Nhà hát “ngái ngủ”

07:08 | 16/09/2016

711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nước ta có rất nhiều di sản văn hóa, kiến trúc nổi tiếng, trong đó Nhà hát Lớn Hà Nội là một di sản đặc biệt.

Thế nhưng, là nhà hát mà không mấy khi có hát. Mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến Nhà hát Lớn Hà Nội bị đóng cửa im ỉm, tối đèn quanh năm, trong khi nhiều hội trường, sàn thi đấu thể thao, sân đá banh trở thành nơi biểu diễn nghệ thuật đông nghịt khán giả, xô bồ, nhộn nhạo đến xem ca hát thị trường với giá vé rất đắt. Thế là 870 ghế không có ai ngồi xem hát. Thi thoảng có các buổi “ngoại giao nghệ thuật” nhưng các hàng ghế dành cho giấy mời VIP đến các hàng ghế “chuồng cu” đều trống hơ trống hoác vì vắng khách quá.

Đã có một thời gian dài, giá thuê nhà hát quá cao khiến các đơn vị nghệ thuật quốc doanh chào thua. Dám tổ chức biểu diễn ở Nhà hát Lớn chỉ có các bầu show lớn với dàn ca sĩ diva. Vậy nên để vào Nhà hát Lớn biểu diễn vẫn là “giấc mơ xa xỉ”, dẫu gần thế mà nghệ sĩ vẫn “mơ về nơi xa lắm”… Lại có người dè bỉu: Tuồng, chèo, cải lương vào nhà hát Tây làm gì?

Nhà hát Lớn Hà Nội, thánh đường nghệ thuật đã trên 100 tuổi. Năm 1911, sau 10 năm xây dựng, Nhà hát Lớn Hà Nội - một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật lớn nhất Việt Nam thời đó theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris được khánh thành. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội. Tối mùng 9-12-1911, lễ khai trương Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu với vở hài kịch “Le Voyage de monsieur Perrichon” (Chuyến đi của ông Perrichon) của Eugène Labiche và Édouard Martin. Số tiền thu được từ buổi biểu diễn được nhóm kịch Philarmonique ủng hộ cho những trẻ em sống lang thang trên phố.

nha hat ngai ngu

Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn Hà Nội đã giữ vai trò là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch.

Nhà hát Lớn trở thành một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như “Thánh đường nghệ thuật” mà rất nhiều nghệ sĩ vẫn ao ước một lần được biểu diễn dưới ánh đèn nhà hát này.

Cách đây tròn 50 năm, Đội kịch sinh viên của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi được vinh dự về đây biểu diễn hai đêm kịch nói. Một vở là “Thúy Kiều” của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị và vở “Nổi gió” về đề tài cách mạng của Học Phi. Nhờ đó, đám sinh viên văn khoa chúng tôi mới có cơ hội mục sở thị “Thánh đường nghệ thuật”.

Mấy chục năm rồi, trải bao thăng trầm, nhà hát bây giờ như “bà hoàng nhiễm bệnh thần kinh”, ngủ mải miết hết ngày dài lại đến đêm thâu.

Nhà hát Lớn ngủ vùi, ngủ nướng khiến Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện băn khoăn lắm. Ông không chịu chấp nhận thảm cảnh này. Ông quyết định mở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật một cách thường xuyên, đã khơi đúng tâm tư của giới nghệ sĩ khi ước mơ của họ thành hiện thực, đồng thời ai cũng thấy phải có trách nhiệm với vở diễn, vai diễn của mình.

Đón nhận tin vui đánh thức “bà hoàng ngủ vùi” này, Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu từ TP HCM khẳng định, đây là chủ trương đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng không chỉ trong giới nghệ sĩ mà còn của đông đảo khán giả. Cánh cửa Nhà hát Lớn rộng mở sẽ tạo điều kiện cho diễn viên, nghệ sĩ có địa chỉ biểu diễn xứng tầm, phục vụ khán giả. Khi điều kiện đã có rồi, các đoàn nghệ thuật cần phải tính đến chuyện nghiên cứu, xây dựng tác phẩm cho thật tương xứng để thu hút khán giả.

Còn NSND Hồng Vân mong lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nên thực hiện dài hạn chủ trương này, tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật ở phía Nam và miền Trung có những tác phẩm xuất sắc, được công chúng yêu thích ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều đó sẽ vừa thay đổi được kịch mục, màu sắc biểu diễn và làm tăng sự giao lưu, học hỏi giữa các đoàn nghệ thuật.

Các chuyên gia văn hóa đồng tình với chủ trương của Bộ, cho rằng quyết định này là rất đúng lúc và vô cùng cần thiết, không phải chỉ cho các nhà hát mà còn mở ra một tầm nhìn mới về văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn. Chủ trương của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã giúp cho nghệ thuật được trình diễn ở nơi xứng tầm, mang lại cho các nghệ sĩ niềm vui lớn.

Được lời như cởi tấm lòng, 12 đơn vị nghệ thuật truyền thống hăm hở chuẩn bị vở diễn để đưa gần 20 buổi biểu diễn trong 4 tháng cuối năm đã sẵn sàng và sang năm 2017 cũng đã chốt được gần 100 buổi diễn vào các ngày cuối tuần.

Trước đó, tối 30-8, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam được chọn mở màn cho dự án “vàng” của Bộ trưởng. Tối 31-8 là vở kịch “Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch Việt Nam và chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực” do Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn tối 1-9… Chủ trương của Bộ trưởng là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Lớn và 12 nhà hát được dư luận đón nhận như một cú hích cho nghệ thuật. Trước mắt là khép kín kịch mục cho nhà hát tỉnh giấc. Dẫu vẫn còn ngái ngủ nhưng vẫn còn hơn ngủ mê.

Bảo Dân

Năng lượng Mới 558

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc