Người sáng tạo ra "ngựa biển"

08:00 | 24/01/2018

3,857 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhắc đến Nguyễn Tất Hoàn, Phó giám đốc Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) thì hẳn dân dầu khí có rất nhiều người biết rồi. Song gần đây, anh còn nổi bật với vai trò mới, đó là người sáng tạo ra những con “ngựa biển” lạ lùng!

Anh Nguyễn Tất Hoàn từng đảm nhận nhiều chức vụ ở các đơn vị khác nhau trong ngành Dầu khí. Từng là Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Đại Hùng (PVEP Đại Hùng), rồi đến Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC) và nay anh Hoàn là Phó giám đốc Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) phụ trách vận hành và phát triển mỏ.

nguoi sang tao ra ngua bien
Anh Nguyễn Tất Hoàn trên canô 8 chỗ made in Việt Nam do xưởng Ngựa biển đóng

Thế nhưng, điều khiến người ta nhớ nhất về Nguyễn Tất Hoàn không phải những chức vụ đó mà là vì những sáng kiến thuộc dạng “ngông” của anh, nhưng lại có giá trị làm lợi cực kỳ lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành Dầu khí. Về đề tài này chúng tôi đã có bài khai thác khá chi tiết trước đây, trong bài này, chúng tôi muốn giới thiệu một niềm đam mê hay cũng có thể gọi là nghề tay trái của anh sau những giờ lao động.

Bình thường, công việc của một Phó giám đốc đã rất nhiều, nhưng với Nguyễn Tất Hoàn thì còn cao hơn gấp nhiều lần. Việc điều hành mỏ là cực kỳ áp lực vì ngoài khơi làm việc 24/24 giờ, liên hệ, họp hành, báo cáo giữa trong bờ và ngoài giàn liên tục trong ngày, tất nhiên là bao gồm cả giữa đêm nếu như có vấn đề gì. Thế nhưng, ngoài đam mê và tâm sức dành cho nghề Dầu khí, Nguyễn Tất Hoàn còn có một thú vui độc đáo khác, đó chính là du thuyền. Đam mê này giống như chất liệu để cân bằng cuộc sống của anh sau những giờ căng thẳng với những mỏ dầu.

Chuyện Nguyễn Tất Hoàn đam mê tàu thuyền không có gì là lạ, bởi anh từng có một thời gian dài gắn bó với biển cả. Từ năm 1999, anh Hoàn làm Giàn phó giàn Đại Hùng 01. Mà Đại Hùng 01 là giàn nửa nổi, nửa chìm duy nhất ở Việt Nam, về bản chất nó là một con tàu hai thân khổng lồ, luôn di chuyển. Trong qua trình làm việc trên giàn, anh đã đọc và học rất nhiều tài liệu nên từ đó mà “cảm” về tàu hai thân lúc nào không hay biết. Bên cạnh đó, việc thường xuyên di chuyển từ giàn sang phao neo bằng canô hoặc tàu dịch vụ cũng khiến anh yêu thích tàu bè, sóng nước và nó đã trở thành một phần trong cuộc sống anh kể từ khi đó.

Du lịch đường sông, biển đang ngày càng phát triển mạnh. Tính riêng ở TP HCM, rất nhiều dự án ven sông đã và đang hình thành, mỗi dự án đó đều có bến cảng cho tàu thuyền du lịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng canô, du thuyền hiện nay.

Từ việc yêu thích đến thực hiện là một chặng đường, nhưng Nguyễn Tất Hoàn không phải là người đơn giản chỉ cần sắm một con du thuyền để thỏa mãn thú vui là xong. Năm 2014, sau một thời gian dài mày mò tìm hiểu, anh cùng một số người đã mở doanh nghiệp chuyên làm canô, tàu du lịch 2-3 thân, du thuyền, nhà hàng du thuyền... bằng vật liệu composite với một xưởng khá quy mô tại quận 7, TP HCM. Tất nhiên, để làm được điều đó, đam mê cá nhân chưa đủ, mà còn vì những trăn trở rất lớn của anh về du lịch, giao thông đường sông, đường biển.

Việt Nam nổi tiếng có đường bờ biển dài và nhiều vịnh đẹp, hệ thống sông hồ đặc biệt phong phú trải dài trên khắp đất nước, trong đó nhiều con sông đẹp lãng mạn đã đi vào thơ ca, hò vè. Đó là một tiềm năng du lịch rất lớn mà theo nhìn nhận của anh Nguyễn Tất Hoàn là hiện nay chưa được khai thác tốt. Một trong những lý do đó là thiếu phương tiện, mà cụ thể ở đây là tàu thuyền chất lượng.

nguoi sang tao ra ngua bien
Mô hình tàu nhà hàng 3 thân

Nguyễn Tất Hoàn phân tích, muốn phát triển du lịch bền vững thì phải có phương tiện đạt tiêu chuẩn. Ở nhiều nơi hiện nay, kinh doanh kiểu nhà hàng nổi trên sông, trên biển, về bản chất đây là làm du lịch. Song, những nhà hàng kiểu này không đủ tiêu chuẩn, bởi được làm nổi bằng thùng phuy, thùng nhựa. Thực tế là có nhiều sự cố về loại hình dịch vụ này đã xảy ra, trong đó, vụ chìm nhà hàng trên vịnh Vĩnh Hy vào năm 2016 khiến hàng trăm hành khách rớt xuống biển, một số người đã thiệt mạng, có lẽ là một ví dụ đau đớn nhất.

Vậy để có được phương tiện chất lượng, bền, đẹp, giá thành rẻ thì sao? Và Nguyễn Tất Hoàn đã âm thầm đi tìm ra câu trả lời cho bài toán này, với vật liệu composite (được tổng hợp từ hóa chất và sợi thủy tinh).

Ưu điểm của loại vật liệu này là dễ làm, bền vững với môi trường nước sông hay nước biển, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với vật liệu nhôm, thép. Đặc biệt, không chỉ dùng để làm tàu thuyền, composite còn là loại vật liệu rất dễ thi công những công trình nhà cửa, cầu đường ở những địa hình hình phức tạp như đồi núi. Composite còn có thể dùng để làm tàu chiến, tàu tuần tra hay tàu tên lửa cao tốc. Có nghĩa là, ngoài mục tiêu phát triển du lịch, Nguyễn Tất Hoàn còn ấp ủ việc dùng vật liệu này vào mục đích làm công trình nhà ở dân sinh, giao thông, quân đội và đặc biệt là tàu phục vụ trong ngành Dầu khí…

Riêng về giao thông đường thủy, anh rất tâm huyết với việc hình thành tuyến tàu khách Bắc Nam. Anh nói, việc làm tàu chở khách Bắc Nam bằng đường biển sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc đầu tư làm đường cao tốc. Hiện nay, tỉnh nào cũng có cảng, đó là một thuận lợi rất lớn. Kế đến là dạng resort nổi. Nước ta nhiều hồ, vịnh với cảnh đẹp trên mặt nước rất nhiều nhưng hiện tại không mấy ai biết cách khai thác tiềm năng đó. “Từ một mặt nước vô tri, nếu thả vào đó một resort nổi thì ta biến nó thành một giá trị du lịch cực lớn. Trong khi đó, ta không cần phải mua đất, không cần phải mua xi măng, thép về xây dựng công trình. Vật liệt composite sẽ thay thế hết những phần ấy với chi phí chỉ bằng khoảng 30%”, anh Hoàn cho biết.

Với từng đấy thứ hình dung trong đầu đã thôi thúc anh từng bước mở ra một cơ sở chuyên làm “ngựa biển” như Seahorse Yacht bây giờ.

nguoi sang tao ra ngua bien
Một trong những sản phẩm ra đời từ xưởng Ngựa biển

Công ty TNHH Du thuyền Ngựa biển - Seahorse Yacht của Nguyễn Tất Hoàn đã và đang trong quá trình cho ra đời nhiều dòng sản phẩm nhà hàng du thuyền mà Ngựa biển chính là nơi đầu tiên làm ra được. Đó là tàu nhà hàng 2 và 3 thân với sức chứa lên đến 300-400 người. Nhiều người gọi đây là những “con ngựa biển” lạ lùng! Bởi ở Việt Nam, cho đến bay giờ chưa ai làm được tàu 3 thân cả. Ngoài ra, công ty còn làm ra những sản phẩm thông dụng khác như Canô, du thuyền, tàu du lịch, tàu ngắm san hô đang được nhiều nơi như Phú Quốc, Bình Dương, Bình Ba… đặt hàng sản xuất phục vụ du lịch.

Tôi hỏi anh Hoàn, làm sao với từng đấy thời gian mỗi ngày, anh có thể đảm bảo công việc vốn khổng lồ ở đơn vị, vừa điều hành Công ty Ngựa biển được? Anh trả lời ngay: “Năng lượng sinh học của tôi cao hơn người bình thường, tôi có thể làm hết việc hằng ngày mà chưa cần dùng hết năng lượng đó!”.

Dòng tàu 2, 3 thân composite lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có nhiều tính năng nổi trội như: Ổn định khi di chuyển, giảm lắc và không tạo ra say sóng cho hành khách; tiết kiệm chi phí đầu tư; tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vận hành.

Năng lượng đó của anh thế nào không rõ, song phải thừa nhận rằng, Nguyễn Tất Hoàn là người say việc đúng nghĩa. Khi đã bắt tay vào việc gì thì anh tập trung làm đến mức quên đi tất cả mọi thứ từ ăn, nghỉ, giải trí và đôi khi… cả gia đình. Chuyện Nguyễn Tất Hoàn là người ra về sau cùng trong cơ quan hay cuối tuần vẫn đến làm việc là hết sức… bình thường. 19 giờ, 20 giờ hay thậm chí cả đêm không ngủ để làm cho xong một kế hoạch, dự án nào đó với anh không có gì đáng kể. Hay ở chỗ là cho dù có làm như thế nhưng hiếm ai thấy sự hiện diện của sự mỏi mệt vì công việc ở anh.

Mới hôm rồi, tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi ngày cuối tuần tại văn phòng làm việc, Nguyễn Tất Hoàn say sưa kể với tôi về những dự án mà mình đang thực hiện cũng như những ấp ủ tương lai với Công ty TNHH Du thuyền Ngựa biển - Seahorse Yacht. Qua đó mới thấy rằng, hóa ra “tay” này ngang nhưng lại lãng mạn vô cùng. Thật khó để hình dung một người như anh Nguyễn Tất Hoàn lại thích lang thang ngao du ngắm cảnh đẹp sông nước mỗi khi rảnh rỗi như thế.

Anh nói, cảm giác đi dạo trên sông, trên biển bằng canô hay du thuyền khác hoàn toàn với việc ngồi trong một chiếc xe sang. Đó là vì không gian, tầm nhìn không bị giới hạn, việc thuyền lướt trên những con sóng khiến đầu óc được thư giãn, thoải mái hơn. Và điều dĩ nhiên là không bao giờ bị tắc như trên đường bộ, nên di chuyển tốc độ cao khiến con người ta xả stress hiệu quả hơn. Cái thú vị nữa là không khí trên sông lúc nào cũng mát mẻ, trong lành, cảnh vật hai bên bờ khiến cho mọi lo toan, áp lực của cuộc sống như đều trôi theo sóng nước.

nguoi sang tao ra ngua bien
Bên trong xưởng Ngựa biển

“Có lẽ phải cho nhà báo trải nghiệm cảm giác đi dạo trên sông là như thế nào!”. Tôi được anh mời lên chiếc canô 8 chỗ với hành trình từ TP HCM đi Bình Dương, chuyến đi này vừa kết hợp đến gặp đối tác là một đại gia ở Bình Dương để bàn về hợp đồng đóng nhà hàng du thuyền 3 thân 400 chỗ và thiết kế bến du thuyền nhằm phục vụ kinh doanh nhà hàng.

Với tốc độ trung bình trên 60km/h, chúng tôi đến TP Thủ Dầu Một chỉ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ; nhanh hơn rất nhiều so với việc đi đường bộ. Tôi cũng có dịp ngắm nhìn TP HCM, những tòa nhà, những cây cầu vốn quen thuộc nhưng lần này là từ một góc nhìn khác ở phía sông. Gió mát trên sông thổi ù ù qua mặt, người nhồi lên xuống liên hồi khi canô đi qua những con sóng do tàu thuyền khác tạo ra… Nói chung, đó là những trải nghiệm hết sức thú vị so với đi trên bờ.

Hiện nhu cầu du ngoạn trên sông khá lớn. Bằng chứng là trong suốt chuyến đi, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu tàu du lịch, canô chở du khách ngược xuôi tấp nập trên sông. Tôi cũng đi qua mấy bến canô, bến du thuyền với những con Azimut hạng sang được nhập từ nước ngoài về với giá hàng triệu USD. Tất nhiên so với thành phố 10 triệu dân thì vài chiếc du thuyền như thế là quá ít, bởi hiện tại chỉ có những đại gia thứ thiệt mới sở hữu những con du thuyền như thế.

Theo Nguyễn Tất Hoàn, việc sở hữu một du thuyền không phải là quá sức với nhiều người, thực tế là hiện nay nhiều người đang sở hữu những siêu xe với giá trị cao hơn một chiếc du thuyền hạng sang 1, 2 phòng ngủ. Nhưng thông điệp của anh sẽ là: Thay vì sắm một chiếc sang 5-6 tỉ đồng chạy trên đường thì hãy sắm một con du thuyền có 3, 4 phòng ngủ, dạng 2 hoặc 3 thân do xưởng của anh chế tạo ra. Bởi việc đi trên sông nước hay và thú vị hơn nhiều so với ngồi trong một chiếc xe!

Kế đến, mục tiêu của “ngựa biển” là sẽ phổ cập du thuyền ở Việt Nam, tức là biến việc dùng du thuyền ở Việt Nam trở thành phổ biến như nước ngoài. Về ý tưởng này người ta bình luận: Ông Hoàn ngông một cách… có lý! Thứ nhất, với vật liệu composite, anh có thể làm ra những con tàu, thuyền với giá chỉ bằng khoảng 30% so với việc nhập từ nước ngoài về. Ví dụ như một chiếc canô sang, 8 chỗ thì giá chỉ từ 350-450 triệu đồng. Như vậy, cái chính là nỗi “ám ảnh” về giá đã không còn.

Thứ hai, du lịch đường sông, biển đang ngày càng phát triển mạnh. Chỉ tính riêng ở TP HCM, rất nhiều dự án ven sông đã và đang hình thành, mỗi dự án đó đều có bến cảng cho tàu thuyền du lịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng canô, du thuyền hiện nay...

Mục tiêu cuối cùng của những mong muốn đó là gì? Tôi hỏi anh. “Tôi như người có nhiều nợ đời, tôi cố gắng làm sao tạo ra được công ăn việc làm cho nhiều người và làm phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của những người có điều kiện”, Nguyễn Tất Hoàn nói. Anh thông báo, công ty chuẩn bị đi giao mấy chiếc nhà hàng du thuyền ra đảo Bình Ba, Phú Quốc và đang triển khai dự án cho một số nơi khác. Đó là dấu hiệu rất tốt cho con đường phát triển về du thuyền nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, bằng chính sức mạnh nội lực của mình.

Thật đúng như “chất” của Nguyễn Tất Hoàn trong ngành Dầu khí. Hy vọng vào một tương lai không xa, những chiếc du thuyền lộng lẫy “made in Vietnam” do Ngựa biển làm ra sẽ mạnh mẽ lướt trên những con sóng, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển.

Trong ngành Dầu khí, Phó giám đốc PVEP POC Nguyễn Tất Hoàn được biết đến như là người tiên phong trong việc phát huy nội lực, sử dụng hàng trong nước để phục vụ cho ngành nhằm tránh thất thoát tiền ra nước ngoài, góp phần tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp liên quan.

Anh từng đạt giải Nhất với đề tài “Khảo sát giàn DH-01 (Đại Hùng) tại chỗ để lấy chứng chỉ phân cấp 5 năm thay vì phải tháo, tách và kéo giàn DH-01 đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock)” và giải Ba “Xử lý axít cận đáy giếng ngầm mỏ Đại Hùng” trong Hội thi Sáng tạo dầu khí 2009-2010. Hai sáng kiến đã tiết kiệm và làm lợi cho PVN 71 triệu USD.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status