Người nghèo cũng gout

07:00 | 09/12/2014

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước nay, nhắc đến bệnh gout người ta nghĩ ngay đến bệnh của “nhà giàu”. Thế nhưng, những năm trở lại đây, tình trạng này lại bị đảo ngược khi bệnh xuất hiện nhiều ở những người trẻ và đang có chiều hướng gia tăng ở người có thu nhập thấp.

Năng lượng Mới số 379

Không của riêng “nhà giàu”    

Được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm khuẩn cao, viêm tĩnh mạch, sức khỏe suy kiệt, ông Phạm Văn Vương (Bình Giang, Hải Dương) được đưa ngay vào phòng cấp cứu, Khoa Cơ xương khớp. Theo người nhà bệnh nhân thì ông Vương bị bệnh gout đã lâu nhưng sau một thời gian điều trị bằng thuốc Tây, bệnh chỉ thuyên giảm ít, ông đã chuyển sang điều trị bằng thuốc nam. Ai mách thuốc gì ông dùng thuốc đó, cứ vài ba tháng không thấy bệnh thuyên giảm ông lại chuyển thuốc. Việc đắp thuốc nam trường kỳ đã khiến đầu gối của ông Vương bắt đầu có dấu hiệu lở loét. Khi có hiện tượng này ông Vương tiếp tục không đi khám mà tự tiêm thuốc giảm đau tại gia. Và hậu quả hiện tại là ông Vương bị nhiễm trùng nặng, thể trạng giảm cân nhanh đến cả chục kg và triền miên bị hành hạ bởi những cơn đau nhức.

Theo TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai thì các y, bác sĩ tại bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng này. Hiện tại, bệnh gout đang gia tăng rất nhanh ở Việt Nam nhưng người dân vẫn chưa ý thức được bệnh là phải đến khám chữa tại các cơ sở y tế mà toàn lựa chọn cách chữa bằng… truyền miệng. Đến khi được đưa đến thăm khám tại viện thì bệnh đã rất trầm trọng. Đã vậy nhiều bệnh nhân dù bị bệnh nặng nhưng không thực hiện việc kiêng khem trong chế độ ăn uống khiến bệnh càng khó điều trị.

Bệnh nhân điều trị bệnh gout

Dẫn chứng, TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng kể về trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Vĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội), bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng phù nề, đầu gối sưng to và có dịch. Kết quả ban đầu cho thấy bệnh nhân vừa mắc bệnh đái đường, vừa bị bệnh gout. Đáng nói là mắc một lúc hai chứng bệnh mãn tính nhưng bệnh nhân này vẫn giữ thói ăn uống vô độ, không tuân thủ chế độ ăn kiêng mà các bác sĩ đã chỉ định, thành thử bệnh tình càng trầm trọng. Hỏi ra mới biết, vì thường xuyên bị stress trong công việc nên đã một thời gian dài người này lấy rượu bia để giải sầu… Khi bác sĩ khuyến cáo rằng, bệnh của anh đã ở thể nặng, nếu anh không kiêng khem và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ thì không thuốc gì chữa khỏi. Nghe bác sĩ nói xong tưởng rằng anh biết sợ ai dè anh càng chán nản hơn và lại tiếp tục chìm trong hơi men rồi ăn uống sinh hoạt vô tội vạ.

Từ lâu, bệnh gout hay còn gọi là thống phong đã được biết tới như một căn bệnh của “nhà giàu”. Thế nhưng những năm trở lại đây bệnh lại có chiều hướng gia tăng ở những người có thu nhập thấp, còn đối tượng khá giả thì lại giảm mạnh. Bởi xét về mặt bằng chung thì những người có điều kiện họ biết cách lựa chọn rất kỹ lưỡng cho khẩu phần ăn của mình, các khâu lựa chọn thực phẩm cũng cẩn trọng nên hạn chế được nhiều chất độc xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, họ biết chú ý đến luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe nên tỷ lệ mắc bệnh gout trong tầng lớp thượng lưu đã giảm đi rất nhiều.

Ngược lại với những người có thu nhập thấp lại không làm được điều đó. Việc giải tỏa stress trong cuộc sống của những người có thu nhập thấp đã rất đơn điệu, cộng với việc tiếp cận với các loại thức ăn nhiều chất bảo quản, rồi chìm đắm trong thực phẩm không rõ nguồn gốc, sự lan tràn của các loại rượu bia rẻ tiền… đã khiến khá nhiều người có thu nhập thấp trở thành nạn nhân của bệnh căn bệnh này.

Vẫn khó điều trị

Không chỉ xuất hiện ở những người có thu nhập thấp, gout còn đang là mối đe dọa đến sức khỏe con người khi tấn công cả những người trẻ. Bởi thông thường bệnh gout chỉ xuất hiện ở tuổi trung niên là chủ yếu nhưng đã có trường hợp thanh niên cũng mắc phải. Theo TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng thì Khoa Cơ xương khớp của bệnh viện đã từng tiếp nhận bệnh nhân mới 16 tuổi, còn độ tuổi 25-30 thì rất nhiều. Theo nhận định của bác sĩ Hồng thì nguyên do là bởi số đông thanh thiếu niên do chủ quan vào sức trẻ và chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe nên phần đông đang có chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Từ sự mất cân bằng dưỡng chất với chế độ ăn hấp thụ nhiều độc hại sẽ đem đến sự bất thường trong chuyển hóa purines.

Bệnh gout là một biểu hiện do rối loạn chuyển hóa purines trong cơ thể, chất này sản sinh từ thức ăn và một phần lớn là do chính cơ thể sản xuất. Khi lượng uric acid trong máu tăng cao thì cơ thể sẽ phải điều tiết để xuất thải uric acid, từ đó khiến thận suy giảm. Mặt khác khi lượng uric acid trong máu tăng cao thì tinh thể uric acid dễ kết đọng ở khớp xương và gây ra viêm khớp. Vì vậy để hạn chế quá trình chuyển hóa purines thì ăn uống điều độ là điều vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, gout là một bệnh mạn tính, khi người bệnh đã mắc thì sẽ phải điều trị kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy, có trường hợp khi bệnh đã cắt thì tưởng đã hết bệnh nên ngừng uống thuốc, nhưng không lâu sau đó thì bị tái phát lại. Theo nghiên cứu thì có tới 78% bệnh nhân sẽ mắc gout lại lần thứ 2 trong khoảng thời gian 3 năm và 92% người đã bị bệnh gout sẽ mắc lại trong 10 năm. Điều này một lần nữa khẳng định, kiên trì trong điều trị đặc biệt là chế độ ăn uống là quan trọng nhất đối với người bệnh.

Trong trường hợp những bệnh nhân mắc gout nhưng “mất kiên nhẫn” với thuốc tây mà tìm các loại thuốc đông y để chữa trị thì TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng khuyến cáo: “Với các trường hợp này cần phải lựa chọn điều trị ở những cơ sở đông y có uy tín”. Thế nhưng thực trạng thì đa phần bệnh nhân lại lựa chọn loại thuốc nam “truyền khẩu”, mà những loại thuốc này thì chứa rất nhiều cyclosporine… Chất này vô tình thúc đẩy quá trình hình thành tinh thể urat phát triển sớm hơn nên bệnh lại tiến triển mạnh. Đây cũng chính là lý do tại sao ở Việt Nam bệnh gout ở thể mạn tính rất nhiều.

Bệnh gout tuy không làm chết người nhưng có thể gây tàn phế nặng. Nguy hiểm ở chỗ, khi đã chuyển sang mạn tính thì tình trạng bệnh đã rất nặng nề. Hầu hết ở thể này thì thận đã suy yếu, các khớp biến dạng nên người bệnh gặp khó khăn trong vận động. Nguy hiểm hơn khi ở thể nặng người bệnh sẽ phải điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn khớp, suy thận, viêm tụy… Làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của chính người bệnh. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia bởi số lượng người mắc bệnh gia tăng và “trẻ hóa” khi người bệnh chủ yếu trong độ tuổi lao động.

Trước thực trạng người mắc bệnh gout tăng nhanh chóng và báo động tình trạng “trẻ hóa” người bị bệnh gout, TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng khuyến cáo: Người dân hãy tự biết cách chăm sóc sức khỏe của bản thân bằng cách loại bỏ thói quen ăn uống vô độ, hạn chế rượu bia và các chất kích thích có hại cho sức khỏe, đặc biệt là những người trẻ. Đối với những người đã mắc bệnh phải hiểu, điều trị bệnh gout là một quá trình lâu dài nên cần kiên trì bền bỉ điều trị, ngoài việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn thì phải kết hợp chế độ ăn uống hợp lý. Nên hạn chế ăn nội tạng động vật, các loại thịt đặc biệt là thịt đỏ, không thức quá khuya, không dậy quá sớm và điều khiện khí hậu nóng lạnh bất thường”.

“Để phòng tránh bệnh gout thì chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng. Vì thế trong khẩu phần ăn của mỗi người cần tránh xa những loại thực phẩm chứa nhiều chất purine, đồ uống kích thích. Hãy tăng lượng hoa quả và rau xanh trong những khẩu phần ăn, đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt, tập thể dục thể thao thường xuyên, để các khớp được vận động và có lối sống lành mạnh sẽ hạn chế được không chỉ bệnh gout mà còn nhiều bệnh tật khác” - TS.BSCK II Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.


Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.