Người Hà Nội đang hít thở… thủy ngân trong không khí

14:13 | 23/04/2016

3,585 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội gần đây thường được cảnh báo liên tục, nhất là sau kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cho rằng mức độ ô nhiễm ở Hà Nội cao nhất trên thang đánh giá. Nhưng mới đây, trạm quan trắc môi trường tự động của Tổng cục Môi trường đặt tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội còn phát hiện cả thủy ngân trong không khí tại Thủ đô. 

Thủy ngân lơ lửng trong không khí

Theo tiết lộ của TS Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội. TS Hoàng Dương Tùng nói: “Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang đo được chỉ số ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này”.

nguoi ha noi dang hit tho thuy ngan trong khong khi
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Việc có chất thủy ngân trong không khí thực sự là một vấn đề mà các nhà quan trắc môi trường trên thế giới rất đáng lo ngại. Bởi chất này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân sống trong vùng ô nhiễm. Nhiều nước trong khu vực châu Á cũng đã phát hiện chất độc này trong không khí như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan…TS Hoàng Dương Tùng cho hay, tại Việt Nam phải theo dõi thêm để có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ô nhiễm đồng thời tìm những giải pháp thích ứng.

Thực ra đây không phải là phát hiệm mới về sự ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Mà từ hàng năm nay, tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung đã được cảnh báo nhiều lần, thậm chí Hà Nội được “xếp hạng” là một trong những thành phố ô nhiễm ở châu Á.

Như trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Mặc dù thay đổi theo từng thời điểm và hiện được coi là giảm nhưng chỉ số AQI (chất lượng không khí) trung tuần tháng 4 vẫn dao động ở mức 54-140 - mức kém theo thang đánh giá.

Mức ô nhiễm cao nhất thang đánh giá

Còn trước đó, khoảng 6 tuần - vào đầu tháng 3, như đã nói trên theo kết quả quan trắc của Đại sức quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội  chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 - mức ô nhiễm cao nhất trên thang đánh giá. Riêng nồng độ bụi mịn PM 2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Phân tích về chỉ số AQI ở thời điểm đó, TS Tùng cho biết: “Chỉ số này cao hơn 1,5 lần so với mức độ cho phép. Thời gian này, mức độ ô nhiễm giảm nhưng không phải do giảm các nguồn gây ô nhiễm mà do thời tiết”.

Còn giải thích về mức độ ô nhiễm đo được tại các trạm quan trắc, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng , Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, nồng độ bụi mịn PM2,5 nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường - chẳng hạn lúc gió thổi mang theo nồng độ bụi lớn đi qua thiết bị đo. Đây không phải là trị số trung bình ngày nên không được xem là trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

nguoi ha noi dang hit tho thuy ngan trong khong khi
Khói bụi thải từ xe máy và ô tô được coi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm

Tuy nhiên, GS Đăng thừa nhận không khí Hà Nội đang thực sự ô nhiễm, làm chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng. Ông còn cho rằng, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả,  không khí Hà Nội sẽ trở nên ô nhiễm nghiêm trọng như Bắc Kinh. 

Tìm hiểu nguyên nhân khiến không khí Hà Nội bị ô nhiễm, các chuyên gia môi trưởng khẳng định qua kết quả đo đạc, không khí Hà Nội không chỉ có thủy ngân mà còn có nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người như SO2, NO2, CO, benzene… là do không kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng ôtô, xe máy, xăng dầu dẫn đến thải ra nhiều chất độc; không kiểm soát chặt chẽ nguồn đốt rác thải, rơm rạ; quản trị đô thị không tốt dẫn đến bụi bặm từ các công trình.

TS Hoàng Dương Tùng nhận định: “Riêng ở Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy, hơn nửa triệu ôtô. Các chương trình kiểm soát bảo trì, bảo dưỡng xe máy, lắp ống lọc bụi trong xe máy đã được đề ra nhưng chưa thực hiện. Rất nhiều xe không đảm bảo chất lượng vẫn lưu hành. Mình không kiểm soát được xe cũ, xe mới thì làm sao đảm bảo chất lượng môi trường”.

Bên cạnh đó ông cho rằng nông dân vùng lân cận cứ gặt xong thi nhau đốt rơm rạ làm khói mù mịt cả một vùng đô thị. Trong khi đó, “Ở Ninh Thuận, rơm rạ rất đắt, người ta còn phải tranh nhau mua để quấn quanh gốc thanh long, cho trâu bò ăn. Người dân khu vực miền Bắc thì không thể làm thế”, TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ. Ông cho rằng điều đáng ngại hơn là chưa có biện pháp căn cơ, đặc biệt là sự thờ ơ của người dân đối với chất lượng không khí mà mình hít thở hằng ngày.

Trước tình trạng này, các nhà quản lý môi trường khuyến cáo để bảo vệ và làm trong sạch không khí, môi trường đang hít thở, mỗi người phải có ý thức trong việc không được thải chất độc ra môi trường, không thờ ơ với không gian sống xung quanh, không khí hít thở… Có như vậy mới hy vọng bảo vệ được môi trường cũng chính là bảo vệ, gìn giữ sức khỏe của con người. TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh: “Mỗi người đều phải có trách nhiệm và đóng góp ít nhất bằng cách hiểu biết để có hành vi đúng cũng như dạy dỗ con cái trong việc không gây ô  nhiễm môi trường”.

 

Xuân Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.