Nhà báo Lê Khắc Hoan: Mực mài nước mắt

21:10 | 20/06/2017

807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở tuổi 80, nhà báo kỳ cựu Lê Khắc Hoan vừa ra mắt cuốn sách “Làm báo - mực mài nước mắt” tái hiện nửa thế kỷ làm báo giáo dục vô cùng khác lạ và thú vị của ông. Ông trò chuyện với chúng tôi thân tình như người nhà, như bạn nghề thân thiết về cuốn sách này.

PV: Vì sao tuổi càng cao, bị bệnh (lại là bệnh hiếm nên phải ra Hà Nội mới có bác sĩ chữa được) ông càng nỗ lực viết và ra sách. Xin ông “bật mí” về động lực của mình?

nha bao le khac hoan muc mai nuoc mat

Nhà báo Lê Khắc Hoan: “Dự án” về cuốn ký sự “Làm báo - mực mài nước mắt” của tôi đã phôi thai từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi bắt đầu làm báo chuyên nghiệp. Đầu thế kỷ XXI, bắt đầu tính chuyện biên soạn. Nhưng càng ngẫm càng thấy khó, bị ngợp với ngút ngàn kỷ niệm, chẳng biết lần từ đầu dây mối nhợ nào mà kể cho liền mạch. Mãi đến năm 2015, tôi “có vinh dự” là người Việt Nam đầu tiên mắc chứng bệnh ảo giác âm nhạc. Trên thế giới mới phát hiện dăm bảy chục bệnh nhân. Chưa tìm ra phác đồ điều trị, chưa có thuốc đặc trị. Nan y! Không ngờ, trong họa có phúc. Bệnh ảo giác âm nhạc làm “lóe” ra cách thức thể hiện cuốn ký sự. Trong chương mở đầu cuốn sách, tôi đã kể tỉ mỉ.

Như vậy là “nhờ” có trọng bệnh mà tìm được cách viết - một cú ăn may chứ chẳng phải “tuổi cao trí càng cao”. Còn bí quyết? Có một điều tôi tâm đắc nhất khi làm cuốn này, đó là tìm cách tạo ra “nét riêng”, “tính khác biệt” của tác phẩm.

Trên thị trường những năm qua đã xuất hiện rất nhiều cuốn hồi ký, truyện ký, chân dung… nói về nghề báo của các nhà báo lão thành. Năm nào dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 cũng ấn hành thêm dăm cuốn. Và cũng phải tính cả hàng ngàn bản thảo của các nhà báo đã hoàn thành, đang biên soạn hoặc… sắp viết. Như vậy, cuốn sách của mình muốn ló mặt trong “cánh rừng” này thì phải có điều gì đó đặc biệt, khác biệt.

“Chuyện dài lắm, có dịp tôi sẽ giãi bày tường tận. Chỉ xin nói thêm: Đây là cuốn thứ hai tôi làm theo “loại hình khác biệt” này. Cuốn đầu tiên là "Trăm năm ly hợp" - Lê Khắc Gia phả chí do NXB Lao Động ấn hành năm 2013 và năm 2014 đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm - một cuộc hội thảo “đông chưa từng thấy” và có chất lượng tốt.

PV: Tên sách "Mực mài nước mắt" nghe thương quá. Tại sao ông không coi đây là một nghề hạnh phúc, dù có cực vất vả, nguy hiểm? Trong nghề làm báo mà ông trải qua đã 5 chục năm, ông tâm đắc nhất câu gì về nghề?

Nhà báo Lê Khắc Hoan: Cuốn ký sự của tôi thoạt đầu mang tên “Ký giả tay mơ”. Công ty Trí Việt khen bản thảo, nhưng chê cái tên “nhàn nhạt, khó quảng bá, khó bán”. Vậy thì đặt tên khác. Cụm từ “Mực mài nước mắt” nguyên là tựa đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lan Khai xuất bản từ năm 1941 nói về thân phận các cây bút thời đó. Nghe hay hay, ấn tượng, nên bảy chục năm qua dần trở thành thành ngữ. Nhà văn Trần Quốc Toàn khi viết bài giới thiệu cuốn ký sự của tôi, dùng lại thành ngữ “Mực mài nước mắt” khi luận bàn về cái “bi” (trong cả cụm “tráng bi hài”). Những người làm sách liền chộp lấy cái tên “Làm báo - mực mài nước mắt”. Và quả nhiên, sức thu hút của cuốn sách được nâng lên rõ rệt.

Trải qua 50 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi tâm đắc nhất câu “Làm báo là làm chính trị”. Trong 50 năm làm báo, có 25 năm theo cơ chế quan liêu bao cấp, 25 năm theo cơ chế kinh tế thị trường, luôn thấy mình có chủ, mà ta hay gọi là thượng đế. Thời xưa, số một là các cấp quản lý, số hai là bạn đọc. Thời nay, đảo lại, dần dần bạn đọc đóng vai “số một”. Vấn đề này cũng “nhạy cảm” đấy. Dù theo yêu cầu, chủ trương đường lối của ai, thì nhà báo nào cũng hiểu được mình đang làm chính trị. Ở thế giới phát triển cũng thế thôi.

nha bao le khac hoan muc mai nuoc mat

PV: Ông vừa là nhà văn, nhà báo, thậm chí… nhà thơ nữa, phải chăng bí quyết "3 trong 1" giúp ông giỏi nghề và giỏi giữ nồi cơm cho gia đình trong những giai đoạn ông từng trải qua?

Nhà báo Lê Khắc Hoan: Làm gì có bí quyết “3 trong 1”. Bạn lại căn cứ vào mấy bài thơ “con cóc” trong cuốn sách mà tôn vống tôi thành nhà thơ rồi (cười). Một số bạn bè thân thiết khác (như Ma Văn Kháng, Hoàng Minh Tường, Trần Đăng Khoa…) dựa vào mấy tác phẩm văn chương và giải thưởng văn học mà tôn xưng tôi là nhà văn. Còn tôi, chỉ tự nhận mình là nhà báo. Trong cuốn sách, tôi tự bạch: “…Rõ ràng hắn chẳng phải nhà văn hư cấu tưởng tượng bay bổng tài hoa - đúng như nhà văn bạn hắn là Văn Hồng thẳng thắn nhận xét trong một cuốn sách khắc họa chân dung. Hắn chỉ là một anh chàng thư ký tỉ mẩn cần cù. Hắn toàn viết thể ký. Cho nên kêu hắn bằng ký giả là đúng nhất…”.

Còn “bí quyết giữ nồi cơm”, có lẽ ở trường hợp tôi là câu tục ngữ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề…”. Năm 1966, tôi đang là “cây bút văn chương nhiều triển vọng” thì đầu quân làm nhà báo chuyên nghiệp. Tất thảy người thân đều khuyên tôi cùng lúc làm nghề báo và nghề văn. Song, tự lượng năng khiếu, khí chất, nghị lực của mình, tôi biết, với riêng mình, như mình, thì chỉ có thể làm thật tốt một trong hai việc, làm văn hoặc làm báo. Phải chăng duyên nghiệp giời cho, giời đày, tôi chọn nghề báo, dứt khoát. Suốt 50 năm sau đó, không hề viết truyện ngắn, truyện dài. Chỉ viết báo chí, phóng sự, ký sự. Có cuốn ký sự dài trên 400 trang sách, nhưng vẫn là ký sự. Rời bỏ con đường văn chương không chút luyến tiếc, suốt 50 năm ấy, 1966-2016, từ tuổi 30 tới tuổi 80, tôi tập trung làm báo chuyên nghiệp. Nghề báo thực sự “chín”. Nghề không phụ người. Giỏi nghề nên “giữ được nồi cơm đầy cho gia đình”. Ông bạn Văn Hồng từng “ca” rằng: “Dân gian thường nói “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”. Nhưng với những cây bút như tôi, lại khác: nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà… giàu!

PV: Qua thời "xưa nay hiếm", ông thấm thía gì nhất?

Nhà báo Lê Khắc Hoan: Ở tuổi 80, tôi cảm nhận rất rõ là tình yêu bao gồm phần “hồn” và phần “xác”. Thời trẻ tráng, xác và hồn quấn quít. Lúc già yếu, thể xác vật vờ, thì phần hồn chiếm trọn tình yêu. Tức là năng lượng tình yêu về già không hề giảm sút, mà lại thăng hoa.

Còn về tình yêu theo nghĩa rộng, thì gừng càng già càng cay. Tôi đã kết thúc cuốn “Mực mài nước mắt” bằng mấy dòng:

“…Thấm thía.

Cái gì rồi cũng tiêu tan

Chỉ tình yêu còn lại với nhân gian đời đời…”.

Mai Khanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc