Người giữ "lửa" ở Thủy điện Sơn La

08:00 | 21/07/2014

2,815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dám làm, dám chịu, hết mình vì công việc, sẵn sàng đương đầu với thử thách là những gì mà người ta nói về ông. Và cái khí chất đó đã trở thành ngọn lửa nhiệt huyết cháy trong trái tim hàng trăm cán bộ, công nhân viên Công ty Thủy điện Sơn La, để rồi gắn kết họ thành một khối đoàn kết, thống nhất ý chí để đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vượt mọi khó khăn, hướng tới những thành công mới. Ông là Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La.

Năng lượng Mới số 340

Chuyện của ông Nam

Chúng tôi đến Công ty Thủy điện Sơn La vào một ngày đầu tháng 7. Và tại đây, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện lý thú về ông, đặc biệt là cái cách dùng người, đối nhân xử thế của ông.

Qua những câu chuyện như thế, chúng tôi được biết, trước khi về Thủy điện Sơn La, ông là Giám đốc Công ty Ðiện lực Sơn La. Vào thời điểm ấy, trong ngành điện ông đã nổi tiếng là vị giám đốc “dám làm, dám chịu”. Năm 2000, có lần máy biến áp 110kV Mộc Châu bị hỏng, theo chu trình sửa chữa thì phải mất cả tháng mới xong và nếu như vậy thì phải cắt điện cả một khu công nghiệp chế biến chè, sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu, ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân, lao động tại các nhà máy.

Nghĩ vậy, ông đã quyết định cùng các kỹ sư của Ðiện lực Sơn La mày mò, nghiên cứu tự sửa chữa. Kết quả là chỉ sau... 2 ngày, máy biến áp 110kV Mộc Châu đã được sửa xong. Cho máy vận hành an toàn, cấp điện ổn định xong, ông lại “một thân, một mình” cắp cặp về Hà Nội gặp lãnh đạo Công ty Ðiện lực 1 (nay là Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc) để “chịu án” bởi ngày đó cách làm của ông là trái với quy định của ngành điện. Ai biết chuyện cũng ái ngại và lo lắng cho ông.

Về tới Hà Nội, sau khi nghe ông trình bày mọi chuyện, dù biết việc ông làm mang lại nhiều lợi ích cho dân, lãnh đạo Công ty Ðiện lực 1 vẫn quyết định “tặng” cho ông cái án kỷ luật khiển trách toàn điện lực, nhưng bộ phận sửa chữa do ông chỉ huy thì lại được thưởng... 80 triệu đồng.

Người giữ lửa ở Thuỷ điện Sơn La

Ông Hoàng Trọng Nam (ngoài cùng bên phải) báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác vận hành nhà máy (ảnh do Công ty Thủy điện Sơn La cung cấp)

Rời Công ty Ðiện lực Sơn La về làm Phó ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La, Trưởng ban Chuẩn bị sản xuất theo sự phân công của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, cái khí chất ấy trong con người ông tiếp tục được thể hiện và phát huy trên đại công trường Thủy điện Sơn La. Với kinh nghiệm tích lũy được qua hơn nửa đời người gắn bó với thủy điện, ông luôn tâm niệm rằng: Nhân lực của một công trình lịch sử phải xứng tầm lịch sử. Và với ông, đây chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của Dự án Thủy điện Sơn La.

Xác định rõ tầm quan trọng của yếu tố con người như vậy, đích thân ông đã tìm đến các trường đại học như Bách Khoa, Công nghiệp Thái Nguyên... để tuyển người. Nhiều sinh viên là người Sơn La đang học ở các nơi, ông cũng kéo về rồi cho đi đào tạo. Sau nhiều tháng lăn lộn như thế, 140 cán bộ, kỹ sư đầu tiên đã được tuyển dụng. Có người rồi nhưng với ông như thế là vẫn chưa đủ, phải “lao vào thực tiễn” bởi “thực tiễn là bài học tốt nhất”. Vậy nên, sau khi cho những cán bộ, kỹ sư được tuyển dụng đợt đầu đi rèn luyện thực tế tại 2 nhà máy thủy điện là Hòa Bình và Yaly, ông lại trực tiếp đưa xuống công trường xây dựng Thủy điện Sơn La. Ông vẫn thường bảo mọi người rằng: Có dãi nắng dầm mưa với đại công trường để học hỏi, làm quen với thiết bị, để cảm nhận được tầm vóc và quy mô của nhà máy mà sau này mình sẽ làm việc, là cơ hội tốt nhất để anh em rèn luyện bản lĩnh cũng như học hỏi kinh nghiệm.

Bản thân ông cũng trực tiếp xuống công trường cùng lăn lộn, cùng làm việc với anh em cán bộ, kỹ sư. Và khi được mọi người hỏi về chuyện này, ông đã kể lại rằng: “Có những đêm mưa phùn gió bấc, công trường còn dở dang, hàng núi thiết bị chồng chất, với hàng trăm ngàn hạng mục công việc chưa hoàn thành… mà mình thì vừa mệt, vừa đói, nhưng vẫn phải cố gắng vui vẻ, yêu đời để động viên anh em”.

Ðể rồi, chính những ngày khó khăn, gian khổ ấy, dưới sự chỉ huy nghiêm khắc nhưng cũng đầy bản lĩnh của ông, lớp kỹ sư đầu tiên ấy đã nhanh chóng trưởng thành và giờ đã trở thành những ông chủ thực thụ của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Không chỉ vậy, chính họ đã trở thành hạt nhân, nòng cốt, là đầu tàu quan trọng dẫn dắt lứa kỹ sư tiếp theo của Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Ðại gia đình giữa núi rừng Tây Bắc

Thủy điện Sơn La cán đích sớm hơn 3 năm so với kế hoạch, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng có thể xem là kỳ tích của ngành điện và trong thành công đó, yếu tố con người giữ một vai trò không hề nhỏ. Dù khi có ai đó đề cập tới vấn đề này, ông cũng chỉ cười bảo “mình có làm được gì đâu” thì cũng phải thấy rằng, chính ông là người có công lớn trong việc đào tạo ra một đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ có bản lĩnh, trình độ để quản lý, vận hành công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam. Và hơn hết, qua những tháng ngày lăn lộn cùng anh em cán bộ, kỹ sư trên công trường, ông đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên Công ty Thủy điện Sơn La, biến họ trở thành một khối đoàn kết, kỷ luật, đủ sức quản lý, vận hành một cách hiệu quả Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.

Nhưng đằng sau sự thành công ấy là không ít thử thách đối với công tác nhân sự tại Công ty Thủy điện Sơn La. Ðội ngũ kỹ sư trẻ, lành nghề, đầy bản lĩnh ở Công ty Thủy điện Sơn La luôn là “đích nhắm tới” của các doanh nghiệp tư nhân. Họ sẵn sàng mời 1 trưởng ca ở đây về làm phó giám đốc nhà máy của họ, với mức lương cao gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần, với những đãi ngộ hấp dẫn mà doanh nghiệp Nhà nước không thể nào có được.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, với bầu nhiệt huyết mang tên Hoàng Trọng Nam, các lớp cán bộ, kỹ sư do ông tuyển dụng, đào tạo vẫn đang dồn hết trí và lực cống hiến cho công trình thế kỷ này. Minh chứng rõ nét cho điều này là cả 6 tổ máy của Thủy điện Sơn La hiện đang vận hành ổn định, đóng góp vào hệ thống điện quốc gia hơn 24 tỉ kWh điện, nộp ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Ðây là bài học lớn không chỉ với Công ty Thủy điện Sơn La mà còn với rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế khi “chảy máu chất xám” được xem là vấn nạn. Bài học lớn ấy chính là cách làm người, đối nhân xử thế với những người xung quanh trên nền tảng tôn trọng, trọng dụng và cất nhắc ngay khi có thể, gần gũi và sẻ chia bất kỳ lúc nào anh em cần. Thậm chí, ngay cả đêm 30, ngày mùng 1 tết, ông cũng sẵn sàng ở lại nhà máy trực cho anh em kỹ sư được nghỉ về quê với gia đình.

Nói về những gì mà ông Hoàng Trọng Nam đã làm được tại Công ty Thủy điện Sơn La, đặc biệt là công tác nhân sự, ông Khương Thế Anh - Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La nói: “Anh Nam chính là chất keo kết dính hàng trăm cán bộ, công nhân viên của Công ty Thủy điện Sơn La thành một khối thống nhất, một đại gia đình giữa núi rừng Tây Bắc”.

“Không có kỳ tích nào ngoài sự nỗ lực và nỗ lực hết mình của tất cả những người đã và đang ngày đêm cống hiến sức lực và trí tuệ cho công trình đặc biệt quan trọng này. Hay nói đúng hơn, nếu Thủy điện Sơn La có thể được xem như là một kỳ tích thì đó là kỳ tích được làm nên từ những chiến tích nhỏ của hàng ngàn bàn tay và khối óc…” - ông Hoàng Trọng Nam nói.

Thanh Ngọc

 

  • el-2024