Người hồi sinh lụa Mã Châu

07:00 | 25/01/2018

2,175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở xứ Quảng có một làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm lụa tơ tằm tự nhiên, đó là làng lụa Mã Châu, nơi từng có cả nghìn khung dệt nhưng giờ chỉ vỏn vẹn chục người làm nghề. Trong nguy cơ làng nghề mai một, tàn lụi, rất may một người con của làng đã bằng mọi cách giữ nghề và phát triển thương hiệu lụa Mã Châu.   

Làng lụa Mã Châu thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là làng nghề nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa từ hơn 400 năm trước. Vào khoảng thế kỷ XVI, lụa Mã Châu là thứ hàng hóa thượng hạng phục vụ cho vua chúa, những người giàu có trong xã hội. Khi đó, thương cảng Hội An nằm trên con đường tơ lụa, là cửa ngõ buôn bán sầm uất lúc bấy giờ. Đây cũng là thời điểm thương cảng Hội An phát triển giao thương mạnh mẽ. Và từ thương cảng này, lụa Mã Châu được đưa đến nhiều vùng đất. Thời điểm đó, lụa Mã Châu rất nổi tiếng, nhắc đến không ai không biết.

nguoi hoi sinh lua ma chau
Chị Trần Thị Yến bên những tấm vải lụa Mã Châu

Trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Mã Châu đều dệt lụa, hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có những thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng nghìn héc-ta trải dài dọc sông Thu Bồn.

Nhiều năm trở lại đây, lụa Mã Châu khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam. Chưa kể việc trồng dâu, nuôi tằm còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên số lượng lụa tơ tằm sản xuất ra không còn nhiều như trước, nhiều người bỏ nghề và nguy cơ làng mất nghề đã cận kề.

Từ những năm 2000, tiếng thoi bắt đầu thưa dần, người trẻ bỏ xứ đi làm ăn xa, người già ở làng dần bỏ nghề theo nghề khác. Bởi lụa làm ra không bán được, thị trường không ổn định. Hợp tác xã (HTX) tơ lụa Mã Châu giải thể giữa năm 2017. Đến thời điểm hiện nay, chỉ còn duy nhất Công ty TNHH Mã Châu duy trì làm nghề. Công ty ông nhận trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích hơn 2ha. Còn dân làng chuyển dần sang trồng các cây khác, số lượng khung dệt cũng giảm dần theo thời gian.

Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Mã Châu - là truyền nhân đời thứ 18 của một dòng họ làm nghề canh cửi nổi tiếng ở làng Mã Châu. Ông là một trong những người hiếm hoi ở làng Mã Châu còn duy trì dệt lụa tơ tằm theo phương pháp thủ công truyền thống.

Đến đầu năm 2012, ông Phương đã tự mày mò cải tiến thành công máy trục, máy đánh ống… cho năng suất lao động cao hơn so với làm thủ công. Theo ông, người ta chọn lựa sản phẩm lụa tơ tằm tự nhiên vì những đặc tính ưu việt của lụa. Đó là thoáng mát, hút ẩm tốt và cách nhiệt tốt, mặc mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

nguoi hoi sinh lua ma chau
Trồng dâu nuôi tằm ở làng lụa Mã Châu

Làng nghề đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Phương đã tạm yên tâm phần nào, khi thị trường tiêu thụ đã ổn định. Kể từ khi có con gái về phụ giúp, ông càng có động lực để phát triển làng nghề, coi như ông có người, truyền nghề xứng đáng. Con gái ông Phương là Trần Thị Yến, người có công trực tiếp vào phát triển hướng đi mới cho làng nghề.

Chị Trần Thị Yến tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với tấm bằng loại ưu. Sau khi ra trường, chị quyết định về với làng, quyết tâm khôi phục lại thương hiệu lụa Mã Châu. Chị Yến bộc bạch: “Lúc nhỏ, tôi có theo ba tham gia một số công đoạn nhỏ nên cũng hiểu từng mét lụa khi thành phẩm phải vất vả như thế nào. Khi ra trường, lúc đó làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn. Thương ba, thương làng nghề nên tôi quyết định trở về làng tiếp nối truyền thống, gìn giữ làng nghề tránh bị mai một”.

Chị Yến cho biết, hai năm trở lại đây thị trường tiêu thụ lụa đã dần đi vào ổn định, lụa Mã Châu được xuất sang Đan Mạch, Trung Đông, Pháp... Để giữ gìn, phát triển hơn nữa chị đang tính toán tìm nhà đầu tư để tân trang lại xưởng may. Rồi sau đó sẽ kết hợp làm du lịch để quảng bá thương hiệu.

Trong câu chuyện, chị Yến nhiều lần nhắc đến vụ bê bối KhaiSilk như một lời cảnh báo. Theo chị Yến, vụ việc đã tác động rất lớn đến thị trường lụa Việt. Người tiêu dùng dần mất niềm tin, đánh đồng hàng chợ đều là hàng Trung Quốc, mang hình hài hàng Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, nghĩa là sau bê bối của KhaiSilk sẽ là khoảng trống thị phần lụa truyền thống, đây là cơ hội cho những nơi sản xuất hàng truyền thống như làng Mã Châu giành lấy thị phần này.

Chị Yến tỏ ra trăn trở, do nhu cầu thị trường hiện đang rất cao, nhưng hàng sản xuất của làng lụa Mã Châu không đủ cung cấp. Ngoài sản xuất vải lụa tơ tằm nguyên chất 100%, thợ dệt Mã Châu bây giờ còn sản xuất thêm các dòng sản phẩm tơ tằm kết hợp với cotton và linen phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Chị Nguyễn Thanh Thúy ở TP Hồ Chí Minh - một khách hàng thân thiết của lụa Mã Châu, người thường xuyên tổ chức các chương trình triển lãm áo dài trên cả nước - cho biết: “Trên thị trường, lụa Trung Quốc rẻ bằng một nửa lụa Việt. Từ khi biết đặc tính ưu việt của lụa Mã Châu, chúng tôi luôn chọn lụa Mã Châu để may áo dài, quảng bá áo dài tại nhiều nơi, đưa áo dài vào tận trường học. Trong năm 2017, chúng tôi đã tổ chức 5 chương trình áo dài đời thường ở Huế”.

Khó có thể khôi phục được một làng nghề như trước, nhưng với tâm huyết của cha con ông Phương, người làng Mã Châu có quyền hy vọng về một tương lai không xa, thương hiệu lụa Mã Châu sẽ sống lại, tìm lại danh tiếng cho làng nghề nổi tiếng một thời ở xứ Đàng Trong.

Lụa Mã Châu có điểm khác biệt là được kéo tơ dệt thẳng từ kén tằm. Tơ tằm sống cũng có đặc tính sinh học như con tằm, luôn đề kháng với các biến đổi bất thường bên ngoài môi trường nên phần nào giúp bảo vệ sức khỏe của người mặc lụa.

Quốc Diễn - Lệ Thu