Nguy cơ ngộ độc từ rau quả trái mùa

07:10 | 12/07/2016

1,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đã nhanh nhạy áp dụng nhiều biện pháp để cho ra đời nhiều loại rau quả trái mùa hợp khẩu vị. Tuy nhiên, cùng với sự khoái khẩu ấy, nguy cơ gây ngộ độc cho các thượng đế vẫn còn đó bởi rất nhiều lý do.

Bảo quản tăng thời gian sử dụng

Thực phẩm nói chung, rau quả nói riêng có tính mùa vụ, địa phương rõ rệt. Nhu cầu đời sống ngày càng tăng đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm và rau quả càng trái vụ, giá càng cao lại dễ bán. Chính vì vậy, các nhà sản xuất và chế biến luôn tìm cách tăng thời gian sử dụng của sản phẩm. Tùy thuộc vào bản chất của từng loại sản phẩm mà họ lựa chọn một hoặc phối hợp các phương pháp bảo quản sao cho hiệu quả nhất: thanh trùng, bảo quản bằng nhiệt độ thấp, áp dụng công nghệ biến đổi gien, sử dụng bao bì, chiếu xạ diệt khuẩn, ức chế hoạt tính của enzyme…

Với sự phát triển của ngành hóa chất, các chất có nguồn gốc hóa học đã được sử dụng để bảo quản rau quả. Các chất hóa học có tác dụng bảo quản bao gồm các chất chống ôxy hóa (được dùng để ức chế, ngăn cản sự thay đổi mùi vị, giảm giá trị dinh dưỡng trong quá trình ôxy hóa chất béo, axít amin và vitamin) và các chất kháng diệt vi sinh vật (được sử dụng để ngăn cản sự phát triển vi sinh vật, nấm mốc, nấm men có thể gây biến chất thực phẩm, làm thay đổi dinh dưỡng và có thể gây ngộ độc thực phẩm).

nguy co ngo doc tu rau qua trai mua

Hiện nay, ngay cả các nước phát triển vẫn sử dụng các chất bảo quản rau quả, nhưng xu hướng chung là từng bước loại bỏ những chất bảo quản có độc tính cao, thay thế bằng chất ít độc hơn và yêu cầu đặt ra với ngưỡng dư lượng của chúng giảm dần.

Ở nước ta hiện đã và đang sử dụng khoảng 200 loại thuốc trừ sâu, 83 loại thuốc trừ bệnh trên rau quả, cây lương thực… nhưng chưa có một cơ sở sản xuất riêng chất bảo quản. Ngay các quy trình về sử dụng chất bảo quản cho nhiều loại rau quả cũng chưa có. Trong những năm gần đây, sản lượng rau quả tăng nhanh chóng, đặc biệt là quả, thị trường trong và ngoài nước đều được mở rộng nên nhu cầu bảo quản rau quả đã trở nên bức xúc. Các công ty thuốc bảo vệ thực vật mới sản xuất được một số loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất và kinh doanh.

Trong khi đó, trên thị trường trong nước lại xuất hiện các nguồn thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều nước khác nhau, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các loại hóa chất này đa số chỉ có tên thương phẩm, không có tên hóa học, liều lượng sử dụng không rõ ràng nhưng lại có độc tính cao. Do có tác dụng mạnh, hiệu quả bảo quản cao, giá lại rẻ, dễ dùng nên được người kinh doanh sử dụng nhiều. Theo báo cáo của các tỉnh, việc sử dụng tràn lan các chất hóa học đang ở mức báo động. Cách đây chưa lâu, kết quả xét nghiệm cho thấy tỷ lệ nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật trong rau muống và đậu đũa ở Bắc Ninh tương ứng là 83% và 100%; ở rau muống, rau cải tại Hà Nội tương ứng là 87% và 91%; ở nho tươi tại Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Ninh Thuận là 100%.

Nguy cơ của rau quả độc hại

Không phải ngẫu nhiên mà rau quả trái vụ xuất hiện trên thị trường ngày một nhiều. Nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học, khả năng nhân giống trong tầm tay, các nhà sản xuất đã cho ra các loại rau quả có thể rải vụ quanh năm. Bên cạnh đó, còn có sự góp công của các phương thức bảo quản rau quả từ chính vụ đến thời điểm trái vụ. Vấn đề ở chỗ: các chất bảo quản hiện nay chủ yếu là các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc, nếu dùng lâu sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.

Butylated hydroxyl anisone (BHA), butylated hydroxyluene (BHT) và t-butyhydroquinone (TBHQ)… là những chất chống ôxy hóa hòa tan trong dầu mỡ đang được bán đầy rẫy tại các chợ đầu mối của Việt Nam, được sử dụng quét vào trái cây hoặc phun vào rau cho màu đẹp, để được lâu. Họ không biết rằng, chúng đều là chất có thể gây ung thư. Các nhà dinh dưỡng cho biết, các hợp chất ức chế men, kháng và diệt vi sinh vật đồng thời gây phản ứng phụ, đặc biệt là ở những người bị hen suyễn.

Hiện hầu hết các loại rau quả là thức ăn bình dị, quen thuộc của người dân Việt Nam như rau muống, bắp cải, đậu đỗ, dứa… đều ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc. Nhiều người sản xuất chỉ hướng tới lợi nhuận, đã phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích vô tội vạ, miễn là có thật nhiều rau quả cung cấp cho người tiêu dùng. Đã có chuyện người sản xuất trồng rau quả ăn cho gia đình với cách chăm bón khác hẳn rau quả bán. Nghiêm trọng hơn, hiện nhiều người dân còn nhắm mắt dùng urê để chống cá ươn, dùng chất chống mối để ủ cam… Rau quả độc hại, cũng như thực phẩm độc nói chung đã gây ra các bệnh rất dễ nhận thấy: tả, thương hàn, lỵ trực tràng, amíp, tiêu chảy… Độc tố còn có thể gây ra cái chết mòn cho con người, súc vật và môi trường.

nguy co ngo doc tu rau qua trai mua

Giải pháp đảm bảo an toàn rau quả?

Trong công tác kiểm tra giám sát, thời gian qua. Chính phủ đã quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có chất bảo quản. Một số phòng thí nghiệm để xác định dư lượng chất hóa học trong nông sản đã được xây dựng. Thế nhưng, kiến thức, đội ngũ cán bộ, mạng lưới hoạt và cả hệ thống thiết bị như hiện nay còn xa yêu cầu thực tế.

Vài năm gần đây, mô hình trồng rau sạch ngày càng được nhân rộng, khiến người tiêu dùng có thể yên tâm, nhưng thực tế việc sử dụng chưa phổ biến vì giá cả rau sạch chưa phải “bình dân”. Người Việt Nam hầu như vẫn dùng rau quả một cách thụ động mà không biết sản phẩm có đạt chất lượng hay không. Những khuyến cáo về việc lạm dụng thuốc hóa học trong bảo quản rau quả vẫn được đưa ra, nhưng việc thực hiện cứ như chứng bệnh nhờn thuốc, không mấy tác dụng. Tình trạng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa quản lý được vì các hộ kinh doanh này thường nhỏ lẻ, bán lưu động tại các chợ nông thôn và bán kèm với các mặt hàng khác. Việc ướp, tẩm hóa chất, phẩm màu không thuộc danh mục cho phép trong rau quả vẫn xảy ra khá phổ biến. Tại các địa phương, nhiều người trồng rau thừa nhận vẫn phun hóa chất bảo vệ thực vật. Lượng sản xuất và tiêu dùng ở quy mô nhỏ là chủ yếu nên thường không có sự kiểm soát. Nước ozone hiện đã và đang được một số cơ sở sản xuất áp dụng nhưng còn nhiều thông tin trái chiều.

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có một tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với sức khỏe, phát triển giống nòi mà còn liên quan đến phát triển kinh tế, thương mại. Những hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phải là việc lâu dài, song song với các biện pháp chế tài nghiệm ngặt. Thức tế cho thấy, hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu tuyên truyền theo kiểu “người kinh doanh thực phẩm có lương tâm”, các biện pháp xử lý lại chưa cụ thể và việc kiểm soát hóa chất bảo vệ thực vật xem ra lại càng khó khăn hơn.

Hoài Dương

Năng lượng Mới 538