Người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm

11:58 | 23/05/2018

1,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến bản Mác (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) mà hỏi bà Lô Thị Lan thì ai cũng biết.

Bà chẳng phải nổi danh vì giàu có hay có biệt tài gì “khác người” mà đơn giản, bà là người luôn đi nhặt, đi xin, thậm chí mua lại những mảnh vải sờn, bộ quần áo bỏ đi hay những món đồ đã hỏng của người Thái. Bởi, bà không muốn những nét văn hóa của riêng người Thái bị mai một theo thời gian...

Trăm nghề rồi lại quay lại với dệt

Đối với người Thái, nghề dệt vải thổ cẩm đã từ lâu trở thành một trong những “món ăn” tinh thần không thể thiếu, dường như đã ngấm vào trong máu thịt. Và tại bản Mác cũng đang có một người phụ nữ như vậy, bà luôn sống hết mình, làm hết sức vì nghề dệt vải thổ cẩm, đó là bà Lô Thị Lan (SN 1958) quê gốc ở bản Can, xã Tam Thái (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An).

Ngay từ nhỏ bà Lan đã rất thích dệt. Năm bà lên 10 tuổi, khi thấy mẹ dệt vải bà cũng muốn học theo, nhưng vì còn nhỏ nên mẹ cấm dệt. Cũng vì “ưng cái bụng quá” nên bà cũng giấu mẹ mà lén dệt trộm. Cứ khi nào mẹ vắng nhà, bà lại lấy một mảnh vải ra, dệt nhiều thành quen, chẳng cần ai hướng dẫn, cứ thế, cái nghề dệt cứ lớn dần trong con người bà.

nguoi nhat nhanh nhung mon do bo di
Bà Lô Thị Lan (áo đen) đang ngồi dệt vải thổ cẩm

Trải qua biết bao nhiêu nghề, từ công nhân công trường cho đến buôn bán nông sản nhưng cái tình của bà với nghề dệt thì không tài nào bỏ được. Bà Lan nhớ lại: “Năm 1977 sau khi lập gia đình, vì hoàn cảnh mà tôi không thể đi làm, ở nhà cày cấy có vụ nên tôi lại quay trở lại với nghề dệt, lúc quay lại, cả con người vui sướng hẳn ra, cứ như con cá được quẫy trong dòng nước mát vậy!”.

“Cái nghề dệt thổ cẩm này, khó thì thật khó mà dễ thì thật dễ ấy các cô ạ!” - bà Lan chia sẻ. “Lúc mới học cũng oải lắm. Ngày ấy làm gì có các bản in sẵn để dệt theo, tất cả đều phải tự làm hết. Có nhiều lúc dệt không thành hình, tôi lại vứt. Vứt xong lại tìm những mảnh vải thừa lôi ra làm tiếp, mày mò cho kỳ được mới thôi, bỏ không ít công sức!”.

nguoi nhat nhanh nhung mon do bo di
Những mảnh vải thổ cẩm do chính tay bà Lan dệt

Ngồi nói chuyện, bà Lan cứ nhắc mãi: “Chắc là do cái duyên của tôi với nghề dệt không dứt, nên làm gì cũng đều gắn với dệt”. Nói cũng chẳng sai, những năm 1990 - 1991, bà Lan đem vải mình dệt được đi buôn trên cửa khẩu Nghệ An (giáp Lào). Mỗi lần đi như vậy, bà còn đi trao đổi hàng dệt với các nước bạn để có thể sưu tầm thêm những nét độc đáo của nước bạn. Nhắc đến chuyện lãi lỗ đi buôn, bà Lan chỉ cười: “Ngày ấy vừa đi buôn vừa đi sưu tầm, ấy thế mà có đợt tôi đi trao đổi hàng với người Thái ở bên Lào, có khi họ trả cả tiền đô nữa, lúc mang về cũng chẳng biết làm gì, nên đành để vậy. Tiền kiếm cũng đủ, nhưng thứ quý giá nhất mà tôi lưu giữ được là những món hàng dệt cổ xưa”.

Đi xin từng mảnh vải vứt đi

“Đấy, bà lấy được cái gì thì cứ lấy đi!” - đó là câu nói mà rất nhiều người dân trong bản Mác nói với bà Lan khi bà ngỏ ý muốn xin lại mảnh vải dệt cũ, bộ quần áo hay thậm chí là những "cái củi" (tủ để quần áo của người Thái).

nguoi nhat nhanh nhung mon do bo di
Bà Lan và "kho báu" của riêng mình...

Không phải vì nhà bà thiếu đồ hay không đủ quần áo, mà chỉ vì bà muốn lưu giữ nét dệt của thời xưa, những dụng cụ thân thuộc đã gắn liền với đời sống tinh thần của người Thái. “Để đấy thì họ cũng vứt đi, tôi tiếc nên mới đi xin về, nói thì có vẻ hơi “tự cao”, nhưng hiện tại trong cả huyện Tương Dương này, tôi là người lưu giữ nhiều đồ cổ của người Thái nhất. Đồ sưu tầm về tôi không bán đâu mà chỉ được ngắm nhìn chúng cũng đã thấy thích con mắt rồi!”.

nguoi nhat nhanh nhung mon do bo di
Những đồ vải thổ cẩm quý giá được bà Lan sưu tầm về, có những mảnh vải có niên đại lên tới hàng trăm năm.

Bà Lan vừa cười vừa nói, rồi bà đem ra một mảnh vải thổ cẩm: “Cái khăn này là tôi đi xin từ một gia đình trong bản, nó cũng rách nhiều chỗ rồi, nhưng các cô nhìn xem, những họa tiết hoa văn rõ từng đường nét, đẹp đến vậy nên tôi tiếc, lại xin về giặt sạch rồi cất đi.”

Chẳng có ai chỉ hay mách bà ở nhà này có chiếc khăn đẹp hay ở nhà kia có cái cối xay gạo cổ mà bà cứ đi theo cái tâm của mình, bà cứ nhặt nhạnh, gom nhặt để làm “cái vốn riêng” cho mình.

Ngày trước cũng thế mà cho đến giờ cũng vậy, mỗi khi bà Lan thấy “ưng con mắt” những chiếc khăn hay những cái váy có nhiều họa tiết, nhiều văn hóa độc đáo thì bà lại phải đem đồ mình dệt ra trao đổi. Đôi khi họ không thích đổi, bà Lan lại phải bỏ tiền ra mua để sưu tầm.

nguoi nhat nhanh nhung mon do bo di
Mảnh vải may váy dù đã bị rách nhưng bà Lan vẫn đi sưu tầm về

Ấy vậy, giờ đây những món đồ bà sưu tầm được đã trở nên vô giá, có những chiếc khăn, những mảnh vải có niên đại hàng mấy trăm năm, nhiều người ngỏ ý muốn mua, nhưng giá nào bà Lan cũng không bán.

Người đi truyền nghề từ tâm

Bà Lan tự hào “khoe” những món đồ mà bà đã sưu tập được cho chúng tôi, nhưng ánh mắt của bà bỗng nhiên trùng xuống: “Đồ của tôi ở đây là đã bị ít đi nhiều rồi, ngày trước nhiều lắm, nhưng người ở Viện bảo tàng Thái Nguyên muốn ngỏ ý muốn đem về trưng bày nên tôi lại đành đưa cho họ. Có những món đồ họ đưa đi, tôi lại ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ, dù biết là đưa đi để giới thiệu văn hóa của người Thái đến mọi người, nhưng trong lòng thì vẫn muốn xa - đó là một món quà vô giá không thể nào thay thế được”.

Đề cập đến vấn đề hiện tại có nhiều người trẻ trong bản không muốn theo nghề dệt vải thổ cẩm, bà Lan chia sẻ: “Trên thực tế thì có nhiều người trẻ biết dệt nhưng họ lại không tâm đắc, không muốn giữ nghề. Mà mình cảm thấy nếu không lưu giữ thì tiếc bản sắc quá, tiếc những công sức mà ông cha tạo nên cho người Thái. Nếu mình không còn tiếp nối, không giữ gìn bản sắc thì sẽ bị mai một, do vậy mà phải giữ, giữ để còn đi truyền nghề cho thế hệ sau nữa chứ!”.

Hiện tại, bà Lô Thị Lan vừa là người đi truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm cho người dân tại nhiều bản, nhiều xã của huyện Tương Dương, bà cũng đồng thời là Chủ nhiệm câu lạc bộ nhảy sạp - cồng chiêng - khắc luống tại bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương.

Bà Lan chia sẻ thêm, bà truyền nghề cũng là do cái tâm, bà dạy mọi người cũng chỉ vì mong muốn nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền mà kinh tế người dân cũng khấm khá lên từ đó.

Nhìn đôi bàn tay dệt dứt khoát mà lại uyển chuyển trên khung cửi của bà Lan, tôi lại nghĩ, không biết còn bao nhiêu người có được cái tâm, mà vẫn giữ được chất lửa với nghề như bà, để nghề dệt thổ cẩm của người Thái vẫn cứ đậm cái tình mà sắc cái nét tinh tế trên từng mảnh vải.

Thúy Quỳnh