Nguyễn Hoài Giang: Tự tin sải bước trên những hành trình mới

14:55 | 29/03/2011

2,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ai đã từng một lần gặp Tổng giám đốc Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang dù là ở ngoài đời, trên công trường hay qua những lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình đều dễ dàng nhận thấy vẻ bề ngoài phong trần, “bụi bặm” của anh.

Nhưng dấu ấn về anh lại là một con người cởi mở, dễ gần và hơn nữa còn là những quyết định táo bạo của một “tổng tư lệnh” trách nhiệm, luôn biết “khắc chế” những vấn đề hóc búa và đang tiếp tục tự tin trên hành trình gắn bó với nền công nghiệp lọc hoá dầu non trẻ, mới mẻ của Việt Nam.

Luôn bình tĩnh hoá giải vấn đề

Ông Nguyễn Hoài Giang.

Với thái độ cầu thị, “vốn liếng” kinh nghiệm công trường dày dạn cùng nền tảng chuyên môn vững vàng, Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang luôn gây ấn tượng với báo giới bằng cách trả lời thẳng thắn, rõ ràng và ngắn gọn đối với bất cứ câu hỏi nào liên quan đến công tác quản lý, kỹ thuật vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Anh tâm sự, NMLD Dung Quất là một dự án có quy mô lớn, trải dài gần 14km với công nghệ hiện đại và phức tạp vào bậc nhất châu Á, do đó khi mới đưa vào vận hành cũng không tránh khỏi những trục trặc nhất định và phải khắc phục trong thời gian đầu. Hiện nay, BSR đang tập trung nguồn lực làm chủ công nghệ để ngăn ngừa sự cố từ xa cũng như kịp thời khắc phục sự cố một cách chủ động, an toàn, hiệu quả và nhanh nhất.

Do đó đến thời điểm này, đội ngũ của BSR hoàn toàn kiểm soát được mọi việc và đang vận hành nhà máy với trạng thái tốt nhất. Kể từ khi nhận bàn giao vào cuối tháng 5/2010 đến nay, nhà máy luôn vận hành với 100% công suất thiết kế, thậm chí thời điểm gần đây, do đã “bắt nhịp” với nhu cầu thị trường nên BSR đã nâng lên 105% công suất cực đại nhưng vẫn không hề xảy ra sự cố nào ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Nhắc lại quãng thời gian hơn một năm về trước, vào thời điểm nhà thầu Technip chuẩn bị chuyển giao NMLD Dung Quất cho phía Việt Nam, anh “nửa đùa nửa thật”: Với trách nhiệm của một tổng chỉ huy công trình, thời điểm đó lúc nào cũng phải “sống trong sợ hãi” giữa bộn bề công việc, vừa lo kiểm soát mọi ngõ ngách của công trình, vừa phải lo giám sát các công đoạn cuối cùng sao cho “xuôi chèo mát mái”.

Và đến tận bây giờ, anh vẫn không thể quên được cảm giác “phiêu diêu” khi sát cánh cùng đông đảo anh em công nhân viên thao thức không ngủ để chờ đợi giây phút nhà máy cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam ngày 22/2/2010. Theo anh, để có được giây phút trọng đại, mốc son mới trong lịch sử ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam, tất cả đã phải trải qua những chuỗi hành trình gian nan, đặc biệt là phải khắc phục những sự cố phức tạp khó lường.

Nhớ lại sự cố rò rỉ van xảy ra thời điểm cuối năm 2009, hàng loạt ý kiến chuyên môn tại các cuộc họp đãđược đưa ra tranh luận để thống nhất biện pháp xử lý. Mặc dù theo các chuyên gia Technip từng xây các nhà máy lọc dầu nổi tiếng trên thế giới, sự cố rò rỉ van ở Nhà máy Dung Quất là chuyện bình thường, bởi lẽ nhà máy đang trong thời kỳ vận hành thử, nhưng trước sức ép tiến độ, việc khắc phục nhanh sự cố này là bài toán khó cần có lời giải ngay.

Trong lúc tưởng chừng bế tắc đó, “đánh cược” cả trách nhiệm và uy tín của mình, vào phút cuối cùng, Nguyễn Hoài Giang đã ra quyết định cho khắc phục van chuyên dụng bị hỏng ngay tại phân xưởng sửa chữa của nhà máy.Và cuối cùng, sự táo bạo, quyết đoán của anh cũng được đền đáp khi dòng dầu thương phẩm đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã “ra lò” trước tiến độ 3 ngày. “Trong mọi tình huống phát sinh, phải luôn giữ được sự bình tĩnh để đưa ra những giải pháp tối ưu, kịp thời cùng các chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy tháo gỡ khó khăn bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất”, Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang chia sẻ.

Lửa thử vàng…

Trước khi trở thành Tổng giám đốc BSR như hiện nay, Nguyễn Hoài Giang đã “thử lửa” nhiều vị trí công tác. Hơn 5 năm lặn lội ở các giàn khoan, từ kỹ sư máy tính, thiết kế, tự động hóa đến trưởng ca điều độ công nghệ giàn nén khí ở mỏ Bạch Hổ, anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, do đó đã được “biệt phái” về Dung Quất, tham gia giai đoạn thiết kế nhà máy liên doanh với Nga.Từ 2002-2003, anh làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Giám đốc chạy thử nhà máy kiêm Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (5/2008). Ở bất cứ vị trí nào anh cũng luôn là một người hết mình cho công việc với thái độ thẳng thắn, tinh thần ham học hỏi và lắng nghe…, đặc biệt luôn “thử sức” mình trong những hoàn cảnh khó khăn, gay cấn nhất.

Thông thạo 4 ngoại ngữ, cộng với vốn kinh nghiệm chuyên môn, Nguyễn Hoài Giang còn đảm trách luôn vai trò của một phiên dịch đặc biệt trong các buổi họp báo cáo tiến độ của nhà thầu Technip với Chính phủ, bởi lẽ anh là người hiểu chắc vấn đề và có thể trao đổi bằng ngoại ngữ với các chuyên gia quốc tế.

Trong quá trình làm việc với đại diện nhà thầu nước ngoài, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và trách nhiệm của một người am hiểu chuyên môn, Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang đã bàn bạc, trao đổi kỹ lưỡng để xây dựng phương án chi tiết cho hoạt động của các phân xưởng: Phân xưởng nào hoàn thành khoảng 50% thì chạy được, còn phân xưởng nào hoàn thành hơn 70% trở lên thì có thể đưa vào vận hành, chế biến…

Anh cho biết: Về nguyên tắc, chỉ khi các phân xưởng công nghệ xong hoàn toàn, chờ hoàn thiện thì nhà máy mới có thể đưa vào vận hành. Nhưng nếu cứng nhắc tuân thủ nguyên tắc này thì mẻ sản phẩm dầu đầu tiên sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2010 mới có thể xuất xưởng được, trong khi sớm tiến độ được ngày nào thì tiết kiệm ngân sách Nhà nước được chừng đó.

Theo những số liệu chính thức, kể từ khi đi vào vận hành sản xuất đến thời điểm này (tháng 12/2010), NMLD Dung Quất đã tiếp nhận 104 chuyến dầu thô với tổng khối lượng 8,2 triệu tấn; đã sản xuất được hơn 7,1 triệu tấn sản phẩm và xuất bán ra thị trường khoảng 6,9 triệu tấn sản phẩm các loại đạt tiêu chuẩn, trong đó, riêng Nhà máy Polypropylen bàn giao ngày 25/8/2010 đã sản xuất được 60.000 tấn sản phẩm. Năm 2010, NMLD Dung Quất đạt tổng doanh thu khoảng 105 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 17 nghìn tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2011, NMLD Dung Quất sẽ sản xuất và xuất bán ra thị trường khoảng 5,2 triệu tấn sản phẩm các loại, với tổng doanh thu ước đạt hơn 77 nghìn tỷ đồng… Với những kết quả khả quan nói trên, anh Giang “bật mí”: Hiện nay, kế hoạch mở rộng, nâng công suất NMLD Dung Quất lên 140% (khoảng 9 triệu tấn dầu/năm) đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Ban giám đốc BSR đặt ra…

Một mùa xuân mới tràn trề khí thế đang ùa về, hứa hẹn rất nhiều những dự định và những thành công mới trong công tác khai thác, chế biến của ngành dầu khí Việt Nam và của cụm công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất nói riêng. Thêm một hành trình mới đang mở ra trước mắt Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang và các cộng sự. Với một vị “thủ lĩnh” dày dạn kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao và luôn “đứng mũi chịu sào”, chắc chắn anh sẽ lại tiếp tục sải bước trên khắp nẻo công trường và ghi những dấu ấn đậm nét trong từng hạng mục thi công mới, để không chỉ góp phần khẳng định sự tự tin, nhiệt huyết sáng tạo và tiềm lực trí tuệ Việt Nam tại những công trình công nghệ cao mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần ham học hỏi, say mê cống hiến, luôn tận tâm, tận tình trong công việc, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Theo Kinh tế Việt Nam