Người thợ cả của Than Hà Lầm

13:50 | 25/04/2017

3,297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gương mặt rắn rỏi, nụ cười tươi và cái bắt tay thật chặt là những ấn tượng của tôi về thợ lò Nguyễn Văn Trình. Thợ lò bậc 6/6, Nguyễn Văn Trình hiện giữ vai trò Tổ trưởng Tổ sản xuất Công trường Cơ giới hóa 2 - Công ty CP Than Hà Lầm. Anh là 1 trong 46 thợ lò được Tập đoàn tuyên dương có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm mới đây.

Tôi gặp thợ lò Nguyễn Văn Trình khi anh đang chuẩn bị vào ca sản xuất, được biết anh vào làm việc tại Than Hà Lầm từ năm 1994. Hơn 23 năm công tác, gắn bó với nghề thợ lò, từ khi mới bỡ ngỡ vào nghề đến nay, Trình đã là một thợ lò bậc cao dày dạn kinh nghiệm. Anh hiện là tổ trưởng một tổ sản xuất mang chính tên anh - Tổ sản xuất Nguyễn Văn Trình - Công trường Cơ giới hóa 2. Đây là công trường chủ lực, có sản lượng “khủng” nhất trong Tập đoàn (1,2 triệu tấn than/năm).

Hỏi về cơ duyên đến với nghề thợ lò, anh Trình cười nói, đó cũng là một sự tình cờ. Anh quê ở Ninh Giang, Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1986, ở quê không có việc làm, Trình theo anh em bạn bè làm thợ xây dựng, nay đây mai đó, lúc lên ở Hà Nội, khi xuống Quảng Ninh. Công việc vất vả, không ổn định mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Trong một lần xuống Quảng Ninh năm 1993, biết đến nghề thợ lò nên Trình đã đăng ký học sơ cấp khai thác mỏ tại Trường Đào tạo nghề mỏ Hữu Nghị (nay là Trường Cao đẳng nghề TKV). Năm 1994 học xong là về làm việc tại Than Hà Lầm.

nguoi tho ca cua than ha lam
Thợ lò Nguyễn Văn Trình

Tôi hỏi, khi mới vào nghề thấy thế nào, Trình bảo, ngày đầu vào lò, công việc chưa quen, điều kiện làm việc lúc bấy giờ chủ yếu bằng thủ công, khai thác lò chợ chống lò bằng gỗ, sản lượng thấp, công việc khá vất vả, nguy hiểm, thu nhập thấp nên tư tưởng cũng lung lay. Nhưng rồi nghĩ, mọi người làm được thì mình cũng làm được. Với sức vóc khỏe mạnh, lại đã trải qua những việc nặng nhọc, được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, sự động viên của vợ con, Trình đã kiên trì, chịu khó, áp dụng những kiến thức đã được học ở trường vào thực tế sản xuất, vượt qua khó khăn và đạt được những thành công trong nghề.

Được làm việc ở một đơn vị luôn đi đầu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, cùng với việc luôn học hỏi, tìm hiểu nâng cao trình độ, tay nghề, Trình đã trở thành thợ lò bậc 6/6 và là tổ trưởng sản xuất, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Tập đoàn, được anh em thợ lò và cấp trên tin tưởng giao cho những công việc mới. Trải qua nhiều vị trí sản xuất và qua các công nghệ khai thác từ thủ công, đơn giản đến phức tạp và nay là công nghệ khai thác lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại nhất được áp dụng trong khai thác than hầm lò.

Là Tổ trưởng tổ Sản xuất quản lý 40-50 lao động, Trình đã cùng với anh em thợ lò, dưới sự chỉ đạo của công ty, phối hợp với các chuyên gia Trung Quốc trực tiếp vận chuyển, lắp đặt đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm vào hoạt động an toàn, vượt tiến độ, năm 2016 hoạt động ổn định, hiệu quả, đạt công suất thiết kế. Từ thành công của lò chợ cơ giới hóa năm 2016, công ty tiếp tục đầu tư lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm và thành lập Công trường cơ giới hóa 1 quản lý khai thác lò chợ cơ giới hóa đồng bộ 600.000 tấn/năm và Công trường cơ giới hóa 2 để quản lý, khai thác lò chợ cơ giới hóa đồng bộ 1,2 triệu tấn/năm. Nguyễn Văn Trình lại được điều về Công trường cơ giới hóa 2, lắp đặt lò chợ cơ giới hóa 1,2 triệu tấn/năm.

Nguyễn Văn Trình phấn khởi cho biết, từ khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ năm 2014 đến nay, lương bình quân của anh đạt trên 20 triệu đồng/tháng, có tháng cao nhất đạt 30 triệu đồng, năm 2016 tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng.

Nói về gia đình, gương mặt thợ lò Nguyễn Văn Trình ánh lên nụ cười rạng rỡ, tự hào. Anh có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm tại phường Hà Trung, TP Hạ Long với người vợ hiền luôn tần tảo lo toan cho chồng yên tâm công tác và nuôi dạy các con khôn lớn. Trình khoe, cháu gái lớn cũng theo nghề của bố, học Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, ngành cơ điện mỏ và đã vào làm tại Công trường Cơ điện lò của công ty từ năm 2016, còn cháu trai thứ hai hiện đang học Trung cấp Công an cũng đã sắp ra trường. Nghề thợ lò đã mang lại tất cả những gì gia đình anh có được ngày hôm nay và gia đình luôn là nguồn động viên, tạo động lực để anh tiếp tục được đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp khai thác vàng đen.

Quốc Trung

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps