Nhà tù “sung sướng” trên đảo của Na Uy

16:52 | 24/08/2017

2,776 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là nơi giam giữ khoảng 115 tù nhân, tội phạm nguy hiểm, bị kết án giết người, buôn bán ma túy, hiếp dâm... song các tù nhân bị giam giữ tại nhà tù trên hòn đảo Bastoy của Na Uy không phải trải qua cuộc sống tù ngục như những nơi khác.  

Nhà tù hay khu nghỉ dưỡng?

Nằm cách bờ biển Oslo của Na Uy khoảng 75km, nhà tù trên đảo Bastoy được mệnh danh là “nhà tù sung sướng nhất thế giới”. Khác hẳn với những nhà tù thông thường, nơi đây không hề tồn tại những hàng rào điện, dây thép gai bao quanh, lực lượng bảo vệ có vũ trang hay chó tuần tra nghiệp vụ.

nha tu sung suong tren dao cua na uy
Nhà tù Bastoy nhìn từ trên cao

Các tù nhân trên đảo hoàn toàn không phải trải qua cuộc sống tù ngục như những nơi khác, họ được sống trong những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn màu sáng, hằng ngày tham gia các công việc như chăn nuôi, trồng trọt, đốn củi...

Một ngôi nhà trung bình là nơi ở của 6 tù nhân, tất cả đều có phòng riêng, nhưng dùng chung nhà bếp và một số thiết bị khác. Trong ngày, họ chỉ được cung cấp một bữa ăn, hai bữa ăn khác phải tự nấu.

Mỗi tù nhân sẽ nhận được 10USD/ngày và trợ cấp thực phẩm mỗi tháng. Họ sẽ dùng số tiền đó để mua đồ, nấu nướng cho hai bữa còn lại trong một siêu thị mini trên đảo. Các tù nhân cũng có thể thưởng thức các món ăn ngon như tôm, gà, cá hồi… vào bữa tối. Vào mùa hè, tù nhân có thể tắm nắng, câu cá, cưỡi ngựa giải trí, thậm chí sử dụng phòng xông hơi và sân tennis.

Điều đặc biệt là nhà tù trên đảo Bastoy cũng không trang bị còi báo thức buổi sáng. Mỗi tù nhân cần phải tự thức dậy đúng giờ và học cách có trách nhiệm với công việc.

Giới chức Na Uy khuyến khích sự thay đổi ở các tù nhân bằng cách giao trách nhiệm cho họ thông qua các lựa chọn. Tù nhân được tự quyết định công việc của mình. Có người chọn công việc chăn nuôi gia súc, người chọn chăm sóc ngựa, người khác lại thích làm nông dân, đầu bếp, quản lý cửa hàng, thợ mộc, hay cơ khí… Tuy nhiên, họ buộc phải tuân thủ lịch làm việc nghiêm ngặt từ 8 giờ 30 tới 15 giờ 30. Sau đó, phần lớn các nhân viên cai tù đều trở về nhà. Vào ban đêm, chỉ có 5 người trông coi toàn bộ số tù nhân.

Chứng kiến cảnh tù nhân tự do đi lại, nhiều người lầm tưởng nơi đây là một khu nghỉ dưỡng.

Tạo môi trường cho tù nhân thay đổi

nha tu sung suong tren dao cua na uy
Một tù nhân bị kết án 16,5 năm tù vì tội giết người và liên quan tới ma túy đang tắm nắng tại nhà tù Bastoy

Việc đối xử quá tốt với các tù nhân sau những lỗi lầm mà họ đã gây ra của Chính phủ Na Uy đã khiến không ít người cảm thấy quan ngại. Song, có vẻ như nhà tù Bastoy đang đi đúng hướng, khi chỉ 16% tù nhân mãn hạn ở đây có hành vi tái phạm sau 2 năm được trả tự do. Trong khi đó, theo thống kê, con số trung bình tại các nhà tù khác ở Na Uy là 20%, còn tại các quốc gia châu Âu lên tới 70%.

Cựu thống đốc Bastoy, Arne Kvernvik Nilsen cho rằng: “Cách duy nhất chúng ta có thể thay đổi một con người là khiến họ tự thay đổi bản thân mình. Và nhờ thế, họ có đủ tự tin để bắt đầu lại một cuộc sống mới, thay vì nhìn vào những thất bại hay sai lầm trong quá khứ”.

Arne Kvernvik Nilsen kể lại, một tù nhân từng chia sẻ với ông: “Thời gian sống ở Bastoy đã giúp tôi nhận ra mình không phải người xấu và tôi sẽ thay đổi cách sống của mình”.

Theo chính sách của Chính phủ Na Uy, mọi tù nhân ở nước này đều có quyền nộp đơn xin chuyển tới nhà tù Bastoy khi thời gian thụ án còn lại của họ là 5 năm, bất kể họ từng phạm trọng tội.

Các tù nhân ở Bastoy cũng có thể bắt đầu đi làm bên ngoài nhà tù 18 tháng trước khi họ chính thức được tự do, nhằm đảm bảo thu nhập và quyền bình đẳng cho họ khi tái hòa nhập.

Nhiều người tin rằng, cách làm này của Chính phủ Na Uy sẽ giúp các tù nhân ngồi tù lâu năm dần thích ứng được với cuộc sống bên ngoài, trước khi họ chính thức mãn hạn.

Mục đích mà Chính phủ Na Uy muốn hướng tới là tạo điều kiện tốt nhất cho các tù nhân tự thay đổi bản chất, tư duy và sống có trách nhiệm hơn với xã hội.

Minh Quân (theo Amusinhg Planet)