Nhà sai phép ở Hà Nội: Vì sao dễ xây, dễ làm? (Bài 2)

15:20 | 21/12/2015

1,171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề cập về nguyên nhân khiến tình trạng xây nhà sai phép ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, ngoài vấn đề yếu năng lực, kém đạo đức thì còn cả nhưng bất cập trong việc phân cấp quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội.
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam bai 3Nhà sai phép ở Hà Nội: Vì sao dễ xây, dễ làm?
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam bai 3
Dự án chung cư Thăng Long-Yên Hoà.

Như Petrotimes đã đề cập, sự xuất hiện tràn lan các công trình xây dựng không phép, trái phép… ở Hà Nội đang có diễn biến rất phức tạp, thậm chí đã xuất hiện dấu hiệu “coi thường” các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, xem pháp luật là thứ có thể thỏa hiệp.

Câu hỏi lực lượng thanh tra xây dựng Hà Nội yếu năng lực hay kém đạo đức đã được nhiều người đặt ra. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PetroTimes thì ngoài 2 “vấn đề” này thì việc lực lượng thanh tra xây dựng Hà Nội nằm ở các phường, xã đồng thời chịu sự quản lý của chính quyền địa phương cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng xây nhà trái phép tràn lan.

Tìm hiểu của Petrotimes cho thấy, theo Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thì:

Tại mục 1.4.3 Quyết định nêu: Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện đồng thời chịu sự chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã; có trách nhiệm giúp UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện kế hoạch quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; trực tiếp kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; chuyển hồ sơ tới Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và tham gia phối hợp xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện, thị xã theo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn do UBND Thành phố ban hành và các quy định hiện hành của pháp luật.

Còn tại mục 1.4.4 thì: Thanh tra Sở Xây dựng phân công một số thành viên thuộc các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện về làm việc tại các xã, phường, thị trấn để giúp UBND xã, phường, thị trấn, trực tiếp thực hiện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn theo các quy định của pháp luật và theo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Các công chức, lao động hợp đồng thuộc Thanh tra Sở Xây dựng khi làm việc tại UBND xã, phường, thị trấn đồng thời chịu sự chỉ đạo, điều hành của UBND xã, phường, thị trấn về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tham gia phối hợp xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn; có trách nhiệm báo cáo Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn theo quy định và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện.

Còn tại Quyết định 09/2014/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội thì thì Chủ tịch UBND cấp xã có nhiệm vụ “Chỉ đạo, điều hành tổ công tác của Đội thanh tra xây dựng cấp huyện đặt tại địa bàn…”.

Như vậy, lực lượng thanh tra xây dựng tại các quận, huyện, các phường, xã của Hà Nội sẽ đồng thời chịu sự quản lý của cả Thanh tra xây dựng quận và cả chính quyền địa phương. Và chính điều này, theo ông Phạm Viết Ngôn - nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) là nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến khi đề cập tới vấn nạn nhà sai phép ở Hà Nội.

Theo ông Ngôn, việc các công trình xây dựng sai phép, trái phép ở ngay mặt phố, cao nhiều tầng, lại xây dựng trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, xử lý rõ ràng là có tiêu cực. Tiêu cực ở đây có thể là những cuộc điện thoại từ cấp trên hoặc những mối quan hệ tình làng nghĩa xóm…

Nhìn lại một loạt các công trình xây dựng sai phép, trái phép của người dân ở Hà Nội thời gian gần đây thì có thể thấy nhận định của ông Ngôn xem ra chẳng sai chút nào. Như trường hợp nhà ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xây vượt tầng chẳng hạn. Nhà được cấp phép xây 7 tầng nhưng xây đến cả 10 tầng vẫn không bị lực lượng thanh tra phường Hàng Mã phát hiện xử lý. Và chỉ đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc, chính quyền phường Hàng Mã mới có động thái xử lý công trình xây dựng sai phép này.

Và cũng chính bởi cái sự tréo ngoe, bất cập trong phân cấp quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội nên theo nhiều chuyên gia là nguyên nhân khiến hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng của Hà Nội hoạt động kém “hiệu quả”.

Phân tích cụ thể hơn, vị này cho biết: Cứ nhìn vào những công trình xây dựng sai phép, trái phép ở Hà Nội thì biết, nếu không phải người có địa vị, gia đình có thân thế thì cũng là đại gia lắm tiền nhiều của nào đấy. Vì người ta có quan hệ nên nhiều khi cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở xã phường tặc lưỡi cho qua vì ngại động chạm. Còn đại gia thì chắc chắn, quan hệ của họ còn lớn hơn nhiều nên nhiều khi biết sai đấy cũng tránh!

Chính bởi những cái “ngại” trên nên theo vị này, mặc dù lực lượng thanh tra xây dựng của Hà Nội có biên chế lên tới gần 1.600 người được tổ chức thành 4 phòng nghiệp vụ, 2 Đội Thanh tra chuyên ngành, 30 Đội Thanh tra Xây dựng quận, huyện, thị xã, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn 584 xã, phường, thị trấn nhưng vẫn không quản nổi nhà trái phép. Lực lượng như vậy rõ ràng không hề mỏng bởi có thực tế nhân dân xây tít trong ngõ hẻm họ còn nắm bắt, “theo dõi”, “thanh, kiểm tra” xem có xây đúng phép, đáp ứng các tiêu chuẩn về xây dựng...

Nói vậy để thấy rằng, việc đặt lực lượng thanh tra xây dựng dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương, các quận huyện vô hình chung đã trở thành “cánh tay nối dài” cho những tiêu cực. Cứ hình dung thế này, nếu trước kia, thanh tra xây dựng được tổ chức theo ngành dọc, độc lập với chính quyền địa phương thì chắc chắn những rủi ro bị chi phối kiểu quan hệ sẽ ít. Nhưng khi bị cả chính quyền địa phương quản lý thì rõ rang, sự chi phối quan hệ đó sẽ phức tạp hơn nhiều!

Đây là điều rất cần có sự nhìn nhận, điều chỉnh trong thời gian tới!

Thanh Ngọc