Nhà phố và cuộc chiến với thực phẩm bẩn

07:15 | 29/09/2016

361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cũng là “vườn trong phố”, nhưng không hề thơ mộng như trong thơ Lưu Quang Vũ: “Trong thành phố có một vườn cây mát… Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”.

Mà là những ô vườn chật hẹp, khét lẹt mùi phân và nồng nặc mùi nước tiểu trên sân thượng, ngoài sân chung của những khu nhà phố vốn đã chật chội đến khó thở.

Một nhà báo, đã vừa phải lên mạng rao bán ngôi nhà ống của chị ở một khu tập thể trong lòng thành phố. Tôi ngạc nhiên bởi chị đã sống ở đây nhiều năm và khá hài lòng với nó bởi rất nhiều tiện ích (gần chợ, gần trường học, gần bệnh viện). Hài lòng hơn cả là nhà tuy trong ngõ hẹp một chút, lối đi chung vì thế cũng chật hẹp nhưng hàng xóm toàn người có ý thức, biết bảo ban nhau nên ngõ xóm khá sạch đẹp. Tôi bảo: “Nhà chị ổn thế, sao bán? Mà sao phải bán gấp?”. Như chạm vào nỗi bức xúc, chị xổ ra cả tràng, liên tu bất tận.

nha pho va cuoc chien voi thuc pham ban
Tận dụng những hộp xốp trồng rau sạch

Thì ra, kể từ khi báo chí nói nhiều về thực phẩm bẩn, một số nhà hàng xóm của chị bắt đầu tính chuyện nông thôn hóa thành thị. Ban đầu chỉ có một nhà: anh chồng bộ đội đi quanh năm suốt tháng chỉ có mỗi chị vợ đón ở quê ra mấy năm trước ở nhà trông nom nhà cửa. Chị này ở quê nên rất có kinh nghiệm cấy trồng. Thế là ngay lập tức, lối đi vào ngõ được chị đặt 6 cái thùng xốp để trồng rau muống. Để trồng rau sạch, chị chỉ tưới bằng nước tiểu. Mà, nước tiểu để vài ngày rồi mới tưới vì theo lời chị “như thế mới tốt”. Kể từ đó, xóm giêng nồng nặc mùi nước tiểu. Gió chiều nào thì hướng nhà đấy phải ngửi nặng hơn. Hàng xóm góp ý thì chị ấy bưng các hộp xốp vào nhà, không để ở dọc lối đi nữa. Nhưng ngặt nỗi nhà chật nên phải dâng hết lên sân thượng. Thế là thôi, hàng xóm cứ thế mà hưởng hôi thối, muỗi, bọ.

“Chưa hết - bạn tôi buồn bã kể tiếp - cả xóm sợ mùi hôi nên phong trào tự cung tự cấp không lan rộng. Nhưng lại nhưng có một bác về hưu lên trông nhà cho con đi công tác nước ngoài, rảnh rỗi và mùi nước tiểu để qua đêm cũng thấy chỉ ngai ngái như mùi phân bò ở quê thôi, nên hưởng ứng phong trào. Hai bên trao đổi giống má, kiến thức, kinh nghiệm tưới bón cho nhau. Để rồi, sau cùng, ngoài chuyện hàng xóm phải ngửi mùi nước tiểu, còn phải ngửi thêm cả mùi phân gà, khuyến mại thêm tiếng gà đập cánh phành phạch suốt đêm. Hai hộ gia đình quây hẳn một góc sân tầng 4 làm chuồng gà kết hợp trồng rau. Nhà phố san sát nhau, chị bạn tôi đen đủi lại bị kẹp giữa hai hộ trồng rau, nuôi gà nên lĩnh đủ. Chị kể, hôi thối và nhiễu loạn, không thể chịu được, chỉ còn mỗi cách bán nhà. “Trong ba sáu chước, chỉ có chước chuồn là hay”, chị cay đắng nói…

Càng ngày, truyền thông càng loan đi mạnh mẽ những tấm gương giỏi cấy trồng, chăn nuôi ở đô thị. Còn hot hơn cả những mẫu nhà đẹp từng có lượng view khá trên mạng bởi những người yêu kiến trúc, giờ đây, là những mẫu nhà mà chủ nhân của nó biến thành vườn chuồng để nuôi lớn, nuôi gà, trồng rau ngay trong những khu phố vốn đã chật hẹp và ngột ngạt trong lòng đô thị. Nào là gương chàng trai cải tạo phần diện tích đất tầng 1 và đất trống trền tầng 5, tầng 6 để thả cá, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Nào là chàng trai trồng dưa năng suất cao trên sân thượng… Nào là bí quyết trồng rau sạch trên ban công đủ ăn quanh năm… Tất cả đều được truyền thông ca ngợi như một mô hình tốt trong tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn như hiện nay. Nhưng tịnh, truyền thông bỏ qua những phiền lụy, mà đơn giản nhất là “rau dùng riêng nhưng mùi hôi hưởng chung”. Truyền thông, trong những trường hợp này đã rất thành công khi tạo được hiệu ứng lan tỏa của nó. Trên các diễn đàn dành riêng cho phụ nữ, phong trào vườn - ao - chuồng hóa thành thị dường như là chủ đề hot. Các mẹ thi nhau trồng rau, nuôi gà, share kinh nghiệm ầm ầm trên mạng xã hội.

Không ai dám trách họ. Kể cả khi những phiền lụy của mô hình vườn - ao - chuồng hóa thành thị đã nhìn thấy rõ như ban ngày. Bởi suy cho cùng, đó chính là cách người dân tự bảo vệ mình trong thảm họa thực phẩm bẩn hiện nay. Người tiêu dùng phải tự cung tự cấp thực ra là cách tự vệ cuối cùng của họ, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của gia đình và bản thân họ. Trong một cuộc tọa đàm mới đây về cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn do VCCI tổ chức, TS Lê Đức Thịnh - Cục phó cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nêu thực tế: Vấn nạn thực phẩm bẩn đang khiến toàn xã hội hoang mang. “Chúng ta đang chứng kiến cảnh người tiêu dùng bước chân ra chợ là mang theo dụng cụ thử thực phẩm, nhà nhà trang bị máy khử độc ozone… Điều đó cho thấy, người tiêu dùng đã không còn tin tưởng vào nhiều sản phẩm hàng hóa được bày bán trên thị trường”. Thì đến ngay cả những lô thịt heo có giấy chứng nhận VietGap, hồi tháng 5 mới đây Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh sau khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh cũng phát hiện heo có chất tạo nạc Salbutamol. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội chia sẻ, hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong mà nó đã len lỏi vào cả các siêu thị uy tín nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Người dân bây giờ đi ra chợ giống như lạc và “ma trận” hàng hóa, họ không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Ông Phú cho rằng, chúng ta cứ hô hào: “Mỗi người tiêu dùng Việt Nam phải là người tiêu dùng thông thái, nhưng làm sao mà thông thái được khi bản thân mỗi chúng ta không thể phân biệt được đâu là quả táo sạch, đâu là quả táo ngâm hóa chất?”.

nha pho va cuoc chien voi thuc pham ban
Trồng rau bằng phương pháp thủy canh

Mỗi người dân không phải là một nhà khoa học và họ cũng không phải có nghĩa vụ buộc phải biết đâu là thực phẩm sạch và đâu là thực phẩm bẩn. Khi người dân không có cơ sở để tin về độ sạch của thực phẩm trên thị trường thì như một lẽ tất nhiên họ sẽ phải vườn ao chuồng hóa thành thị. Và khi thành thì bị nông thôn hóa, dù chỉ là một khía cạnh, cũng đã là bi kịch với biết bao hệ lụy do trái quy luật tự nhiên.

Một câu hỏi đặt ra là vậy thì nhà quản lý ở đâu trong cuộc chiến đầy cam go với thực phẩm bẩn hiện nay? Bởi chỉ có nhà quản lý mới có thể kiểm soát được tận gốc nguồn gốc của thực phẩm trước khi ra thị trường và đến tay người dân. Khi và chỉ khi nhà quản lý trao cho người dân niềm tin về độ sạch của thực phẩm thì khi ấy phong trào vườn ao chuồng hóa thành thị với biết bao hệ lụy không đáng có mới lắng xuống và mất đi, trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó…

Song Thi

Năng lượng Mới 561

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc