Nguyên nhân thật khiến phe đối lập Syria từ chối đến Geneve

16:43 | 29/01/2016

8,428 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm 28/1, phe đối lập Syria chính thức đưa ra lời từ chối đến Geneve, Thụy Sĩ, để dự hội nghị hòa bình do LHQ tổ chức. Vì sao họ lại quyết định rút lui khi mà chỉ còn một ngày nữa các cuộc hòa đàm sẽ bắt đầu? Liệu có bàn tay của Mỹ trong vụ này?
nguyen nhan that khien phe doi lap syria tu choi den geneve
Các binh sĩ thuộc lực lượng chính phủ Syria ăn mừng chiến thắng tại Aleppo

Chả ai dại đàm phán trong thế yếu

Ngày 29/1, LHQ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái đang tham chiến tại Syria.

Cho đến nay, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) do Arập Xê út hậu thuẫn được coi là đại diện của phe đối lập Syria sẽ tham dự vòng đàm phán tại Geneve, Thụy Sĩ. HNC được thành lập hồi tháng 12/2015, là tổ chức đại diện cho liên minh gồm nhóm đối lập chính Liên minh Dân tộc Syria và nhiều phe phái nổi dậy lớn đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Trước khi lên máy bay sang Geneve, nhóm này họp bàn lần thứ 3 ở Riyadh, thủ đô Arập Xê út. Kết thúc cuộc họp, buổi tối hôm qua, 28/1, nhóm này ra thông báo khẳng định họ “chắc chắn” sẽ không tới Geneve vào ngày 29/1.

Lý do được đưa ra là họ không nhận được những câu trả lời thuyết phục đối với các yêu cầu về những bước đi thiện chí, bao gồm việc kết thúc không kích và phong tỏa.

Trước đó, HNC muốn có một sự đảm bảo từ cộng đồng quốc tế rằng các bên tham chiến tại Syria phải kết thúc các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo tới các khu vực hiện đang bị bao vây.

Ngày 25/1, Reuters dẫn lời Asaad al-Zoubi - một thành viên HNC nói với kênh truyền hình Arab Al Ikhbariya rằng "Nga và Iran là vật cản" ngăn chặn cuộc đàm phán hòa bình. "Mục đích của chế độ và những người ủng hộ nó chỉ là các giải pháp quân sự", ông Zoubi cho biết. Damas, Nga và Iran đã tạo ra những trở ngại để đảm bảo các cuộc đàm phán không thể diễn ra.

HNC đồng thời còn cáo buộc rằng chính phủ Syria và Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thất bại nào của cuộc đàm phán.

Theo giới phân tích, lý do thực sự khiến đối lập Syria không ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Damas là vì họ đang thất thế trên thực địa trước lực lượng chính phủ Syria. Đàm phán vào lúc này sẽ vô cùng bất lợi cho họ. Mạng tin Debkafile của Israel nhận định, tiến trình chuyển đổi chính trị ở Damas sẽ phụ thuộc nhiều vào cục diện chiến trường, đặc biệt ở miền bắc Syria.

Trong tuần qua, quân đội chính phủ Syria đã liên tiếp giành nhiều chiến thắng trên mọi mặt trận. Chỉ từ ngày 14 đến 21/1, quân đội Syria và các lực lượng vũ trang nhân dân nước này, được sự hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Nga, đã tấn công và tiêu diệt nhiều vị trí đồn trú của lực lượng khủng bố ở các tỉnh Lattakia, Homs, Damascus, Deir Ezzor, Aleppo, Daraa và Homs.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch oanh kích ở Syria cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Assad đã tái chiếm được ít nhất 8 tỉnh. Trước giờ, phiến quân Syria luôn đòi Tổng thống Assad từ chức nhưng với tình hình hiện giờ, cả Mỹ và phương Tây cũng phải “rụt vòi” không còn coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Có bàn tay của Mỹ?

Ngay khi Nga can thiệp Syria, Mỹ và phương Tây đã bền bỉ lên tiếng phản đối cho rằng Nga đánh các phe đối lập ở Syria chứ không chỉ mỗi IS. Nhà Trắng từ lâu đã ngầm ủng hộ rất nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo tại Syria và không ít nhóm trong số này đang reo rắc nỗi kinh hoàng bằng các vụ tấn công khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.

Chính vì thế, trước thềm cuộc đàm phán lần này, Washington cần phải đưa ra quyết định rõ ràng về việc phe đối lập nào bị coi là khủng bố và bị loại ra khỏi cuộc đàm phán.

Dù đã loại bỏ IS và Tổ chức Mặt trận al-Nusra khỏi danh sách các phe phái đối lập sẽ tham gia cuộc đàm phán tại Syria, Mỹ vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi trong số các nhóm phiến quân còn lại có không ít nhóm hợp tác rất chặt chẽ với Tổ chức Mặt trận al-Nusra và các nhóm Hồi giáo Thánh chiến khác.

Ngoài ra, tình hình còn phức tạp hơn rất nhiều khi hầu hết các nhóm này đều nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ. Trong khi Chính phủ Mỹ tuyên bố đang “làm rõ họ ủng hộ phe đối lập nào” thì tờ Daily Beast lại hé lộ thông tin rằng, một số nhóm phiến quân được CIA hậu thuẫn đang hợp tác với al-Qaeda.

Tài liệu giải mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) hồi tháng 8/2012 tiết lộ Washington, Ankara và các nước Vùng Vịnh đang tìm cách gây dựng phong trào Hồi giáo của người Sunni ở phía Đông Syria nhằm gây áp lực với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al- Assad. Những kẻ thực hiện phong trào Hồi giáo này cũng tìm cách kết nối với những kẻ cực đoan tại Iraq để hình thành một Nhà nước Hồi giáo.

Cựu Giám đốc DIA Michael Flynn trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera khẳng định, quyết định hợp tác với những kẻ thực hiện phong trào Hồi giáo nói trên cùng tổ chức al-Qaeda và Anh em Hồi giáo ở Syria hồi năm 2012 là “quyết định rất duy ý chí”.

Chính vì vậy, việc Washington không muốn thiết lập một liên minh với Nga để chống IS và al-Qaead là không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn thế nữa, Chính phủ của Tổng thống Obama đã nhiều lần tìm cách cáo buộc Nga đã tấn công vào “phe đối lập ôn hòa” tại Syria.

Nhà phân tích địa chính trị Toni Cartalucci, cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình chỉ là một nỗ lực khác để làm trật hướng các cố gắng của Nga và chính phủ Syria trong việc tái thiết đất nước này. Washington, NATO và các đồng minh vùng Vịnh vẫn hy vọng Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và một thể chế thân phương Tay sẽ lập lại hòa bình ở Damas.

Ông Cartalucci cho rằng: “Phương Tây và Mỹ nói riêng luôn đề cập đến tình hình ở Syria bằng một giọng hòa giải”. Trong khi đó, các đồng minh của Washington lại luôn tìm cách xen ngang vào những nỗ lực của Nga và chính phủ Syria. Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán ở Geneva, Washington và các đồng minh trong khu vực đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Syria. Cùng lúc đó, với sự hỗ trợ của Không quân Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được nhiều phiến quân Hồi giáo cực đoan ra khỏi các căn cứ trọng yếu trong nước.

Theo ông Cartalucci, việc phe đối lập Syria hủy không tham gia các cuộc đàm phán ở Geneva chỉ đòn “câu giờ”. Nga và Syria nên tiếp tục các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng các biện pháp ngoại giao cũng như gạt bỏ các rào cản ở Trung Đông. “Đánh bại hoàn toàn các “tay chân” của phương Tây trên chiến trường, bảo vệ biên giới Syria, hình thành lực lượng quân sự để ngăn chặn sự can thiệp vũ trang của phương Tây… là những biện pháp hữu hiệu nhất để đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria”, ông Cartalucci gợi ý.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc