sĩ nào, tôi muốn mang không khí đó đến cho nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam. Chúng ta cũng biết, đời sống âm nhạc trong nước đang bị tách biệt với đời sống âm nhạc thế giới, nghệ sĩ Việt ít cơ hội được sống trong những không khí như vậy. Đây là dự án tôi đã ấp ủ từ lâu và khi được Đại sứ quán Đan Mạch hỗ trợ một khóa học về sản xuất âm nhạc và được thực tập ở một festival ở Đan Mạch, giây phút chứng kiến một không gian với khoảnh đất trống rộng lớn, chỉ trong một tuần đã trở thành một khu liên hợp với 7 sân khấu diễn trong vòng 4 ngày thì tôi nghĩ mình sẽ phải làm bằng được điều gì đó ở VN.

Tôi có một ê-kip rất nhiều người từ hội đồng, bao gồm giám đốc nghệ thuật, giám đốc sân khấu, manager phụ trách nghệ sĩ bao gồm cả người Việt Nam và tôi mời được hai cố vấn, một người là đạo diễn lễ khai mạc Olypic Syney 2000 và những người tư vấn khác. Festival tôi đã chuẩn bị 6 năm nay rồi. Và tôi nghĩ đây là thời điểm chín muồi để biến nó thành hiện thực thôi.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Kim Sen (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.