Để cải thiện an toàn thực phẩm:

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

07:02 | 23/02/2017

437 lượt xem
|
Là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận nhất hiện nay, an toàn thực phẩm (ATTP) đang được cơ quan quản lý các cấp tập trung tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp đồng bộ để giải quyết. Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 với các bộ: Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Công Thương mới đây thì một trong những nguyên nhân được các bộ đưa ra là, nếu trách nhiệm không được gắn với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; đơn vị, địa phương thì mọi quyết tâm, nỗ lực đều đổ ra sông, ra biển…  

Kinh phí quá thấp

Báo cáo với Đoàn giám sát, các bộ cho rằng, thực tế ngân sách hạn hẹp khiến hoạt động quản lý Nhà nước thời gian qua giảm hẳn tính hiệu quả, hiệu lực trong thực thi công vụ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, giai đoạn 2011-2016, ngành nông nghiệp được cấp 192.370 triệu đồng, nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý ATTP (phí, lệ phí) là 959.143 triệu đồng. Nhưng khoản tiền đó chỉ bằng 30% kế hoạch đề xuất và đây thực sự là khó khăn lớn để bảo đảm hiệu quả quản lý ATTP. Tương tự, Bộ Công Thương cũng cùng quan điểm, trong giai đoạn 2011-2016, số kinh phí được cấp chỉ bằng 20% (101 tỉ đồng) so với số được phê duyệt cho Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP. Kinh phí này khi phân về các địa phương và Cục Quản lý thị trường để thực hiện nhiệm vụ thì quá hạn chế, nên kết quả tổ chức thực hiện ít nhiều bị ảnh hưởng.

nguoi dung dau phai chiu trach nhiem
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam

Trên cương vị là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối, Bộ Y tế đánh giá, dù đã được quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở Việt Nam còn rất thấp. So với Thái Lan, giai đoạn 2001-2005 chúng ta chỉ bằng 1/25; còn so với Trung Quốc giai đoạn 2011-2015, bình quân đầu người Việt Nam chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố này chi tới 100.000 đồng/người.

Bên cạnh kinh phí hạn hẹp thì nhân lực và chất lượng nhân lực cũng là một vấn đề mà 3 bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương thừa nhận là điểm yếu trong công tác quản lý. Trong báo cáo của các bộ thừa nhận: Công tác tổ chức và con người thực hiện vẫn là một yếu kém. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, một điểm mới được Bộ NN&PTNT báo cáo là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó có thanh tra trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cụ thể chương trình thanh tra của Bộ NN&PTNT năm 2017 có một nội dung lớn là thanh tra công vụ. Trước hết, đợt thanh tra đầu tiên sẽ tiến hành ở chính các đơn vị của Bộ, từ đó siết chặt kỷ cương ngay từ khâu quản lý Nhà nước. Những đơn vị quản lý của Bộ ở nơi nào, cán bộ nào, tổ chức nào làm không đến nơi đến chốn sẽ kiên quyết xử lý. Báo cáo của Bộ cho thấy, ở các địa phương quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, thì công tác quản lý khá tốt, chưa có trường hợp nào bị xử lý, kỷ luật. Chính vì vậy, đại diện Bộ NN&PTNT nói: “Nếu không giải được bài toán trách nhiệm của người đứng đầu thì mọi quyết tâm của Quốc hội hay Chính phủ trong nỗ lực đẩy lùi mất ATTP sẽ chỉ là con số 0”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh nói: “Trong quá trình giám sát, tôi thấy sự phối hợp giữa các bộ được cải thiện rất rõ. Đặc biệt Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo vấn đề ATTP. Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn đề cập ở đây chính là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Tình trạng mất vệ sinh ATTP ở các địa phương đang ở mức báo động. Điều này chứng tỏ, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương là rất yếu, có nhiều vấn đề phải xem lại. Vì vậy, cần rà soát lại vai trò đầu mối ở các địa phương, đó là các sở, mà đặc biệt là Sở Y tế, từ đó tham mưu cho UBND các cấp, trong đó Chủ tịch UBND phải có trách nhiệm điều phối, quy định rõ trách nhiệm”.

Đã đến giới hạn đỏ

Chia sẻ những câu chuyện thực tế đi khảo sát tại 13 địa phương, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mức chịu đựng của xã hội đối với vệ sinh ATTP đã đến giới hạn đỏ. Dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011-2016, các cấp, ngành tổ chức tới trên 150 nghìn đợt thanh, kiểm tra khoảng 3 triệu cơ sở, phát hiện 600 nghìn trường hợp (20%) vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, xử phạt 133 tỉ đồng. Phó chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về kết quả xử phạt.

“Tính ra, một trường hợp vi phạm chỉ bị phạt 200 nghìn đồng, quá nhẹ đối với hành vi vi phạm đang dần làm suy mòn nòi giống của dân tộc. Ai cũng nhận thức được các vụ ngộ độc thực phẩm đều rất nghiêm trọng. Mới đây là vụ ở Lai Châu, 8 người chết và 21 người nhập viện. Lãnh đạo các bộ thấy như thế nào? Có nghiêm trọng không?”, Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Không hoàn toàn đồng tình với các bộ về việc phàn nàn neo người và chế tài chưa đủ mạnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ khẳng định, Bộ luật Hình sự 2009 và 2015 đều quy định xử phạt nặng đối với các vi phạm liên quan đến ATTP (phạt tiền 50-500 triệu, xử phạt tù 1-20 năm). “Vấn đề ở đây là, người được pháp luật cho phép xử lý lại không xử lý. Thực tế khi về địa phương giám sát, có những cán bộ xã, phường đã thừa nhận, biết cơ sở vi phạm nhưng không dám xử lý vì là… họ hàng, người quen. Như vậy, không phải là không có chế tài, mà là bộ máy chính quyền địa phương không thực hiện việc xử lý. Với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ phải tham mưu cho Chính phủ để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động theo đúng chức năng trong lĩnh vực này. Vấn đề này rõ ràng đang bị bỏ ngỏ!”.

Cả 3 bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương đều đề nghị Quốc hội xem xét sớm sửa đổi Luật ATTP theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản xuất thực phẩm hài hòa với quy định quốc tế. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết hoàn toàn mới về tăng cường quản lý ATTP để thay thế Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp.

Chuyện lãnh đạo xã, phường thừa nhận không dám xử phạt người vi phạm Luật ATTP vì lý do… họ hàng, người nhà, người quen và vì… ngại là có thật. Qua giám sát cho thấy, vấn đề bảo đảm ATTP, chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng ở nước ta ở mức báo động vì những lý do khó tưởng tượng như trên. Muốn cho một sản phẩm sạch phải qua rất nhiều thời gian và công đoạn, chưa kể phải bảo đảm 6 yếu tố: Môi trường sạch, sản xuất sạch, bảo quản sạch, chế biến sạch, vận chuyển sạch và tiêu dùng phải sạch. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, buổi làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ rất quan trọng trước khi Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo toàn diện về công tác quản lý Nhà nước về ATTP vào ngày 3-3 tới.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Mặc dù đã được cải thiện nhưng ATTP vẫn đang là vấn đề lớn, gây bức xúc, lo lắng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Việc tổ chức thực hiện các chiến lược quốc gia và quy hoạch tổng thể về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm. Có như vậy mới tạo ra nguồn thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các bộ cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể, sát thực hơn. Ngoài ra, phải nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguyễn Bách - Hữu Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc