Nhạc sĩ Doãn Nho: Vẫn “Tiến bước dưới quân kỳ”

22:27 | 23/12/2014

2,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nằm trong con ngõ sâu hút, ngoằn ngoèo bên bờ hồ Ba Mẫu (Hà Nội) là một ngôi nhà giản dị, ngay ngoài cửa có một biển nhỏ ghi: “Nhà nhạc sĩ Doãn Nho” - nơi cư trú của người nhạc sĩ, chiến sĩ có những bài ca đi cùng năm tháng như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Chính những ca khúc cách mạng hào sảng, thiết tha, mang đậm âm hưởng thời đại ấy đã làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ tài hoa.

Năng lượng Mới số 382

Tri ân đồng đội

Ngôi nhà của vị nhạc sĩ nổi tiếng của làng âm nhạc Việt Nam rất giản dị, phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế đã cũ - nơi ông nghỉ ngơi và tiếp đón bạn bè trong làng nhạc. Điểm nhấn trong căn phòng là bức ảnh khổ to đen trắng lồng vào khung kính treo trang trọng, đó là bức ảnh Bác Hồ bên các bạn trẻ Việt Nam và đứng cạnh Bác là nhạc sĩ Doãn Nho.

Nhắc đến ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn không giấu được sự xúc động dâng đầy trong đôi mắt. Ông nhắm mắt khe khẽ hát: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ gương bao anh hùng bừng cháy trong tim…”. Ông kể lại, đồi A1 của năm 1958 vẫn còn nguyên dấu tích của chiến tranh, bom đạn và đau thương. Bước từng bước lên đỉnh đồi, nhạc sĩ bất giác nhớ tới câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi “Đêm đêm thì thầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”, cộng với không khí chiến tranh còn lẩn khuất nơi đây, nhạc sĩ xúc động nhớ về những đồng đội của mình đã chiến đấu dũng cảm và ngã xuống ngay điểm lửa A1. Ông nói: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có không ít các đồng đội của tôi ở Trường Lục quân khóa 6 và khóa trước hy sinh nên khi bước từng bậc lên trên, cảm giác như mình đi sau linh cữu của đồng đội đến nơi an nghỉ trên đỉnh đồi. Niềm xúc động đó tôi đã ghi ra thành nhật ký âm nhạc”.

Sau đó nhạc sĩ mới viết những câu mở đầu bằng những ngôn từ tươi sáng, tràn đầy hy vọng, nét nhạc vang lên hình ảnh của những tân binh. Ông kể: “Năm 1958, chúng ta cho ra quân hơn 8 vạn cán bộ và chiến sĩ đã từng phục vụ trong chiến đấu về xây dựng tại hậu phương và bổ sung vào lớp tân binh trẻ măng. Khi ra thao trường, nhìn trong buổi hôm đó lác đác khuôn mặt của những cựu chiến binh nét mặt sạm, rắn rỏi - những người đã từng trải trong chiến đấu, trở thành cán bộ khung, còn vây xung quanh là đội ngũ trẻ. Hình tượng đó được tôi viết ra cho 2 khúc nhạc, tượng trưng cho hình ảnh thế hệ này tiếp nối thế trước tiến bước dưới lá quân kỳ”.

Tốp ca nam của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị biểu diễn ca khúc ấy, trước mặt rất nhiều chiến sĩ, đồng bào. Sau này, nhạc sĩ có gặp lại đồng chí đại đội trưởng của quân đoàn năm ấy, anh vẫn còn nhớ và nhắc lại rằng mình đã rất ấn tượng, cảm động khi được nghe ca khúc đó. Đó là điều khiến nhạc sĩ Doãn Nho cảm thấy rất hạnh phúc. Niềm tự hào ấy hiện lên trong đôi mắt và gương mặt của người nhạc sĩ tuổi đã ngoài 80.

Ông kể: “Thi thoảng tôi lại ra Quảng trường Lăng Bác, khi thấy đội quân cảnh đi đều và thượng cờ trong tiếng nhạc “Tiến bước dưới quân kỳ”, trong lòng tôi xúc động lắm. Tôi nghĩ, mình đóng góp một tác phẩm được phát hằng ngày ở một nơi thiêng liêng như thế này, được mọi người biết đến và hát theo thì sung sướng vô cùng. Hạnh phúc của một người làm nghệ thuật như tôi, chính là những phút giây như thế này đây. Cách đây mấy năm, khi tôi còn khỏe thỉnh thoảng đi xe máy ra Quảng trường, bây giờ tuổi đã cao, sức yếu rồi thì tôi đi xe ôm”.

Nhắc đến con đường đến với âm nhạc, nhạc sĩ Doãn Nho không thể nào quên được “duyên kỳ ngộ” đối với hai nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Xuân Khoát và Đoàn Chuẩn. Năm 17 tuổi, khi tham gia các đội tuyên truyền ở Bắc Giang, Vĩnh Yên rồi chính thức nhập ngũ vào học Trường Sĩ quan Lục quân khóa VI (1950-1951), ông vừa là binh nhì, học tập theo chương trình huấn luyện, vừa là quản ca trung đội và đã “lọt mắt xanh” của hai nhạc sĩ nổi tiếng này.

Ca khúc đầu tiên ông sáng tác theo yêu cầu của chính trị viên đại đội để cổ vũ cho tăng gia sản xuất - bài hát “Đào than” với tiết tấu vui tươi, rộn rã. Anh em đơn vị nghe xong hào hứng lắm, ông cũng vui vì chỉ sáng tác nghiệp dư mà được bắt nhịp cho mọi người hát. Nghe xong, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát chỉ mỉm cười mà không nói gì còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói luôn: “Tây quá!”.

Đến ca khúc thứ hai - “Bà mẹ nuôi” được ông viết từ chính cảm xúc nhớ nhà, nhớ mẹ và cảm động trước tình yêu thương của những bà mẹ địa phương cũng được đại đội và nhiều đơn vị hưởng ứng, nhạc sĩ lại hồn nhiên đến “khoe” với hai bậc tiền bối. Một lần nữa, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vẫn không nói gì còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì nhận xét: “Tàu quá!”.

Sau hai ca khúc đó, nhạc sĩ Doãn Nho đã nhận được lời khuyên cực kỳ quan trọng và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời sáng tác chuyên nghiệp sau này, đó là phải hiểu dân ca, phải thấm và thuộc dân ca để viết cho con người Việt Nam, cho tâm hồn Việt Nam. Chính từ bài học đầu tiên cơ bản đó mà sau này, ông mới có “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Chiếc khăn Piêu”, “Sóng Cửa Tùng”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”... Những tác phẩm sau này của ông đều thấm đượm chất dân ca của từng vùng miền và thân thuộc với người nghe.

Khi nhắc đến danh xưng “Nhạc sĩ của những người lính” mà anh em trìu mến đặt cho mình, người nhạc sĩ già lại như trẻ hơn, ông cười: “Tôi tự hào lắm, bởi mình là một người lính, được viết nhạc cho chính những đồng đội của mình, được trực tiếp lăn lộn và thấu hiểu đồng đội mình. Hình ảnh của người lính luôn luôn là nguồn cảm hứng bất tận của tôi, cả thời chống Pháp, chống Mỹ và thời bình”.

Những bài ca tình yêu

Từ sau khi hòa bình lập lại, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn tiếp tục sáng tác về hình ảnh người lính - đề tài xuyên suốt trong những tác phẩm của ông. Ông chia sẻ: “Ở mỗi một thời kỳ, màu sắc âm nhạc, chất liệu âm nhạc và cách thức thể hiện của các ca khúc phải có sự thay đổi để phù hợp với thời đại; nhưng không bao giờ được quên đi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - nhiệm vụ vĩ đại nhất”.

Năm 1995, nhạc sĩ được có dịp ra Trường Sa và sáng tác hai bài hát “Làng lính trên đảo” và “Sơn ca trên đảo Sơn Ca”. Bài hát “Làng lính trên đảo” nói về hình ảnh những người lính đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Trong quá trình chúng ta tiến ra đảo, người lính tiên phong đi trước, người dân đi sau và đã mang hồn cốt của quê hương ra đảo, biến biển đảo trở thành quê hương thứ 2 của mình. Còn bài hát “Sơn ca trên đảo Sơn Ca” lại gợi ra hình ảnh những cô gái ra thăm người yêu đóng quân ở Trường Sa, tiếng hát của các cô dành tặng người mình yêu không khác gì tiếng hót thánh thót của những chú chim sơn ca - loài chim làm nên tên đảo. Những bài hát này, thay vì sử dụng hình thức hành khúc thông thường, nhạc sĩ sáng tác da diết và tình tứ hơn.

Nhạc sĩ Doan Nho bên cây đàn quen thuộc

Ông nói: “Hình ảnh người lính thời bình chuyển sang làm kinh tế rất nhạt nhòa, ít xuất hiện trong những ca khúc. Nhưng khi có những vấn đề như biển đảo, chủ quyền, hình ảnh người lính lại trở lại, vẫn dũng cảm, hào hùng nhưng có nét trữ tình, đi sâu vào tâm tư; thế nhưng tính chiến đấu vẫn rất lớn chứ không chỉ hành khúc mới làm được.

Trong lúc đất nước có chiến tranh, bom đạn thì yêu cầu của các tác phẩm là phải thể hiện ra bằng hành động: Phải đánh và phải thắng. Nhưng trong thời bình thì khác, các bài hát phải đi vào chiều sâu tâm hồn, vào cốt cách của một con người và sự thật là khi Tổ quốc cần thì thế hệ trẻ sẵn sàng lên đường theo bước cha anh. Nhiều bài hát trữ tình viết về người lính  rất sâu lắng và ý nghĩa. Thế nên nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài, nếu nghĩ là nói đến người lính là phải đao to búa lớn thì lại là sai lầm”.

Gần đây, năm 2001, nhạc sĩ Doãn Nho tiếp tục sáng tác hợp xướng quy mô đầy xúc động mang tên “Có một khu rừng như thế”, gửi gắm sự kính trọng và tình yêu thương người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông tâm sự: “Đó là những tình cảm được tích tụ từ suốt mấy chục năm. Thực sự, tôi muốn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối chống Pháp sang chống Mỹ... Nhưng cứ “thai nghén” mãi mấy chục năm mà không thể viết ra. Thực sự là không phải dễ dàng, bởi viết về một vị tướng văn võ song toàn, người người ngưỡng mộ, kính trọng là điều rất khó. Mấy chục năm tôi như người mang nợ chính mình khi không thể viết được gì về Đại tướng. Đến khi tôi bắt gặp cuốn “Người thường gặp” của Trần Đăng Khoa. Chính tùy bút “Rừng đại tướng” trong cuốn sách đã chắp bút cho tôi viết về người.

Khu rừng đó hiện lên như một ngôi đền thiêng, trong khi những khu rừng khác trơ trọi bởi nạn chặt phá rừng, thì khu rừng này được muôn người, muôn nhà bảo vệ như chính ngôi nhà của mình chỉ bởi một lý do: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng sống và chiến đấu ở đây. Những câu chữ tôi tâm đắc nhất như: Có một khu rừng như thế, với từng giây thắm thiết ruột già. Dân trìu mến gọi rừng đại tướng. Muốn giữ gìn như một mảnh vườn riêng... Rồi đến Mường Phăng, nơi vị tướng chỉ huy làm nên chiến thắng/ Một Điện Biên chấn động địa cầu...”.

Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ vẫn còn nguyên sự xúc động: “Tôi thấy khâm phục, kính trọng… khó có thể diễn tả hết tình cảm của mình qua câu chữ. Làm gì có ai không qua một trường lớp quân sự nào, chỉ với sự thông minh vốn có mà lãnh đạo quân dân đánh thắng Pháp, Mỹ, được xếp vào 4 vị tướng giỏi trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay. Như vậy đã nói lên tất cả rồi. Tôi còn tâm phục vị tư lệnh tối cao luôn lấy mục tiêu để làm sao thắng lợi lớn nhất, thương vong nhỏ nhất trong từng trận đánh, từng chiến dịch... Tư tưởng quý từng giọt máu đào của người lính của ông khiến nhiều người cảm phục. Vì vậy nên suốt đời ông được gọi với cái tên thân thiết anh Văn”.

Nhạc sĩ Doãn Nho (thứ ba từ trái sang) trên tàu Ti Tan đi ra Trường Sa cùng một số nhà báo (6/3/1995)

Không chỉ đóng góp về tác phẩm, nhạc sĩ Doãn Nho còn có những công trình lý luận giá trị về âm nhạc Việt Nam. Khoảng hơn 10 năm nay, ông bắt đầu đi sâu vào thanh xướng kịch và nhạc kịch với mong muốn tiếp bước cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận - một trong những người thầy âm nhạc của mình - đóng góp cho sự nghiệp Opera Việt Nam ngỡ đã “lụi tàn”. Vị nhạc sĩ tài hoa đã bỏ ra nhiều năm hoàn thành vở thanh xướng kịch (Oratorio) “Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô”. Tác phẩm này đã được công diễn vào năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã gây ấn tượng lớn trong làng âm nhạc, đồng hành với vở opera “Người giữ cồn” của Ca Lê Thuần ở Sài Gòn.

Nhạc sĩ già nhớ lại, trong buổi biểu diễn vở thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô” ở Nhà hát Lớn, khán phòng chật kín khán giả. Điều đặc biệt là vở thanh xướng kịch với quy mô đồ sộ và hoành tráng này lại do chính con trai ông - nhạc sĩ Doãn Nguyên, Phó giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhạc trưởng Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ huy. Ông nói, ông tự hào, vui sướng khi được hưởng trọn vẹn cái cảm giác cha - con cùng nhau góp sức và biểu diễn trong một sản phẩm âm nhạc có ý nghĩa trên sân khấu vào đúng thời điểm linh thiêng chuyển giao của đất trời, của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông chia sẻ, trong cuộc đời của mỗi nhạc sĩ, bên cạnh những ca khúc, ai cũng mong muốn viết được những tác phẩm đồ sộ dành cho khí nhạc, thanh xướng kịch hay nhạc kịch để đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Bởi với thế giới, nền âm nhạc của một quốc gia phải được đánh giá bằng các tác phẩm giao hưởng, nhạc kịch chứ không chỉ có các ca khúc. Vì thế, nay sau khi “Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô” được trình diễn, ông đã bắt tay vào sáng tác vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” vào đầu năm 2012 và mất hơn 2 năm để hoàn thành.

“Bài ca tình yêu” là vở opera nhằm ca ngợi những người lính thế hệ Điện Biên, nhưng không dừng lại ở chiến thắng này mà còn nối dài sang những năm đầu chiến đấu ở miền Nam đau thương. Tác phẩm muốn thông qua tình yêu của các nhân vật mà ngợi ca phẩm chất cao thượng của người lính “bộ đội cụ Hồ” và ngợi ca sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau ở đất nước ta. Nhạc sĩ Doãn Nho đã học tập cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ “Cô Sao”, “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” để cho ra đời “Bài ca tình yêu” với sự hưng phấn và niềm tự hào người lính.

Nhắc đến “đứa con tình thần” của mình, nhạc sĩ kể: “Tôi sáng tác vở nhạc kịch này cho dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, dành tặng các đồng đội của tôi, cả những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc cũng như những tân binh đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại yêu cầu dời sang năm 2015. Tôi cũng không buồn, bởi năm sau có dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chỉ hy vọng vở nhạc kịch này được trình diễn liên tục để nhiều người được xem và hiểu hơn về người lính, hiểu hơn về opera. Trước đây, tôi cũng đã viết ca cảnh “Lá đơn tình nguyện” (kịch bản Kim Tiến, Quốc Bảo) - một dạng operet và phần nhạc cho vở balê “Một thời và mãi mãi” dựa trên xúc cảm về hình tượng hai liệt sĩ trẻ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm... ”.

Hiện tại tuổi đã cao, nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn nghiên cứu và sáng tác không ngừng nghỉ, như sợ thời gian trôi nhanh hơn sức lực của mình. Ông cười xòa: “Hiện tại tôi lao động hằng ngày như là người công nhân đi làm việc, chỉ có điều mình già rồi sức khỏe có hạn nên không thể dậy sớm mà đi làm theo ca như các bạn trẻ, nhưng mình phải linh hoạt trong giờ giấc. Bây giờ số giờ làm việc của mình ít đi một chút, mỗi ngày tôi ngồi vào bàn làm việc khoảng 6-7 tiếng thôi. Mấy năm trước còn có thể thức thâu đêm suốt sáng, bây giờ thì không dám cũng phải tỉnh táo để giữ sức bền của mình.

Đến giờ tôi vẫn còn tâm nguyện là viết, kịp viết những điều mà mình ấp ủ. Vì mỗi tuổi một khác chứ, 70 tuổi khác và bây giờ tuổi 80 rồi, khác lắm. Nên tôi luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, còn làm việc, tôi tập thể dục hằng ngày, nhưng trong tiết trời khắc nghiệt như thế này, lạnh cắt da cắt thịt, tôi chỉ tập thể dục trong nhà để đảm bảo ấm, an toàn mà tập nhẹ rồi sau đó mới tập như người bình thường. Trước kia thì còn có thể chạy được nhưng bây giờ đi bộ cũng đã là tốt, hạn chế chạy thậm chí không chạy…”.

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội. Gia nhập quân đội và sáng tác ca khúc từ khi còn trẻ. Ngoài 20 tuổi ông đã có nhiều ca khúc phổ biến như “Sóng Cửa Tùng”, “Chiếc khăn piêu”, “Tiến bước dưới quân kỳ”… Năm 1962-1964 ông được cử đi học sáng tác tại Nhạc viện Kiev. Trở về nước, ông vào chiến trường Khu 4, Nam Lào, Quảng Trị, nơi ra đời của những “Bài ca Kpakơlơn”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Hát mừng quê ta giải phóng”… Năm 2001 ông được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Ngoài con trai là nhạc sĩ Doãn Nguyên đi theo con đường của cha, con gái thứ ba sinh vào ngày thống nhất là Doãn Mai Hương, là nghệ sĩ bộ gõ hiếm hoi của Việt Nam có thể đảm nhận phần gõ rất khó trong tác phẩm “Boléro” nổi tiếng của M.Ravel.

Nhạc sĩ Doãn Nho đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2001.


Vương Tâm

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.