Nhà giáo & Văn hóa ứng xử

07:00 | 14/04/2018

1,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc liên quan đến hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra trên khắp cả nước. Điều này đã và đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi nhức nhối về đạo đức nhà giáo và văn hóa ứng xử học đường. 

Ứng xử thiếu chuẩn mực

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan tới cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong nhà trường của giáo viên đã khiến dư luận bức xúc.

Đó là việc cô giáo phạt học sinh quỳ cả một tiết học ở Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), ngay sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh học sinh bị cô giáo phạt quỳ cũng bắt cô giáo quỳ để “trả thù”.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây xã hội lại bị “sốc” khi báo chí đưa tin về việc giáo viên Trường THPT Long Thới (TP Hồ Chí Minh) “khủng bố” tinh thần học sinh bằng cách im lặng suốt 3 tháng, mặc cho học sinh kiến nghị, cầu cứu.

Chưa hết, một giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng. Sau đó, tại Quảng Bình, một học trò dùng dao đâm thầy nhập viện vì thầy giáo tát học trò khi khuyên can xóa bỏ hình xăm.

nha giao van hoa ung xu
Giáo viên trong một tiết dạy

Gần đây, câu chuyện giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên (TP Hồ Chí Minh) sử dụng những ngôn từ phản cảm đối với học sinh, khiến các em phải làm đơn kêu cứu, đổi giáo viên…

Có thể nói, dù các vụ việc xảy ra có cả lỗi của học sinh, phụ huynh và giáo viên, nhưng không thể không đặt ra câu hỏi về cách ứng xử và đạo đức của người làm nghề giáo.

Ở cương vị Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: Những sự việc xảy ra vừa qua, trước tiên các thầy cô giáo đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo. Dường như nhiều thầy cô giáo không ý thức về nghề nghiệp và việc giữ gìn hình ảnh của mình. Do đó mới có việc cô quỳ gối trước mặt học trò, vì nghĩ rằng làm thế cho qua chuyện để mình không bị kỷ luật, chứ không nghĩ đến việc giữ hình ảnh nhà giáo của mình.

Ông Lâm phân tích, là nhà sư phạm trước hết phải khoan dung với học trò, nghĩ ra cách giáo dục tốt hơn chứ không phải trừng phạt các em. Riêng hành động bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng là việc làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà giáo. Phương pháp giáo dục quyền uy quá nặng, luôn áp đặt học trò, luôn cho rằng thầy, cô giáo là đúng, học sinh phải thực hiện theo ý mình, không mang lại hiệu quả trong quá trình “trồng người”.

Lỗ hổng trong đào tạo sinh viên sư phạm?

Ở góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhìn nhận, các vụ việc trên dù xảy ra ở một số trường tại một số địa phương, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Rõ ràng, dấu hỏi về đạo đức nhà giáo là có thật. Câu trả lời không chỉ nằm ở phía nhà quản lý giáo dục mà còn nằm cả ở khâu đào tạo giáo viên sư phạm để có những giáo viên không chỉ giỏi về nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Khi học sinh được nuông chiều, giáo viên chịu nhiều áp lực thì việc trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm rất quan trọng, giúp nhà giáo có cách xử trí hợp lý trước những tình huống khó. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay dành quá ít thời gian để dạy kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Chẳng hạn, tại Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nào sinh viên cũng được học môn Thực hành sư phạm với nửa kỳ lý thuyết, nửa kỳ thực hành, nhưng môn này chỉ nghiêng về xử lý tình huống thường thấy trong lớp như: Học sinh hỏi quá nhiều, nói chuyện riêng… Chương trình thiếu các nguyên tắc, chuyên đề cụ thể giúp giáo viên đánh giá hành động, suy nghĩ của học sinh để tính toán cách giải quyết”.

TS Vũ Thu Hương cho biết thêm, ở nhiều quốc gia, việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm chiếm thời lượng lớn. Sinh viên sư phạm ở Đức được xem các video tình huống và phân tích, tìm cách giải quyết vấn đề. Sinh viên sư phạm ở Singapore từ năm thứ nhất đại học đã đến các trường học tìm hiểu về môi trường làm việc và hỗ trợ một vài công việc trên lớp cho giáo viên chính.

GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - thẳng thắn: Giáo viên lúng túng trong việc xử lý các tình huống hoặc xử lý không đúng nghiệp vụ sư phạm là do chương trình đào tạo chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý trong giao tiếp, trong quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh.

Điều đó cũng đúng với nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục: Quá trình đào tạo giáo viên hiện nay còn để “trống” mảng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống...

Có thể nói, trong câu chuyện ứng xử không chuẩn mực của giáo viên, trách nhiệm chính thuộc về bản thân các thầy cô giáo tiếp đó là các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục. Việc đó gây ra nhiều hệ lụy, làm cho nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, gây ra những mâu thuẫn, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Thầy cô giáo không chỉ dạy học sinh tri thức mà còn phải dạy bằng chính nhân cách của mình.

Giáo viên lúng túng trong việc xử lý các tình huống, hoặc xử lý không đúng nghiệp vụ sư phạm, là do chương trình đào tạo chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý trong giao tiếp, trong quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.