Nhạc sĩ Phú Quang: Luôn biết ơn vì Hà Nội sinh ra tâm hồn tôi

12:02 | 10/10/2014

2,768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày thu này Phú Quang rất vui, với danh hiệu “Công dân ưu tú” của Thủ đô. Anh đã có thêm một niềm tin để có thể tiếp tục cống hiến hồn nhiên hơn cho cuộc đời, cho Hà Nội.

“Lá Hà Nội xanh hơn lá Sài Gòn”

PV: Nhắc đến Phú Quang là nhắc đến tình yêu Hà Nội, nhưng tôi vẫn thắc mắc, yêu đến thế sao anh từng dứt áo ra đi đằng đẵng mấy chục năm?

Nhạc sĩ Phú Quang: Có nhiều lý do, cả chung cả riêng. Có thể nói đó là sự ngông cuồng của tuổi trẻ cũng hợp lý. Vì chính tôi tại thời điểm đó có những điều muốn thay đổi, muốn thể hiện bản thân trong môi trường khác, muốn thử thách xem tôi có thể tồn tại được không. Cũng phải cám ơn Sài Gòn vì người miền Nam họ rất rộng mở vòng tay với những người xa xứ, nhờ đó mà tôi sống tốt được mấy chục năm.

PV: Rồi anh trở lại khi không còn trẻ. Lý do sự quay về có thể rõ ràng hơn không?

Nhạc sĩ Phú Quang: Số phận đưa đẩy, có nhiều lý do cứ níu giữ chân tôi. Mãi cho đến khi tôi bắt đầu già đi, sống hoài cổ hơn thì “nỗi nhớ dịu êm” về Hà Nội lại trở nên dậy sóng. Có một sự thôi thúc khiến không thể không về và khi về Hà Nội mới thấy rằng tôi thực sự sống. Ngày trước, tôi yêu và nhớ Hà Nội đến độ mỗi lần ra, nằm ngủ trưa ở nhà và cảm thấy: “Ôi chiếc lá ở đây xanh hơn hẳn lá ở Sài Gòn”. Về đây nằm nhìn thấy cây xanh này và nghĩ cái cây này xanh hơn bất cứ cây nào. Tất nhiên cũng biết khi ấy mình đang cực đoan như khi những người yêu nhau, trong mắt mình nửa kia luôn là đẹp nhất.

Thực ra tôi đã tha thiết mong trở về chỉ sau 3 tháng vào Sài Gòn và không thể nghĩ mãi đến hai mươi mấy năm sau mới về Hà Nội được. Nhưng ở Sài Gòn đến hai mươi mấy năm, thế mà gặp ai cũng nói: “Trông anh là biết mới ở Hà Nội vào”.

PV: Trở về cũng được 6 năm, Hà Nội trong mắt anh bây giờ thế nào?

Nhạc sĩ Phú Quang: Giờ tôi đã già rồi,  trong mắt những người già phần thấy nhiều nhất là kỷ niệm. Hà Nội bây giờ đổi thay rất nhiều. Tất nhiên với một thành phố đang chuyển mình ắt phải có sự đổi thay. Có những thứ thay đổi, làm mới đẹp hơn nhưng cũng có thứ tệ đi. Và sự đổi thay bao giờ cũng khiến một thành phố không còn bình yên như xưa nữa. Nhưng theo tôi thì  đừng nên quá buồn bã. Hôm nay có thể trẻ trung, đẹp hơn nhưng lại mất đi nhiều cái của ngày xưa. Ngày xưa những người con gái nền nã hơn nhưng họ không thể sôi động như bây giờ được. Vạn vật phải đổi thay nhưng tình yêu thì còn mãi. Tôi vẫn nhìn, vẫn ngắm, vẫn nghe, vẫn cảm Hà Nội theo cách của riêng mình. Và tình yêu của tôi với Hà Nội là một tình yêu vĩnh cửu.

Hà Nội với tôi vẫn rất đáng yêu ở tình người. Ở những nơi khác, có khi mình nhậu cả tháng vẫn không phải là bạn, còn ở đây có khi chỉ ngồi uống một ly cà phê với nhau cũng đủ trở thành bạn bè rồi.

Nhạc sĩ Phú Quang đệm hát cho Hồng Nhung hát

Luôn biết ơn vì Hà Nội sinh ra tâm hồn mình

PV: Là “thổ dân” của Hà Nội, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác. Vậy theo anh, đặc trưng lớn nhất của người Hà Nội ngày xưa và bây giờ khác nhau thế nào?

Nhạc sĩ Phú Quang: Bản chất cả người Hà Thành là nhẹ nhàng tế nhị. Bây giờ tất nhiên không còn hoàn toàn như thế. Ra đường bây giờ ta có thể trông thấy một cô gái rất đẹp nhưng sẵn sàng văng tục một câu nghe gai cả người. Nếu chỉ nhìn thôi cô ấy là thiên thần nhưng khi mở miệng lại mang một gương mặt khác. Chuyện đó, đáng tiếc đang dần trở thành điều bình thường ở Hà Nội hôm nay.

Đời sống người Hà Nội bây giờ xô bồ hơn, chụp giật hơn, con người trần trụi hơn. Tôi vẫn biết những thứ gọi là “công dung ngôn hạnh” ngày xưa để áp dụng vào bây giờ lại thành quá cổ. Người Hà Nội xưa muốn gì đều phải học “công dung ngôn hạnh”, đàn ông phải “quân tử hào hoa” còn bây giờ đã khác, vì đời sống giờ cũng khác và nó tác động lẫn nhau. Nên nói đặc trưng lúc này thì khó lắm.

Nhưng dù vậy, tôi luôn biết ơn mảnh đất này, vì nó sinh ra tâm hồn mình, để hôm nay mình vẫn có thể viết ra những ca khúc như thế. Và nếu phải nói cảm ơn, Hà Nội chính là nơi đầu tiên tôi phải nói lời ấy. 

PV: Nhưng điều lớn nhất anh thấy Hà Nội đã mất đi là gì?

Nhạc sĩ Phú Quang: Đơn giản là ngày xưa làm gì có kẹt xe, chen lấn như bây giờ. Nhưng hỏi tại sao thì thành ra mình không hiểu chuyện. Nhịp độ của đời sống cao lên, đông đúc hơn, kẹt xe nhiều hơn và dĩ nhiên bụi cũng phải nhiều hơn. Ngày xưa cổ kính, con người rất kỹ tính nhưng lại bảo thủ hơn.

Tôi còn nhớ có lần mẹ kể, bà ngoại tôi bắt con gái phải đi trên hàng gạch men nhỏ 20cm và đội một cái thúng để một ít gạo, đi làm sao để không được rơi thúng và đi đúng hàng gạch để rèn khỏi đi dáng vòng kiềng hay xiêu vẹo. Bà dạy các con rất kỹ, từ cách ăn uống, nói năng, đi lại… Cách dạy tuy rất tế nhị nhưng lại rất nghiệt ngã. Hay như bố tôi, những bữa ăn nếu là các cháu trai hay con trai nghiễm nhiên được ngồi mâm trên nhưng là nữ nhi phải ngồi mâm dưới, kể cả mẹ. Bọn tôi ức lắm, cố bắt mẹ lên ngồi cùng nhưng mẹ không bao giờ chịu. Đó là cách giáo dục cũ, có những điều đến nay là vô lý, nhưng từ đó cho thấy rằng, người Hà Nội sống rất nền nếp. Các cụ học “công dung ngôn hạnh” không phải để quần quật làm việc nhà đâu mà để nhìn những người giúp việc nhà làm sai là nhắc họ. Nếu mình không học “công dung ngôn hạnh” thì chắc chắn không biết cô ấy làm sai gì cả.

Nhạc sĩ Phú Quang: Luôn biết ơn vì Hà Nội sinh ra tâm hồn tôi

PV: Và mặc dù có những thứ đáng tiếc không còn như xưa nữa, thì đuợc trở thành “Công dân ưu tú” của thủ đô vẫn là một niềm vinh dự. Anh đã có tâm trạng ra sao khi biết tin mình trở thành một đại diện?

Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi vui vì rồi một ngày người ta cũng hiểu những đóng góp của mình cho mảnh đất này. Đó cũng là một cái cớ để tôi tin vào cuộc đời hơn, rằng cuộc đời vẫn thực sự có những người nhân hậu, tốt bụng và biết cảm thông, trân trọng với lao động của người khác. Thực ra thì tôi đã vẫn luôn tin, cuộc đời này có thể có những kẻ xấu xa nhưng phần lớn là người tốt. Niềm tin ấy cũng giúp tôi đứng vững và đi qua rất nhiều chuyện chẳng ra gì đến với mình.

PV: Nhưng theo anh thì có công thức nào huớng tới để trở thành một con người ưu tú?

Nhạc sĩ Phú Quang: Không có công thức để trở thành một người ưu tú, vì nếu có công thức, mỗi năm sẽ sản xuất ra hàng đống người ưu tú trong từng lĩnh vực mất. Tôi chỉ nghĩ, trong việc công nhận công dân ưu tú có một điều rất hay, là thực ra không phải được nhận danh hiệu công dân ưu tú, sẽ mang lại cho mình quyền lợi gì đó ghê gớm lắm đâu. Nhưng những người đang cống hiến họ tìm được một điểm tựa, rằng nếu mình cứ cống hiến hết mình và chân thành thì chắc chắn sẽ có ngày được những người tử tế ghi nhận. Vì thế tôi thấy mình cũng có thêm một niềm vui, thêm một niềm tin để có thể tiếp tục cống hiến hồn nhiên hơn cho cuộc đời.

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang và chúc anh có thêm nhiều bài hát hay về Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang người gốc Hà Nội. Anh có rất nhiều bài hát hay, sâu sắc về Hà Nội như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Khúc mùa thu”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”… Hơn 10 năm trở lại đây, cứ vào thu nhạc sĩ luôn tổ chức chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội.

Nhạc sĩ đã được tặng nhiều giải thưởng về âm nhạc như Huy chương Vàng âm nhạc cho ca khúc trong các phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” và “Huyền thoại Mẹ”; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho chùm ca khúc viết về Hà Nội.

Thái Linh - Thanh Huyền (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps