Người dưng thành ruột thịt

07:00 | 29/03/2017

5,691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trưa Sài Gòn đứng bóng. Trước cổng Bệnh viện Đại học Y dược, có một người đàn ông nhỏ thó, tay chân queo quắt ngồi nép mình dưới bóng râm, cố tránh đi cái nắng oi ả. Bóng dáng ông lọt thỏm giữa dòng người tấp nập. Trái ngược với gương mặt khắc khổ, hình hài dị biệt, người đàn ông không ngừng tươi cười chào mời khách mua vé số.

Người, xe nườm nượp ra vào, song, chỉ có những ai tinh mắt mới có thể nhận ra sự hiện diện của người đàn ông kỳ lạ ấy. Nhìn ông nhỏ bé, cả cơ thể teo tóp chỉ còn một mẩu tựa như nhân vật Sọ Dừa trong truyện cổ tích, ai ai cũng cũng cảm thấy xót xa. Và thế là, họ thương tình dừng lại mua giúp ông vài tờ vé số. Mỗi lần như vậy, ông lại nở nụ cười hiền hậu kèm theo tiếng cảm ơn trọ trẹ. Chúng tôi quan sát ông hồi lâu. Người qua kẻ lại, có người đã quen với sự hiện diện của ông, có người giật mình khi bất chợt nhìn thấy ông và cũng có người lướt qua ông như thể vô hình. Ai ai đi ngang qua ông cũng mời chào bằng nụ cười như vậy. Và chúng tôi tự hỏi, không biết điều gì khiến một con người tưởng chừng như đã tận cùng bất hạnh lại có thể có nụ cười lạc quan đến thế?

Người đàn ông “sọ dừa”

Họ tên đầy đủ của ông là Võ Đình Sung, 58 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê hẻo lánh thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ thuở lọt lòng, ông đã bị di chứng do chất độc da cam để lại. Toàn thân ông teo tóp, di biệt. Cha mẹ mất sớm, gia đình ông có anh chị em nương tựa vào nhau sống nhờ tình thương của bà con làng xóm.

nguoi dung thanh ruot thit
Bà Vân và ông Sung sống nương tựa vào nhau

Không thể đi lại, tuổi thơ của ông chỉ biết ngồi một chỗ hoặc lăn lóc trong khoảnh sân nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do các anh chị lớn thay nhau chăm sóc. Lên 10 tuổi, biết các anh chị vất vả, nhọc nhằn, ông bắt đầu học cách dùng cánh tay lê lết thân mình để đi lại và tập luyện các ngón tay để tự mình phục vụ sinh hoạt cá nhân.

Khi ý thức được sự khác thường của cơ thể, không thể đi lại, không thể vui chơi như anh chị và bạn bè, ông tủi thân lắm. Một thời gian dài ông chỉ biết khóc. Sau này các anh chị trưởng thành, mỗi người mỗi ngả làm ăn, chẳng ai còn để ý gì đến ông nữa. Người chị thứ 8 là người quan tâm chăm sóc ông Sung nhiều nhất, song bà cũng phải vất vả bươn chải lo cho gia đình, chẳng có thời gian để ý an ủi, động viên em mình… Càng ngày, ông càng sống tách biệt, bị mọi người hắt hủi…

Dù có thể làm được những việc nhẹ trong nhà, nhưng ông Sung vẫn không dám ra đường vì sợ mọi người chê cười. Đến năm 15 tuổi, được sự động viên của các anh chị, ông bắt đầu bước ra khỏi căn nhà tranh xập xệ.

Lần đầu tiên lê tấm thân nặng nhọc trên con đường đầy sỏi đá, toàn thân mỏi nhừ, đau đớn. Đó cũng là lần đầu tiên ông nhận ra dù khuyết tật nhưng ông vẫn có thể thích nghi với thế giới bên ngoài như những người khác.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định phải tự mình kiếm sống nuôi thân. Bỏ qua dị nghị của xóm giềng, tự ái của bản thân, ông bắt đầu đi theo phụ giúp anh chị mình buôn bán vặt ở chợ làng.

Song, cuộc sống quê nghèo vất vả, không ít lần ông xích mích với các anh chị em trong nhà, nhất là sau khi các anh chị lập gia đình riêng. Mấy người anh rể, chị dâu là người dưng đã đành, đến người thân ruột thịt cũng coi ông như kẻ ăn bám. Mỗi lần bị hắt hủi, ông lại giận bỏ nhà lang thang đầu đường xó chợ, lay lắt vỉa hè

Đến một ngày, cuộc gặp gỡ như định mệnh đã khiến cuộc sống của ông bắt đầu bước vào một ngã rẽ mới…

Người đàn bà khuyết tật

Người đã thay đổi cuộc đời ông là bà Phan Thị Thu Vân (47 tuổi). Cùng sinh ra tại một vùng quê miền núi hẻo lánh của tỉnh Phú Yên, số phận bà Vân cũng hẩm hiu.

Bà Vân kể, lúc lên 3 tuổi, bà trải qua một cơn sốt thập tử nhất sinh. Sau trận sốt đó, tuy giữ được tính mạng nhưng một chân của bà đã bị liệt hoàn toàn. Gia đình làm nông, nghèo khó, lại đông anh em, cha mẹ không đủ khả năng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Khi đủ lớn, ý thức được hoàn cảnh gia đình, bà Vân cùng các anh chị em trong gia đình bươn chải mưu sinh ở quanh vùng quê để phụ giúp cha mẹ kiếm sống.

nguoi dung thanh ruot thit
Ông Võ Đình Sung bán vé số trước Bệnh viện Đại học Y dược

Theo lời bà Vân, cách đây chừng 20 năm, thôn làng nơi gia đình bà sinh sống có rất nhiều người bỏ ruộng vườn lên Sài Gòn kiếm sống. Thấy gia cảnh ở quê khi ấy khó khăn quá, bản thân tàn tật lại bị anh chị em trong nhà dè bỉu, coi thường, bà Vân quyết định xin gia đình cho lên Sài Gòn bán vé số.

Bà Vân kể: “Tôi vào Sài Gòn trước ông Sung 5 năm. Lúc đó, mấy anh chị ở quê hắt hủi. Họ nói tôi làm cho cha mẹ khổ. Buồn quá, tôi xin ba má cho vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Mặc dù ba má ngăn cản, nhưng tôi không thể chịu được sự coi thường của các anh chị thêm nữa”…

Mới đầu do tự đi lại không tiện nên bà thường đi nhờ xe ôm của một người đàn ông sống cùng xóm trọ. Đi được một thời gian, ông ta nói thương bà. Ban đầu bà từ chối thẳng thừng, nghĩ người ta chọc ghẹo mình. Thế nhưng, giữa đất người xa lạ, duy chỉ có người đàn ông ấy là gần gũi, tâm sự với bà nhiều nhất. Nghe mãi những lời hứa hẹn ngọt ngào, cuối cùng bà cũng xiêu lòng.

Sống cuộc sống vợ chồng với nhau được 5 năm, bà Vân phát hiện mình mang thai 5 tháng. Người đàn ông kia bắt bà phá thai. Bà khóc lóc, van xin, bảo không thể bỏ đứa con. Người đàn ông đó liền lặng lẽ bỏ đi. Và thế là những ngày tháng tiếp theo, bà Vân bụng mang dạ chửa, lay lắt bán vé số sống qua ngày. Còn khoảng 10 ngày nữa là đến ngày sinh nở, bà gọi điện về quê nhờ cậu mợ nhắn giùm với cha mẹ: “Con lỡ dại, ba má thương thì cho con về quê đẻ, còn không con đẻ ở đây, phó mặc sống chết cho ông trời định đoạt”. Cha mẹ kêu bà về.

Mấy tháng sau sinh, khi đứa bé bắt đầu cứng cáp, bà Vân đi theo người chị buôn một chuyến hàng ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, kiếm ít vốn trở về Sài Gòn tiếp tục cuộc mưu sinh. Đến bên hông chợ huyện, bà giật mình khi nhìn thấy một người đàn ông nằm co ro, lăn lóc trên vỉa hè. Người đàn ông nhỏ thó, chân tay ngắn ngủn, co rút khiến bà không khỏi cảm thương. “Ổng ngủ ngoài vỉa hè trông tội lắm. Tôi bèn lại hỏi thăm. Thì ra ổng bị người chị dâu dè bỉu, mắng chửi ổng ăn bám rồi đuổi đi...”, bà Vân kể lại khoảnh khắc lần đầu tiên gặp ông Võ Đình Sung.

Thấy người đàn ông dị dạng tội nghiệp bị gia đình hắt hủi phải ngủ vật vờ ngoài vỉa hè, lại nghĩ đến cảnh ngộ của mình, bà Vân sinh lòng thương cảm. Sau hôm gặp gỡ ấy, bà nhủ thầm nhất định sẽ quay lại giúp đỡ ông.

Quay về Sài Gòn, bà Vân bắt đầu ổn định lại cuộc sống, song trong lòng bà lúc nào cũng đau đáu hình ảnh người đàn ông nhỏ thó vạ vật nơi vỉa hè mà mình đã gặp. Và thế là dù phải nuôi đứa con thơ dại, cuộc sống không dễ dàng gì, bà vẫn quyết định quay về lại Phú Yên để đón người đàn ông ấy đến ở cùng.

Từ đó bà Vân nhận ông Sung làm anh kết nghĩa. Lên tới Sài Gòn, bà là người lo cho ông từng bữa cơm, giấc ngủ. Lẽ ra bà đã có thể thảnh thơi tự thân bán vé số, nuôi con, lúc rảnh rang thì chạy ra hàng cà phê gần nhà trò chuyện với mấy người hàng xóm. Nhưng bà vẫn quyết cưu mang người anh đồng hương của mình, chỉ vì: “Tôi cũng bị anh chị em coi thường, ổng cũng bị gia đình hắt hủi, tôi bị tật một chân, còn ổng phải mang cả thân hình dị dạng như vậy, nhìn ổng, tôi chịu không nổi”.

Lúc bà Vân dắt ông Sung đi, người chị thứ 8 của ông ra sức ngăn cản. Thế nhưng, hoàn cảnh của người chị cũng rất khó khăn, không thể chăm lo cho ông đầy đủ. Ông Sung nhất quyết ra đi, bỏ lại sau lưng biết bao tủi hờn.

Bà Vân kể, ngày còn ở quê người ta đối xử với ông Sung tệ lắm. Vậy mà, từ khi lên thành phố bán vé số đến giờ, tháng nào ông cũng để dành tiền gửi về quê cho mấy đứa cháu ăn học. “Ở Sài Gòn coi vậy mà nhiều người tốt bụng. Ổng đi bán, người ta thương nên hay cho thêm tiền. Ổng kiếm được bao nhiêu đều giữ lại hết không dám chi tiêu gì. Mỗi tháng, ổng phụ tôi 500 nghìn đồng tiền nhà, còn ăn uống tôi lo hết”, bà Vân chia sẻ.

Hiện hai ông bà đang thuê trọ ở một căn nhà trong khu chợ Hồ Thị Kỷ, quận 10. Căn phòng trọ nhỏ xíu rộng khoảng 12m2, do chủ nhà thương tình nên ngăn vách ra cho ông bà thuê với giá 2 triệu đồng một tháng. Tiền nhà, tiền ăn uống, thuốc men, tiền học cho đứa con... đều trông chờ vào tiền lời bán vé số.

Mỗi ngày, hai ông bà dắt díu nhau đi bán, ngày nhiều nhất cũng chỉ lời được 250 nghìn đồng. Có lúc, bà định “ôm” lại vài tờ vé số cầu trời cho trúng để đổi đời. Thế mà, mười mấy hai chục năm bán vé số, chưa khi nào bà dám làm vậy. “Cứ nghĩ đến tiền không đủ ăn, không có tiền đóng học phí cho con là tôi không dám mạo hiểm”.

Nhắc đến con trai, bà Vân vui vẻ hẳn: “Thằng bé hiểu hết hoàn cảnh gia đình nên cũng thương yêu ông Sung như bác ruột. Hằng ngày đi chơi trong xóm, nó vẫn hay bồng ổng đi cùng. Năm nay thằng bé lên cấp 3. Nó ngoan, học giỏi, chơi thể thao cũng hay, năm nào cũng nhận được giấy khen của trường. Tôi bảo để dành tiền thưởng mua cho nó cái xe đạp đi học, nó bảo thôi mẹ, con đi bộ được mà, đàn ông trai tráng đi bộ tập thể dục cho khỏe! Rồi nó còn bảo, con ráng học sau này kiếm tiền nuôi mẹ, tôi nghe mà “mát hết cả ruột gan…”.

Trước đây không có xe lăn, bà và ông phải lê lết khắp ngõ hẻm để bán vé số. Tình cờ một ngày bà gặp một nhà hảo tâm Việt kiều tốt bụng. Sau khi biết hoàn cảnh của hai anh em, người này dẫn bà Vân đến một cửa hàng và mua cho bà chiếc xe lăn chạy bằng điện giá hơn 10 triệu đồng.

Từ lúc có xe, ông Sung bà Vân cũng đỡ vất vả hơn. Ngày nào cũng vậy, bà đặt ông ngồi sau ghế rồi chạy ra các địa điểm đông người để bán vé số được nhanh hơn. Điểm bán quen thuộc của ông bà là các bệnh viện dọc trục đường Hồng Bàng, quận 10. Đến mỗi điểm, bà Vân lại chọn một chỗ quang đãng, không vướng tầm nhìn để đặt ông Sung ngồi đó chào mời khách, còn bà thì chống nạng đi tới đi lui để bán được nhiều hơn. Tuy vậy, bà cũng không dám bỏ ông ở lại lâu một mình. Bà sợ ông nhỏ bé người ta không nhìn thấy rồi va phải như cái lần ông bị xe đụng cách đây vài ba năm…

Lần đó, ông Sung đang lăn mình trên chiếc ván đóng bánh xe tự chế để đi bán vé số thì bị tai nạn. Vì người ông nhỏ thó, phố phường Sài Gòn lại đông đúc nên người tài xế không nhìn thấy. Do chiếc xe đang tấp vào lề với tốc độ chậm nên ông may mắn giữ được mạng sống, song tai nạn lần đó cũng khiến ông phải nhập viện điều trị cả tháng trời.

Kể đến đây, bà Vân bất chợt nhìn về phía ông Sung, nén tiếng thở dài: “Mới đó đã 15 năm, hai anh em gắn bó, rau cháo có nhau… Từ dạo ông Sung bị xe cán, sức khỏe ổng yếu hẳn. Đi bán buổi trưa nhiều khi ổng bị say nắng, ngất đi lúc nào không biết, té ngửa ra đường. Tôi cứ phải canh chừng luôn. Ban đêm ổng ngủ cũng chẳng ngon giấc, cứ bị cơn hen suyễn hành hạ…”.

Hai mảnh đời ghép lại

Nghe hàng xóm quanh khu trọ cũ của ông bà kể, ngày ông Sung bị tai nạn, một tay bà Vân chăm sóc. Từ việc ăn uống cho đến đi vệ sinh của ông, bà Vân cũng phải gánh gồng. Khoảng thời gian đó, bà phải đi bán đến tận 1-2 giờ sáng mới tìm về phòng trọ. Thân hình èo uột của bà dạn dày sương khuya. Sau tai nạn, tai của ông Sung không còn bình thường. Nhiều lúc bà Vân phải hét to để ông nghe thấy. Hàng xóm lại cứ tưởng hai người cãi nhau. Đến bây giờ tai ông hầu như không thể nghe được nữa. Ông chỉ còn cách hiểu ngôn ngữ của những người xung quanh qua khẩu hình miệng, cử chỉ, việc nói chuyện với ông bây giờ cũng rất khó khăn.

nguoi dung thanh ruot thit
Dáng hình nhỏ bé của ông Sung trên phố

Bà Vân cho biết thêm: “Sáng 6 giờ, thằng nhỏ dậy đi học. Tôi cũng dậy cùng con rồi đi bán tới 12 giờ thì về. Xế chiều đi bán tiếp, tới khoảng 10 giờ tối hoặc có khi 1-2 giờ mới về phòng trọ. Nhưng dạo này, mới chuyển nhà trọ, lạ chỗ, không có người quen, tôi lo thằng nhỏ sợ nên về sớm. Vả lại, sức khỏe của anh Sung cũng yếu, không cố thêm được nữa”.

Bà Vân cũng không ngại chia sẻ với chúng tôi chuyện hai anh em là người dưng nước lã, đôi khi cũng xích mích cãi cọ. Từ dạo bị tai nạn, ông Sung bỗng tính khí thất thường, vui buồn, cáu giận bất chợt. Nhiều lúc, bà Vân buồn, cuốn quần áo dẫn con bỏ đi. Thế nhưng, đi được vài tiếng đồng hồ, bà lại lo ông đi kiếm, xe cộ đông đúc biết đâu lại bị làm sao. Nghĩ đến đó, bà Vân lại hối thằng con ba chân bốn cẳng chạy về.

Về phía ông Sung, tức lên, ông cũng không tiếc lời nặng nhẹ. Vậy mà, bà Vân bỏ đi vài phút, ông lại hớt hải lê thân mình qua nhà hàng xóm hỏi thăm. “Tôi nấu cái gì ổng cũng chê dở. Ăn gì cũng bảo không ngon. Nghe vậy, tôi ức lắm, không có tiền thì lấy gì mà ngon? Đến cơm cũng phải mua gạo rẻ tiền, nấu ăn hết một lần, chứ để tới bữa thứ hai là cứng quèo, ăn không được. Thằng nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, ăn thiếu thốn riết cũng ốm o, gầy gò. Chắc kiếp trước tôi mắc nợ ổng hay sao mà không bỏ được. Người thân ruột rà còn bỏ mặc ổng, mình người dưng mà không hiểu sao bỏ không đành. Tôi cũng bị anh chị em không đoái hoài đến nên xót xa thay luôn cho phần ổng”, bà Vân thật thà bộc bạch.

Sau giờ phút nghỉ ngơi, chia nhau ăn tạm hộp cơm bình dân mua vội, ông bà lại tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh nơi đất khách quê người. Trời về chiều, họ lại chở nhau trên chiếc xe lăn điện, đến mời mọc khách mua vé số nơi những quán nhậu, những cửa hàng ăn uống nườm nượp khách. Mùi thức ăn thơm phức, xen lẫn mùi rượu, bia, hơi người ngột ngạt. Ở những nơi đó, đôi khi ông bà may mắn gặp được người giàu lòng nhân ái, nhưng cũng không ít lần gặp phải những kẻ trịch thượng ném về phía mình ánh nhìn kỳ thị rồi bảo “cút đi”…

Dòng đời tấp nập, phận người bọt bèo. May mắn thay trong cùng cực, hai con người đồng cảnh ngộ đã nhìn thấy nhau, bao bọc nhau vượt qua những khổ ải của một kiếp người khiếm khuyết. Dù đã rơi đến tận cùng của sự bất hạnh về thể xác, người đàn ông tưởng chừng như cứ mãi lăn lóc ở vỉa hè miền quê nắng gió, nay đã có công việc để nuôi sống chính mình, có một người em gái kết nghĩa và một đứa cháu trai hiếu thảo. Chúng tôi chợt nhận ra, phải chăng đó là lý do khiến ông luôn giữ được nụ cười lạc quan ấy trên môi!

Nguyên Phương