Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: “Chỉ tại cuộc sống xô bồ”

10:58 | 11/07/2013

1,702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một cái tên được nhắc đến nhiều với dòng nhạc xưa, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ: “Nhạc xưa hiện tại đang bị lãng quên, một phần là do cuộc sống còn quá xô bồ”.

Đừng hoài nghi giới trẻ

- Vừa phát hành một đĩa nhạc than, thứ được xem là của “hiếm” trong nền nhạc Việt. Ông có sợ công chúng nghĩ rằng, đó là cách làm “sang” và sự “chảnh” trong nhạc của Nguyễn Ánh 9?

- Nói là “chảnh” thì tội cho nhạc của Nguyễn Ánh 9 quá. Chảnh hay không thì trước tới nay công chúng đã thưởng thức nhạc của tôi rồi, có thể đánh giá được. Đĩa nhạc than này là một món quà ý nghĩa mà không ngờ rằng những năm tháng cuối đời tôi còn nhận được, nó thực sự làm tôi xúc động. Để nói đến ý nghĩa của nó thì bạn phải hỏi nhạc sĩ Đức Trí, người có ý tưởng làm đĩa nhạc than này.

Đức Trí đã tự tay làm tất cả. Ngay cả việc hòa âm, phối khí... Đức Trí và êkip cũng giành làm hết. Cậu ấy nói rằng, muốn tôi được thảnh thơi nên chỉ cần ngồi nghe, thưởng thức và thấy rằng lớp trẻ bây giờ làm được gì và hiểu gì về nhạc của Nguyễn Ánh 9.

- Ý tưởng này quả thực rất ý nghĩa. Hơn nữa, những ca khúc lại được thể hiện bằng những gương mặt trẻ. Ông thấy hài lòng chứ?

- Tôi rất hài lòng và xúc động với món quà này, có thể nói là một đĩa nhạc ưng ý nhất của Nguyễn Ánh 9. Đĩa nhạc than có cái hay riêng của nó, nghĩa là nó định hướng khán giả đến việc nghe nhạc mộc.

Sẽ không có những xử lý kỹ thuật rườm rà, khán giả sẽ được lắng nghe và cảm nhận rõ rệt những thanh âm của nhạc cụ mộc như đàn piano, contrabass... một cách chân thật nhất. Cái hay ở chỗ, những thanh âm này không bị che lấp bởi kỹ thuật phòng thu.

Trong đĩa này cũng không có “ngôi sao” mà chủ yếu là những gương mặt trẻ. Họ là những người hát tốt nhất ca khúc nào thì ca khúc đó sẽ được chọn đưa vào đĩa than này. Khi nghe xong thì tôi thấy rằng, họ hát rất tốt và đúng như Đức Trí nói là làm để thể hiện tình thương mến của mọi người đối với tôi. Và tôi cảm nhận được tất cả điều đó.

Đến với nghệ thuật là một cái nghiệp

- Quả là đĩa nhạc than thực sự vẫn còn xa xỉ so với mặt bằng chung. Từ sau năm 1975, thì chỉ có “Tóc ngắn” của Mỹ Linh và nay là “Lặng lẽ tiếng dương cầm” của nhạc sĩ được phát hành bằng đĩa than. Đặt giả sử nếu được quyết định, thì ông có muốn thay bằng đĩa nhựa thông thường để đáp ứng rộng hơn nữa nhu cầu khán giả?

- Theo Đức Trí thì muốn làm đĩa than để âm thanh nghe được một cách chuẩn xác nhất. Và bản này chỉ phát hành 1500 đĩa thôi, tuyệt đối không in thêm đĩa CD. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là điều hay, bởi để nghe mộc thì cũng kén khán giả. Hơn nữa, đĩa nhạc than rất hiếm, tôi muốn rằng sau này khi thế hệ những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ... muốn nghe lại những bản nhạc mộc, nguyên chất... sẽ có tư liệu để thưởng thức một cách chuẩn xác nhất.

- Nhiều gương mặt trẻ xuất hiện trong đĩa nhạc than đặc biệt này, cộng với việc làm thầy dạy đàn của nhiều lứa học trò, ông có nhận xét gì về cách làm nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ hiện nay?

- Thời của bây giờ là thời của công nghiệp nên nghệ thuật cũng công nghiệp theo. Nó khác xa với thời của tôi, tất cả đều chậm rãi, nặng về tư duy chiều sâu. Cũng phải thôi, vì bây giờ phát triển mạnh thì cũng có cái mau mắn hơn, kéo theo đó là sáng tác nhanh hơn, ca sĩ cũng được nổi tiếng nhanh nữa. Thế nhưng, kéo theo nó lại là sự không chuyển tải được cái nghệ thuật trong đó. Bởi bây giờ sáng tác theo kiểu đơn đặt hàng, tất nhiên không phải tất cả, nhưng với tư duy “ăn xổi” thì chất lượng nó cũng đem đến mối hoài nghi.

Ngày xưa, trước khi cho ra đời một ca khúc thì bài hát đó chúng tôi phải sửa tới, sửa lui. Tất nhiên nó phải là tâm sự, là tiếng lòng của mình. Nên các ca sĩ thể hiện đều có thể cảm nhận được cái hay của bài hát, điều này ít nhiều làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm. Còn hiện tại, nhạc và lời bây giờ viết như tốc ký vậy, không hiểu đâu vào đâu cả, kỳ lắm. Nó thiếu đi cái gần gũi, bóng bẩy cần có, nó không như một bài thơ nên khó nghe, khó thấu. Còn ca sĩ thì lựa chọn ca khúc biểu diễn dễ dãi, hát cho xong rồi quên, có khi còn chẳng biết mình vừa hát cái gì.

- Trước thực trạng này ông cảm thấy thế nào?

- Buồn chứ. Nhưng hy vọng rằng những gì mờ nhạt thì sẽ bị đào thải và những lắng đọng sẽ còn ở lại. Nó cũng là quy luật rồi. Tôi không nói tất cả, bởi thực tế cũng có nhiều gương mặt trẻ tài năng mà chúng ta có quyền kỳ vọng vào họ. Nên dù có những “hiện tượng” chưa phải tốt, nhưng tôi nghĩ rằng, không nên hoài nghi giới trẻ, tôi vẫn cứ chờ ở họ một điều gì mới mẻ. Mà trước hết tôi muốn ở họ sự chỉn chu.

Cuộc đời là những bản tình ca

-  Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn viết nhạc đều chứ?

- Đó là nghề của mình rồi, mình không làm sao được. Không làm là cảm thấy thừa thãi lắm. Nên tôi vẫn để mình phiêu với những cung bậc cảm xúc, để được sống với chính tiếng lòng của mình. Có điều tôi vẫn thế, viết xong rồi để lại một chỗ, khi có thời gian thì bỏ ra nghiền ngẫm, nhâm nhi lại.

Viết nhạc đã khó, nhưng cái khó của mình lại lớn hơn. Bởi tiếng Việt của mình có dấu, không như người ngoại quốc, từng khuông nhạc lên, xuống bị bó hẹp hơn. Nên mình phải lựa câu chữ sao cho phù hợp với khuông nhạc, đừng để nhạc và lời nó phản bội lại những gì mình muốn viết.

- Tôi cảm thấy rằng những sáng tác của ông đa phần là những nỗi buồn man mác, có buồn, có lạc quan đó nhưng cứ nhởn nhơ như thế. Hẳn nhạc sĩ là người rất biết tìm niềm vui trong những nỗi buồn?

- Thực ra, tôi không nghĩ việc tôi sáng tác là một nghề. Và tôi làm nghệ thuật cũng không phải vì tiền, nó là niềm đam mê, là cái nghiệp mà mình không thể giã từ. Trước cũng nhiều lần tôi buông bỏ nó, nhưng không thể làm được. Chơi đàn là cái thú và sáng tác là cái cần khi cảm xúc nó đến. Mà nó đến lúc nào không biết, đôi khi chỉ chớp nhoáng thôi... và mình kịp chớp lấy. Chớp được, đã là một niềm vui. Âm nhạc là cuộc sống, là xã hội phản chiếu cho lăng kính của mình.

Nói nỗi buồn man mác trong sáng tác của tôi cũng đúng, tôi yêu nỗi buồn nhẹ nhàng, sâu lắng mà không bi lụy.

Tôi viết nhạc không phải vì tiền

- Đó là phần hồn người nghệ sĩ, luôn đau đáu một mối tình dang dở để rồi cả cuộc đời cứ ngẩn ngơ mãi với những khúc tình buồn?

- Tôi vẫn quan niệm rằng, hai người yêu nhau nhưng mình không mang lại hạnh phúc cho người kia thì hãy để họ đi tìm hạnh phúc khác. Mình nên chúc phúc cho họ. Yêu mà không giữ được người yêu thì tuột mất là đúng rồi. Mình phải cầu chúc cho họ tìm được hạnh phúc mới và mừng mới phải. Nhưng mừng cho người và buồn cho mình. Bởi thế, tôi hay tự làm khổ mình là đứng trong tâm thế đó mà viết.

- Bởi vậy, nên giờ cứ nhắc đến ông là công chúng nhắc đến dòng nhạc xưa, khi có quá nhiều ca khúc buồn mênh mang như thế?

- Nói vậy chắc bạn đang nghĩ rằng tôi nhiều người yêu lắm. Thực tế thì người đang đi cùng với tôi hiện tại mới là tình yêu lâu bền và đích thực nhất. Tôi đang từng ngày muốn đền đáp lại tình yêu đó. Còn mối tình đầu với bất kỳ ai, bao giờ cũng đẹp chứ đâu phải riêng tôi. Tôi vẫn gói nó trong một góc nào đó, coi như là của để dành để nuôi cảm hứng cho việc sáng tác.

- Những “đứa con” do mình dứt ruột đẻ đau thì chắc hẳn đứa nào cũng phải yêu, phải quý. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông rằng: “Đứa con” nào khiến ông ưng ý nhất?

- Không có ưng ý nhất mà chỉ tạm hài lòng. Trước năm 1975, tôi hài lòng với Buồn ơi, chào mi. Sau này, tôi thích Cô đơn.

- Toàn bài nghe cái tên đã thấy nỗi buồn, vẫn biết  là buồn để tìm kiếm những nguồn vui?

- Thì vẫn là những lạc quan khi trải nghiệm những nỗi buồn.

- Tại sao Nguyễn Ánh 9 không làm mới không gian âm nhạc của mình sau nhiều năm như thế? Một thể loại âm nhạc khác, không phải nhạc xưa, để tìm đến một đối tượng khán giả mới, trẻ trung hơn?

- Nhạc xưa vẫn có cái hay riêng của nó, không hay làm sao tôi đeo đuổi nó như vậy được. Bây giờ, ít người thích nhạc xưa hơn, nhưng tôi tin nó vẫn có đất sống và có đối tượng khán giả nhất định.

Tôi không nghĩ là nó mất đi, bởi thời nào cũng thế và điều gì cũng vậy, bao giờ chẳng có những thịnh suy. Bây giờ suy thì cũng chỉ tại cuộc sống quá xô bồ, sẽ đến lúc người ta cần lắng lòng mình lại để tìm đến những rung động, những trải nghiệm cần có mà chỉ âm nhạc mới đem đến được.

- Và nhạc sĩ thì vẫn cứ mãi yêu và phiêu với những bản tình ca đẹp?

- Nếu trên đời không có tình yêu thì đừng nên sống, có yêu là trái tim còn đập, là trái tim còn yêu. Ai cũng cần tình yêu, đến muôn thú còn yêu nhau cơ mà.

- Và tình ca thì chẳng bao giờ thôi hấp dẫn?

- Đúng thế, bất cứ lúc nào cũng hấp dẫn. Tình nay là cũ, nhưng mai gặp tình mới nó lại đẹp, lại dễ thương... Và nó sẽ mãi là cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps