Người dân háo hức chờ đợi nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên

15:32 | 03/07/2018

467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, người dân trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông không khỏi xôn xao trước hình ảnh những chiếc xe tải siêu trường, siêu trọng, kéo theo sơ-mi rơ-moóc siêu dài lưu thông trên đường.

“Vật thể lạ” trên đường Tây Nguyên

Đoàn xe siêu khủng đã thu hút hàng dài người đi đường và những người dân địa phương hiếu kỳ, đứng dọc hai bên đường để chứng kiến, một số người còn chụp ảnh hay quay phim lại những “vật thể lạ” này.

Đoạn video ngắn ghi lại hình ảnh trên, thu hút hơn 105.000 lượt xem trên Facebook

Một người dân địa phương - ông T.N.D - đã ghi hình và đăng tải video quay lại đoàn xe siêu trường đang di chuyển qua đoạn đường gần nhà, trên trang Facebook cá nhân. Không lâu sau đó, đoạn clip trên đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân với hơn 530 lượt chia sẻ và hơn 105.000 lượt xem.

Không chỉ chủ nhân của đoạn clip cảm thấy “Hình ảnh siêu lạ, lần đầu tiên được thấy trên quê hương tôi”, mà bên dưới bài đăng và những bài chia sẻ, các bình luận cũng không ngừng đặt ra câu hỏi về danh tính của những “vật thể lạ” dài hơn 50m đang di chuyển trên các tuyến đường núi dốc của miền đất Tây Nguyên.

nguoi dan hao huc cho doi nha may dien gio dau tien o tay nguyen
nguoi dan hao huc cho doi nha may dien gio dau tien o tay nguyen

Theo tìm hiểu, “vật thể lạ” trên không phải là “cánh máy bay” hay ”cánh tên lửa” như nhiều người dân địa phương đồn đoán, mà thực ra đây chính là những cánh quạt tuabin gió đang trên đường về công trường của “Trang trại phong điện Tây Nguyên”, đang triển khai tại địa bàn xã Đliê Yang, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk.

Phong điện Tây Nguyên: Dự án điện gió đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk - một trong số ít khu vực có nguồn năng lượng gió tốt nhất tại Việt Nam, với sức gió ổn định và phân bố đều ở mức trung bình 7-7,6 m/giây.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, dự án sẽ được triển khai cả 3 giai đoạn. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất Việt Nam. Dự án gồm 108 turbine, có tổng mức đầu tư gần 13 nghìn tỷ đồng, với tổng công suất thiết kế 280 MW, sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến gần 2 tỷ kWh.

Được biết, dự án Phong điện Tây Nguyên nằm trong 7 khu vực có tiềm năng điện gió của Đề án Quy hoạch điện gió tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vì vậy UBND tỉnh đã giao các sở, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn, cũng như tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách cho dự án hoàn thành đúng tiến độ. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới quốc gia trong quý 3/2018, với công suất 28,8 MW, sản lượng hơn 108 triệu kWh/năm.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Là dự án điện gió đầu tiên của khu vực, sự thành công của Trang trại Phong điện Tây Nguyên sẽ đóng góp không nhỏ trong việc thu hút thêm những dự án công nghiệp, đặc biệt là các dự án năng lượng đến và đầu tư tại tỉnh. Điều này giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của tỉnh Đắk Lắk đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều lĩnh vực, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh phát triển theo định hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh việc tăng cường nguồn thu ngân sách, sản lượng điện mà dự án tạo ra sẽ góp phần làm giảm sự phụ thuộc của nguồn cung ứng điện trong tương lai, nhất là vào cao điểm mùa khô hàng năm. Dự án cũng tạo điều kiện cho địa phương và khu vực phát triển kinh tế thông qua việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông, tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy xã hội và du lịch tỉnh nhà.

Ngoài ra, dự án Phong điện Tây Nguyên còn trực tiếp mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, công trường dự án hiện đang có 100 công nhân và kỹ sư phụ trách xây dựng khu vực nhà điều hành, thi công hệ thống hạ tầng điện, đường giao thông và xây dựng móng trụ turbine.

Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cần đội ngũ kỹ sư với số lượng lên đến hàng trăm người, phụ trách các công tác vận hành cũng như tham gia trực tiếp/ gián tiếp vào công tác bảo dưỡng O&M định kỳ 2-3 lần/ năm. Số lượng lao động này cũng sẽ giúp tạo ra việc làm cho người dân địa phương trong các ngành dịch vụ hỗ trợ và cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt .

Dân trí