Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới!"

09:24 | 17/02/2014

11,654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mang nặng đẻ đau 6 ca khúc viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Đã 35 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến trong tôi lại chộn rộn một nỗi nhớ”.

- “Chiến đấu vì độc lập tự do” được xem là ca khúc khai bút cho phong trào sáng tác về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Là người khai sinh ca khúc này, chắc chắn nhạc sĩ đã có những kỷ niệm không thể nào quên?

- Trước chiến tranh biên giới, tôi đã có một thời gian dài sống và dạy học bên Nam Ninh, Trung Quốc. Sống trong khu học xá của nước bạn, tôi và các bạn Trung Quốc đã có những tình cảm hết sức sâu sắc. Ngay cả sau này, tức là sau những năm 80, có dịp gặp lại chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm đẹp, nắm tay nhau và nói sẽ không bao giờ quên nhau cả.  

Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Thời điểm năm 1979, đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được cử đi thực tế chiến trường, sáng tác cổ vũ động viên chiến sĩ. Cho đến bây giờ, đã 35 năm trôi qua, đó vẫn là những năm tháng chẳng thể nào quên trong lòng tôi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Như bạn biết thì năm 1975, sau 2 cuộc chiến tranh xâm lược, đất nước chúng ta mới hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc đoàn viên một nhà. Thế nhưng, chưa được bao lâu thì đến năm 1978, quan hệ của nước ta và láng giềng trở nên căng thẳng. Tôi được cử lên bộ Tư lệnh Biên phòng dự một cuộc họp, trong đó các đồng chí có nhắc đến liệt sĩ Lê Đình Chinh – người liệt sĩ đầu tiên đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới. Ra về, tôi đã thực sự xúc động và nghĩ mãi về người lính đó.

Đến sáng ngày 17/2/1979, ngay sau khi nghe tin quân Trung Quốc đổ bộ xuống biên giới nước ta, lòng tôi rộn lên cảm xúc khó tả, lúc đó tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh người liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh. Và những câu đầu tiên trong bài Chiến đấu vì độc lập tự do được bật lên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”… Nó như ngọn lửa sục sôi với mong muốn từng người dân nước Việt hãy đứng lên bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc mình.

- Mạch nguồn cảm hứng cho liên tiếp 5 ca khúc viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới này được ra đời như thế nào, thưa ông?

- Ai cũng biết cuộc chiến tranh biên giới này để lại nhiều tổn thương cho cả nhân dân hai nước, cả hai điều gặp những thiệt hại nặng nề. Đã có biết bao chiến sĩ và cả người dân đã ngã xuống, cứ nghĩ đến điều đó, lòng tôi không thể yên. Bản thân tôi, là người nước Việt, lúc nào cũng nghĩ sẽ phải làm gì, làm gì…? Toàn bộ khối óc, tâm trí và trái tim tôi lúc nào cũng như muốn vang lên hành khúc gấp gáp, phải thúc và thúc tinh thần cho chiến sĩ của tôi, đồng bào của tôi… Vậy nên, sau Chiến đấu vì độc lập tự do, tôi có viết thêm: Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, Quyết đánh tan quân xâm lược, Tiếng đàn bên bờ sông biên giới, Có một đóa Hồng Chiêm Tiễn thầy giáo đi bộ đội.

Mỗi ca khúc được sáng tác trong một thời điểm khác nhau nhưng đều chung một mục đích giục giã tinh thần quân và dân đất nước tôi. Cứ thử nghĩ, một đất nước vừa trải qua bao nhiêu vết thương mà vẫn gồng vai như thế, thật muốn trào nước mắt…

Thanh niên lên đường bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc (Ảnh: Mạnh Thường)

- Chắc chắn mỗi ca khúc sẽ là một kỷ niệm, một dấu ấn rồi, thưa nhạc sĩ?

- 35 năm trôi qua, cứ mỗi lần được hỏi là tôi lại tự nhiên nhớ hết tất thảy hoàn cảnh ra đời của bài hát và tình cảm của mình lúc đó. Công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam nên mỗi lần được phân công lên biên giới là tôi hào hứng đi ngay, không một sự phân vân nào cả. Mỗi ca khúc là mỗi chi tiết gắn với hoàn cảnh thực tế đáng nhớ. Khi tôi viết, Tiếng đàn bên bờ sông biên giới là tôi viết trên đất Lào Cai, người dân đã sơ tán hết cả, địa bàn chỉ còn mình… bộ đội. Nhưng mặc sự sục sôi của không khí chiến tranh, người chiến sĩ không hề nao núng, vẫn ngồi gảy đàn lúc đêm khuya, cảm tưởng không có gì thanh bình hơn thế.

Hay như ca khúc Có một đóa Hồng Chiêm, cũng là ca khúc tôi sáng tác khi ở biên giới Quảng Ninh, khi nghe tin liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã anh dũng ngã xuống. Rồi Tiễn thầy giáo đi bộ đội là được chứng kiến tình cảm rất hồn nhiên, nhưng cũng thương xót khi tiễn người thầy của mình lên đường… Ca khúc này sau khi ra đời, hầu như các trẻ em vùng biên đều biết và đã hát.

- Những ca khúc của ông thiên về thể loại hành khúc, không hô hào nhưng lại có sức mạnh thúc giục, đầy tình cảm nhưng không hề bi lụy… Làm thế nào để nhạc sĩ làm được điều đó?

Viết cho chiến tranh, không hiểu sao lúc nào trong lòng tôi cũng rộn lên những hành khúc, nó cùng hùng hùng như bước chân người lính và cũng là tiếng lòng của tôi. Tôi muốn giục giã họ, tiến lên, tiến lên…

Và tôi nghĩ rằng, những sáng tác của tôi đọng được đến trái tim của mọi người là vì tiếng nói của tôi hòa cùng với tiếng lòng của họ. Cứ nghĩ đến những câu hảo sảng: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường”, thử hỏi, ai mà bình chân cho được.

Có một kỷ niệm vui thế này, khi ca khúc đầu tiên “Chiến đấu vì độc lập tự do” được phát đi đêm ngày 20/2/1979 trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã có rất nhiều người điện về chia sẻ, đặc biệt các chiến sĩ từ Quân khu 5 cũng điện về nói rằng: “Nghe xong ca khúc, chúng tôi chỉ muốn ra ngày Hà Nội rồi đi lên biên giới góp máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất biên cương của tổ quốc”. Hơn ai hết, tôi rất hạnh phúc và cảm nhận rằng sức mạnh của âm nhạc thật lớn lao đối với các cuộc đấu tranh của dân tộc mình. Mấy ngày hôm sau, ca khúc này cũng được in và phát hành rộng rãi, tất cả các cơ quan truyền thông báo chí đều đưa tin và phát sóng ca khúc này.

- Vậy mới biết, sức mạnh của âm nhạc thật lớn lao, thưa ông?

- Ngay từ khi tôi bắt đầu đi trên con đường âm nhạc, tôi đã rất tâm đắc lời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thường răn rằng: “Luôn luôn nhớ rằng âm nhạc là một vũ khí”. Theo ông thì sức cổ vũ của âm nhạc rất lớn nên đừng có nghĩ nó chỉ có chức năng giải trí. Tất cả các ca khúc được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã và luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân, nó là những biên niên sử bằng âm nhạc rồi. Ngay những ca khúc trong chiến tranh biên giới, dù đã có những số phận thăng trầm nhưng nó vẫn sống được trong lòng nhiều thế hệ suốt 35 năm qua.

- Hình như âm nhạc ngày nay không làm được điều đó. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

- Đó cũng là cái băn khoăn của tôi, nhưng tôi cho rằng là đó vấn đề của cả xã hội, của ban truyền thông, của ban văn hóa. Tôi không phủ nhận chức năng giải trí của âm nhạc, nhưng nếu quá ham chạy theo chức năng giải trí thì nó sẽ làm mất chức năng cao quý nhất của âm nhạc, đó là chức năng giáo dục, cổ vũ động viên con người, động viên dân tộc.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng lại rất ít ca khúc nói về quê hương, đất nước mà toàn nhắc đến tình yêu đôi lứa.

- Phải chăng vì thế hệ của ông, chất liệu sáng tác nhiều hơn bây giờ?

- Tôi không trách các nhạc sĩ trẻ mà tôi trách các cơ quan đoàn thể văn hóa. Bây giờ không thiếu gì những sự kiện hay để viết nhưng không có một tổ chức chọn cho người trẻ đi thực tế sáng tác thì làm sao mà người ta viết được. Như sự kiện 17/2/1979 cũng vậy thôi, nếu cơ quan, đoàn thể không cho chúng tôi lên biên giới thì làm sao chúng tôi viết được. Tôi vẫn tin, nếu được tổ chức tạo điều kiện tốt thì các nhạc sĩ trẻ vẫn sẽ viết tốt.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Huyền Anh (Thực hiện)

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.