Ưu đãi theo Luật Giáo dục sửa đổi

Nguồn kinh phí nào?

22:10 | 02/12/2017

718 lượt xem
|
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa trình Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất miễn học phí cho bậc THCS và nâng lương giáo viên lên mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất hiện đang vấp phải các ý kiến trái chiều.

Giáo viên sống bằng lương?

Trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009, quy định về chế độ tiền lương của giáo viên đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiền lương của giáo viên vẫn khá thấp, chưa khuyến khích và thu hút được người tài làm việc trong ngành giáo dục, nhất là ở bậc mầm non. Trong văn bản Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31-12-2016, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách Nhà nước bảo đảm 3-10 triệu đồng/người/tháng (tùy thâm niên công tác). Trong đó, mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường.

nguon kinh phi nao
Giáo viên mầm non trong một tiết dạy

Tuy nhiên, mức lương 3 triệu đồng/tháng của giáo viên trẻ mới ra trường thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng I hiện là 3.750.000 đồng và mức lương tối thiểu vùng II là 3.320.000 đồng/người.

Từ đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bậc lương riêng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dựa trên mức độ phức tạp và hiệu quả do công việc mang lại; đặc biệt, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cụ thể, theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004) đang có 12 bậc lương. Mức cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1, bao gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên… cao cấp, có hệ số từ 6.2 đến 8.0. Như vậy, nếu đề xuất này được phê duyệt thì nhà giáo sẽ được nâng từ mức lương xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương lên mức cao nhất, tương đương với nhóm các bác sĩ, dược sĩ cao cấp, ngoài ra còn có thêm các phụ cấp thâm niên, ưu đãi khác.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập thay vì cấp tiểu học như hiện tại.

Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06. Với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ khoảng 2.860.000 đồng.

Ngân sách nào cho ưu đãi?

Nói về đề xuất trên của ngành giáo dục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS Đào Trọng Thi cho rằng, việc miễn học phí tới cấp THCS và cải cách tiền lương cho giáo viên là chủ trương đúng đắn, nhân văn và rất cần có sự ủng hộ của Chính phủ để đưa vào dự luật trình Quốc hội. GS Thi cũng cho rằng, nếu triển khai miễn học phí tới cấp THCS và cải cách tiền lương thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chuẩn bị một khoản kinh phí khá lớn. Nhận thấy đây là chính sách tiến bộ, song nhiều năm nay ngành giáo dục vẫn chưa thể thực hiện nguyên nhân cũng do nguồn ngân sách có hạn.

Cùng bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, cho rằng: “Bản thân tôi hoan nghênh việc miễn học phí tới cấp THCS để hoàn thiện việc phổ cập. Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi: Liệu ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có tăng? Lấy kinh phí ở đâu ra để giải quyết việc này, hay lại rút từ cái này, đập vào cái kia? Trong trường hợp, ngân sách chưa tăng, thì nên tính đến việc tăng lương cho giáo viên trước”.

TS Tùng Lâm cũng đề xuất, mức học phí THCS không quá cao, nên phụ huynh vẫn có thể đóng góp. Thế nhưng, nếu đời sống giáo viên chưa được cải thiện thì khó có thể tập trung cho việc cải cách giáo dục. Bộ GD&ĐT có thể thực hiện từng bước bằng cách miễn học phí cấp THCS tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trước khi áp dụng đại trà trên cả nước.

Chia sẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng cũng khẳng định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ tăng lương cho giáo viên, tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào phải tính kỹ, tránh nói ra rồi không làm được thì mang tiếng với xã hội, bởi nguồn lực của Nhà nước là rất hạn hẹp. Phải tính toán thật kỹ việc tăng lương, miễn học phí sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia”.

Có thể nói, việc tăng lương cho giáo viên và miễn học phí là chủ trương nhân văn, đúng đắn, song cần cân nhắc về tác động của quyết định này đối với ngân sách quốc gia. Bởi hiện ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục là 20% so với tổng chi của ngân sách Nhà nước, một tỷ lệ thể hiện sự ưu tiên hơn cho giáo dục so với nhiều ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần đưa ra định hướng cụ thể cho việc cải cách giáo dục, cần chú trọng tới chất lượng giảng dạy thay vì “cào bằng” một cách chung chung.

nguon kinh phi nao

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Lương phải đi kèm với trách nhiệm. Khi yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không phù hợp thực tiễn.

nguon kinh phi nao

Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Đinh Quang Báo: Nếu bây giờ đề nghị tăng đồng loạt lương của tất cả các giáo viên, không phân biệt vùng miền, đặc biệt là không gắn với chất lượng giảng dạy là không hợp lý. Bởi ở bất cứ ngành nghề nào, không riêng gì nhà giáo thì đồng lương cần phải song hành với chất lượng làm việc trên thực tế.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank