Từ vụ Vinamob 'móc túi' 2.760 tỷ đồng:

Người dân hoang mang vì điện thoại bị nghe lén, 'móc túi'

10:26 | 26/11/2015

2,290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều người dùng điện thoại di động tại Việt Nam tỏ ra bất ngờ khi nghe thông tin mã độc trong điện thoại Trung Quốc giá rẻ có khả năng tự gửi tin nhắn, trừ tiền trong tài khoản... Ngoài ra, những nguy cơ như bị nghe lén, bị định vị hay bị thu thập thông tin cá nhân cũng đang gây lo ngại.

nguoi dung dtdd hoang mang

Cảnh báo về điện thoại Trung Quốc giá rẻ

“Những mã độc này được gắn sâu vào điện thoại bằng các cài đặt sẵn từ nơi sản xuất nên rất khó để người dùng phát hiện được” - ông Nguyễn Công Cường, Giám đốc bộ phận nghiên cứu mã độc của BKAV nói.

Sau khi Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội có kết luận về việc Công ty Vinamob “móc túi” người dùng tại Việt Nam số tiền 2,670 tỷ đồng, PetroTimes cũng nhận được phản ánh của một số bạn đọc vì gặp tình trạng tương tự.

Anh Vi Văn C., huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong một lần đi tìm mua điện thoại, anh được giới thiệu một chiếc điện thoại nhãn hiệu NOKIA với có thời lượng pin khủng lên đến 15 ngày. Vì cần thiết cho công việc và không phải sạc pin nhiều lần anh C. đã mua chiếc điện thoại với giá 500 nghìn đồng.

“Chiếc điện thoại ấy pin rất khỏe, nếu tôi chỉ dùng để nghe và gọi thì cũng phải được trên 15 ngày. Nếu nghe đài, nghe nhạc nhiều thì cũng cỡ chục ngày mới cạn pin” - anh C. nói.

nguoi dung dtdd hoang mang
Anh Vi Văn C.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian sử dụng chiếc điện thoại, anh C. cho biết nhiều lần bị trừ tiền mà không rõ nguyên nhân.

“Có lần tôi nạp 50 nghìn vào tài khoản, nhưng hai ngày sau kiểm tra điện thoại đã thấy hết tiền trong khi mình chỉ gọi cho bạn một vài cuộc với thời lượng chỉ vài chục giây. Có lần nạp thẻ 20 nghìn, cũng hôm trước hôm sau thì tổng đài gửi tin nhắn thông báo điện thoại sắp hết tiền”- anh C. chia sẻ.

Sau khi bị trừ tiền, anh C. đã gọi điện thoại lên tổng đài để thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời đã sử dụng các dịch vụ tiện ích nên bị trừ tiền. Khi anh C. trả lời nhân viên tổng đài rằng không sử dụng các dịch vụ này thì chỉ nhận được câu trả lời kiểm tra cài đặt trong điện thoại.

Trước thông tin về kết luận của Sở TT&TT Hà Nội đưa ra, anh C. cho biết sẽ mang điện thoại đi kiểm tra, nếu có vấn đề sẽ chuyển sang dùng điện thoại của một hãng khác.

Anh Kiều Văn T., ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng gặp phải trường hợp tương tự. Anh T. cho biết đã mua một chiếc điện thoại hiệu NOKIA với giá rẻ chỉ 400 nghìn đồng và cũng bị trừ tiền.

“Họ giới thiệu đây là chiếc điện thoại được quảng cáo là pin khỏe, sóng không bao giờ mất kể cả vào thang máy nên tôi mua. Hơn nữa nhìn cũng giống những chiếc điện thoại được quảng cáo trên ti vi mà giá lại rẻ nữa” - anh T. nói.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, anh T. đã quyết định “chia tay” chiếc điện thoại NOKIA giá rẻ, sóng căng, pin khỏe vì nhiều lần bị trừ tiền không rõ nguyên nhân. Chiếc điện thoại này cũng liên tục gửi các thông báo trên màn hình điện thoại khiến anh gặp phiền phức.

“Tôi hay nạp thẻ 100 nghìn vào điện thoại, tiền này chỉ dùng để nhắn tin lấy kết quả xổ số hàng ngày nhưng được khoảng một tuần lễ là thấy bị hết nửa số tiền rồi. Nhưng cũng không để ý. Có lần gọi điện lên hỏi tổng đài thì họ bảo sử dụng dịch vụ trong khi mình không dùng. Hỏi vài lần mà vẫn được trả lời như vậy nên tôi không hỏi nữa. Giờ không biết dùng điện thoại gì để được an toàn” - anh T. nói.

nguoi dung dtdd hoang mang
Nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc giá rẻ bị cài mã độc

Khi phóng viên kể về vụ việc diễn ra tại công ty Vinamob, anh T. tỏ thái độ bất ngờ và cho biết sẽ đổi ngay sang dùng một chiếc điện thoại khác để tránh bị nhiễm mã độc.

Ngày 25/11, trao đổi với PetroTimes, một đại diện bộ phận kỹ thuật hệ thống cửa hàng điện thoại CellphoneS cho biết đa phần các máy điện thoại bị nhiễm mã độc là các máy chạy hệ điều hành Andoid của Google.

Theo vị này, trên chợ ứng dụng Google Play bất kỳ ai cũng có thể viết phần mềm và đưa lên một cách dễ dàng. Hơn nữa việc kiểm duyệt các ứng dụng không còn khắc nghiệt như trước kia nên nguy cơ có cài mã độc lại càng cao.

“Android mã nguồn mở nên rất dễ dính mã độc còn hệ điều hành IOS ít bị hơn. Hơn nữa, nhiều bên viết phần mềm, họ không quan tâm đến nội dung bên trong mà chỉ cần có nhiều lượt tương tác, lượt tải mà thôi”  - đại diện CellphoneS nói.

“Người dùng điện thoại di động nên cài các phần mềm đảm bảo an toàn cho máy như phần mềm diệt virut. Tham khảo thông tin về các ứng dụng trước khi tải về máy. Mua các hãng nổi tiếng, không nên mua các loại điện thoại do Trung Quốc sản xuất” – vị này khuyến cáo.

Trước đó, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội kết luận Công ty TNHH Đầu tư Vinamob (ở đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) đã “móc túi” người dùng 2,670 tỷ đồng. 

Công ty Vinamob đã cấu kết với 3 công ty Trung Quốc cài đặt sẵn mã độc trên các tiện ích của điện thoại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các mã độc này sẽ tự động gửi tin nhắn có tính phí đến các đầu số 8x61 và trừ tiền trong tài khoản của người dùng mà họ không hề hay biết.

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cũng ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Vinamob số tiền là 50.000.000đ; đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng; buộc hoàn trả lại số tiền đã thu của người dùng đối với mã lệnh người dùng không nhận được dịch vụ.

Bạn đọc đang sử dụng điện thoại di động, nếu thấy tài khoản có dấu hiệu bất thường nên mang điện thoại đến các trung tâm kỹ thuật của các hãng có uy tín để kiểm tra, tránh bị "móc túi" mà không hề hay biết. Ngoài ra, để tránh nguy cơ việc bị theo dõi, lộ các thông tin cá nhân, các chủ thuê bao không nên tùy tiện cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc